(KTSG) - Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dấy lên những cuộc tranh luận về một viễn cảnh tương lai, nơi máy móc có thể soán ngôi con người. Trong cơn lốc cảm xúc lẫn lộn giữa kỳ vọng và lo lắng, liệu chúng ta có đang phóng đại nỗi sợ hãi trước AI, khi mà lịch sử đã chứng kiến không ít lần công nghệ làm thay đổi cuộc sống loài người?
- Lằn ranh giữa đạo nhái và sao chép để tưởng nhớ tác giả
- Quyết định tiên phong của tòa án Đức về AI và ngoại lệ khai thác dữ liệu
Kỷ nguyên AI gợi nhớ đến một cột mốc lịch sử quan trọng - sự ra đời của nhiếp ảnh - từng được ca ngợi là “phát minh quan trọng nhất kể từ máy in”(1). Những hoài nghi và lo ngại về các tác phẩm do AI tạo ra hiện nay không khác gì những cảm xúc mà nhiếp ảnh đã từng khơi dậy. Nỗi lo về việc AI sẽ thay thế các nghệ sĩ cũng tương tự như nỗi sợ hãi trước đây rằng nhiếp ảnh gia sẽ khiến họa sĩ thất nghiệp. Thậm chí, những câu hỏi xoay quanh việc bảo hộ bản quyền cho các tác phẩm do AI tạo ra cũng mang nhiều nét tương đồng với những tranh luận lịch sử về quyền tác giả của nhiếp ảnh. Những điểm tương đồng này cho thấy rõ ràng rằng nỗi lo lắng của con người trước những công nghệ mới luôn là một vòng lặp bất tận.
Nhiếp ảnh: “Người đầy tớ khiêm tốn” của nghệ thuật và khoa học?
Mặc dù hành trình phát triển của nhiếp ảnh có thể truy ngược từ thế kỷ thứ 10, nhưng phải đến đầu thế kỷ 19, câu chuyện về “ánh sáng vẽ nên hiện thực” mới thực sự mở màn với hai phát minh đột phá: “daguerreotype” của Louis Daguerre, một nghệ sĩ người Pháp, vào năm 1839 và “calotype” của William Henry Fox Talbot, một nhà khoa học người Anh, vào năm 1841.
Trong đó, “daguerreotype”, đứa con tinh thần của Daguerre, đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim công chúng Pháp với khả năng tái hiện chân thực thế giới xung quanh. Tuy nhiên, Daguerre đã giữ kín bí mật về kỹ thuật này. Nhận ra tiềm năng thương mại của “daguerreotype”, Chính phủ Pháp đã đưa ra một lời đề nghị mà Daguerre không thể từ chối: một khoản trợ cấp hậu hĩnh trọn đời để đổi lấy việc ông công khai bí mật. Daguerre xuất bản một tài liệu chi tiết về quy trình chụp ảnh, được biết đến rộng rãi dưới cái tên “Hướng dẫn sử dụng Daguerreotype” hoặc “Bí mật của Daguerre”. Bản thảo này đã chu du khắp thế giới và đặt chân đến New York (Mỹ), nơi nó khơi nguồn cho sự bùng nổ của các studio chụp ảnh, đưa nhiếp ảnh đến gần hơn với công chúng cũng như định hình vị thế của nó trong văn hóa thị giác.
Trong khi công chúng háo hức đón nhận công nghệ mới, máy ảnh đã làm rung chuyển thế giới nghệ thuật, đe dọa họa sĩ và những người bảo trợ của họ. Bởi lẽ, thiết bị này có thể nắm bắt hiện thực một cách sống động và chân thực hơn bất kỳ bức tranh nào, ngay cả khi được sử dụng bởi những người không chuyên. Giới họa sĩ lo sợ nhiếp ảnh sẽ cướp đi kế sinh nhai, khi bất cứ ai, chỉ trong tích tắc, cũng có thể tạo ra những gì mà một nghệ sĩ mất hàng giờ, hàng ngày hoặc lâu hơn mới hoàn thành.
