Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Campuchia – những điều nên biết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch Campuchia - những điều nên biết