Paul Delaroche, một họa sĩ người Pháp nổi tiếng đã thốt lên “hội họa đã chết” khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng một bức ảnh daguerreotype. Cảm xúc này cũng được chia sẻ bởi nhà thơ đồng hương Charles Baudelaire, người lo sợ nhiếp ảnh sẽ xâm chiếm và hủy hoại nghệ thuật. Ông gọi nhiếp ảnh là “kẻ thù nguy hiểm nhất của nghệ thuật”. Thậm chí, Baudelaire “giáng chức” nhiếp ảnh xuống vai trò “một người đầy tớ khiêm tốn” cho nghệ thuật và khoa học, giống như “in ấn hoặc tốc ký, không tạo ra cũng như không làm giàu cho văn học”(2).
Sự hoài nghi còn đến từ Joseph Pennell, một họa sĩ và tác giả người Mỹ, người đã đặt câu hỏi liệu nhiếp ảnh có xứng đáng được sánh vai với các loại hình nghệ thuật như hội họa hay không. Trong bài phê bình sắc sảo của mình, Pennell cho rằng các nhiếp ảnh gia đơn giản là không đủ trình độ. Ông phác họa con đường của một nghệ sĩ truyền thống: những năm tháng học việc miệt mài, khởi đầu với những công việc đơn giản như rửa cọ, lau bảng màu... rồi đến vô số giờ khổ luyện thường chỉ được công nhận sau khi họ đã về với cát bụi.
Dĩ nhiên Pennell tỏ ra nghi ngờ đối với những nhiếp ảnh gia tự nhận là nghệ sĩ. Ông thách thức họ bằng những câu hỏi về quá trình rèn luyện và sự tận tâm của họ đối với nhiếp ảnh: Liệu đây có phải là sự nghiệp cả đời, là nỗi ám ảnh của họ? Liệu họ có phải trầy trật leo lên từng nấc thang từ người học việc đến bậc thầy? Ông chế giễu ý tưởng phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ” cho những người chỉ đơn thuần sử dụng các thiết bị cơ khí, ví von như một nhạc công đường phố không thể so sánh với một nghệ sĩ piano bậc thầy như Paderewski(3).
Những hoài nghi và xem thường này bắt nguồn từ bản chất cơ học của nhiếp ảnh, khiến nó bị xem như một “trò ảo thuật” sao chép hiện thực. Tuy nhiên, quan điểm hạn hẹp như vậy đã sớm bị thách thức nhờ vào hai sự kiện mang tính bước ngoặt. Đầu tiên là sự xuất hiện của Alfred Stieglitz, người được mệnh danh là “cha đẻ của nhiếp ảnh Mỹ”, là một “Leonardo da Vinci của nhiếp ảnh”, một người đi tiên phong không ngừng đấu tranh để đưa nhiếp ảnh lên ngang hàng với hội họa và điêu khắc. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của ông, nhiếp ảnh đã chính thức bước vào lĩnh vực mỹ thuật, được trưng bày cùng với những tác phẩm hội họa trong một cuộc triển lãm đột phá tại New York năm 1910.
Sự kiện thứ hai là phán quyết lịch sử của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ Burrow-Giles Lithographic Co. kiện Sarony. Tòa đã công nhận bức ảnh Sarony chụp nhà văn Oscar Wilde(4) là tác phẩm xứng đáng được bảo hộ bản quyền, khẳng định vị thế của nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật đích thực. Phán quyết này không chỉ mở đường cho việc công nhận bản quyền đối với các tác phẩm nhiếp ảnh sau này, mà còn đặt nền móng cho nguyên tắc trung lập đối với công nghệ trong luật bản quyền: các công nghệ mới đều có khả năng tạo ra những tác phẩm đáng được bảo vệ.
Khác với hội họa hay điêu khắc - loại hình nghệ thuật được thai nghén và sinh ra hoàn toàn từ đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ - nhiếp ảnh lại là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và sáng tạo. Và giờ đây, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những hình ảnh được sinh ra từ thuật toán AI. Sự xuất hiện của những sáng tạo này đang làm lu mờ ranh giới giữa người và máy, thách thức những quan niệm truyền thống về quyền tác giả và mở ra một chương mới đầy tiềm năng cho nghệ thuật.
AI: Nàng thơ hay Bậc thầy?
Thật trùng hợp, cũng tại New York, nghệ thuật AI đã có bước ngoặt tương tự như nhiếp ảnh vào năm 2018, khi nhà đấu giá Christie’s bán bức chân dung “Edmond de Belamy” do AI tạo ra với giá gây sốc 432.500 đô la, bất chấp độ phân giải thấp. Sự kiện này không chỉ làm sống dậy câu hỏi muôn thuở “Nghệ thuật đã chết?” mà còn khơi mào một cuộc tranh luận sôi nổi về tác động của công nghệ lên nghệ thuật và bản chất của sự sáng tạo.
Liệu máy móc có thực sự sáng tạo, hay chỉ là bắt chước con người? Học giả Aaron Hertzmann nhấn mạnh rằng khía cạnh xã hội của nghệ thuật, rằng nghệ thuật là phương tiện giao tiếp, thể hiện và định hình các mối quan hệ, giá trị và bản sắc văn hóa. Sáng tạo nghệ thuật không chỉ là hành động bộc phát mà là quá trình có chủ đích, đòi hỏi sự tương tác giữa người nghệ sĩ và môi trường. Vì vậy, Hertzmann ví von AI như “khách du lịch lạc lõng ở xứ người, chỉ biết lặp lại những cụm từ học vẹt mà không thực sự hiểu ngôn ngữ và văn hóa”(5).
Cũng như nhiếp ảnh thời sơ khai, hình ảnh do AI tạo ra đang đối mặt với nhiều rào cản trước khi được luật bản quyền công nhận. Dù lập trình viên tạo ra AI, đóng góp của họ chỉ gói gọn trong việc thiết kế thuật toán, chứ không phải các tác phẩm cụ thể mà AI tạo ra. Những lựa chọn nghệ thuật của AI, như bố cục, phong cách nghệ thuật và bảng màu, không được định sẵn mà xuất hiện từ sự tương tác phức tạp giữa các thuật toán, dữ liệu đào tạo và gợi ý của người dùng (prompt). Dù các prompt có ảnh hưởng đến sản phẩm đầu ra, chúng khó mà đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ quyền tác giả. Tương tự, các nghệ sĩ có tác phẩm để đào tạo AI cũng không thể lường trước được kết quả cuối cùng, vì cách AI diễn giải và sử dụng nghệ thuật nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Sự thiếu vắng hình ảnh một nhà sáng tạo trong AI đã dẫn đến nhiều tranh cãi pháp lý. Điển hình là trường hợp của Stephen Thaler, người đã bị Văn phòng bản quyền Mỹ (USCO) từ chối đăng ký bản quyền cho bức tranh “A Recent Entrance to Paradise” do AI tạo ra vì thiếu yếu tố sáng tạo của con người. Kháng cáo sau đó của Thaler lên tòa án cấp cao hơn cũng không thành công vì ông thừa nhận rõ ràng mình không tham gia vào quá trình sáng tạo của AI.
Để thích ứng với sự phát triển của công nghệ mới, USCO đã ban hành hướng dẫn về việc đăng ký các tác phẩm do AI tạo ra. Hướng dẫn này cho phép đăng ký bản quyền cho các đóng góp của con người trong tác phẩm nói trên, miễn là nội dung do AI tạo ra được công bố minh bạch. Tuy nhiên, trong các vụ việc liên quan như “Théâtre d’Opéra Spatial” và “Zarya of the Dawn” (các tác phẩm hình ảnh được tạo ra bởi nền tảng AI Midjourney), USCO đã từ chối bảo hộ vì cho rằng chúng chứa quá nhiều yếu tố do AI tạo ra và không thể tách bạch được nỗ lực sáng tạo của con người và máy móc.
Thậm chí, dù tác giả của “Théâtre d’Opéra Spatial” đã sử dụng ít nhất 624 lần lời gợi ý khác nhau, USCO vẫn không công nhận sự đóng góp của ông trong việc hình thành tác phẩm. USCO cho rằng tính chất tự động và không thể đoán trước của Midjourney khiến sự ra đời tác phẩm của nó khác biệt hoàn toàn so với quá trình sáng tạo nghệ thuật của con người, vốn đòi hỏi sự chủ động và kiểm soát của tác giả. Khác với các nghệ sĩ, những người có thể kiểm soát từng chi tiết trong tác phẩm của mình, người dùng Midjourney chỉ đóng vai trò định hướng, không phải là “bộ óc” thực sự đằng sau tác phẩm.
Trái ngược với sự dè dặt của USCO, Tòa án Internet Bắc Kinh (BIC) đã có phán quyết đột phá vào tháng 11-2023, công nhận bảo hộ bản quyền cho một hình ảnh do AI tạo ra với người dùng được xem là tác giả(6). Mặc dù thừa nhận nguyên đơn không trực tiếp tạo nên hình ảnh cuối cùng, BIC nhấn mạnh rằng tác phẩm mà AI tạo ra dựa trên lời gợi ý của người này. Tòa án lập luật rằng ý định nghệ thuật và lựa chọn cụ thể của nguyên đơn, bao gồm việc lựa chọn chủ đề (một thần tượng Nhật Bản), chi tiết cụ thể (màu da, màu mắt, kiểu tóc, tư thế...) và quá trình tinh chỉnh lặp đi lặp lại thông qua gợi ý và các thông số, chứng minh sự đóng góp trí tuệ và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu về “thành tựu trí tuệ” và tính nguyên bản.
Tuy nhiên, việc BIC dựa vào việc AI không có tư cách pháp nhân để bác bỏ khả năng tác giả của nó lại đặt ra những câu hỏi triết học về bản chất của sự sáng tạo: Liệu một cỗ máy, dù không có ý thức hay ý chí tự do, có thể tạo ra những tác phẩm độc đáo và giàu cảm xúc hay không? Cách tiếp cận của BIC dường như ưu tiên việc áp dụng luật bản quyền hiện hành cho các tác phẩm do AI tạo ra, ngay cả khi pháp luật chưa thể phản ánh đầy đủ những sắc thái trong quá trình sáng tạo.
AI và nghệ thuật: Chuyện mới chỉ bắt đầu
Nhiếp ảnh và AI, cả hai đều từng bị hoài nghi về giá trị nghệ thuật. Trong khi nhiếp ảnh đã khẳng định được vị thế của mình sau một hành trình dài đầy thử thách, từ khi ra đời vào năm 1839 cho đến những cột mốc quan trọng như vụ kiện Burrow năm 1884 và triển lãm tại New York năm 1910, thì tương lai của nghệ thuật AI vẫn còn là một ẩn số đầy tiềm năng. Nếu nhiếp ảnh tạo điều kiện cho việc tái tạo hàng loạt các tác phẩm gốc, thì AI lại tạo ra một dòng chảy bất tận những sáng tạo độc nhất vô nhị.
Sự trỗi dậy của nghệ thuật AI gợi nhớ đến những lo ngại ban đầu xung quanh nhiếp ảnh, nhưng tính chất khó lường và tiềm năng sáng tạo tự chủ của AI đặt ra những thách thức chưa từng có cho luật bản quyền. Trong khi nhiếp ảnh gia kiểm soát toàn bộ quá trình sáng tạo, thì nghệ thuật AI lại làm mờ ranh giới về quyền tác giả, đặt ra câu hỏi liệu ai hoặc “cái gì” mới là “người sáng tạo” thực sự. Tương lai của nghệ thuật và AI còn nhiều điều chưa biết, nhưng một điều chắc chắn: cuộc tranh luận về bản quyền sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong quá trình phát triển đầy thú vị này.
(*) Giảng viên môn Luật Sở hữu trí tuệ, Đại học Durham, Vương quốc Anh.
(1) Helmut Gernsheim and Alison Gernsheim, The History of Photography: From the Camera Obscura to the Beginning of the Modern Era (OUP 1955) 11.
(2) Quan điểm của Baudelaire về nhiếp ảnh có thể tìm đọc trong bài luận The Modern Public and Photography. The Salon of 1859.
(3) Độc giả có thể tìm hiểu quan điểm của Pennel về nhiếp ảnh trong bài luận Is Photography Among the Fine Arts (1897) The Contemporary Review 824.
(4) Để tìm hiểu thêm về phán quyết này, độc giả có thể tham khảo bài viết của Lê Vũ Vân Anh, “Cái đẹp“ trong mắt thẩm phán, https://thesaigontimes.vn/cai-dep-trong-mat-tham-phan/.
(5) Aaron Hertzmann, Can Computers Create Art? (2018) 7(2) Arts 1, 12.
(6) Toàn văn vụ việc tham khảo tại Copyright Protection for “AI-Generated“ Images (2024) 73(4) GRUR International 360-368.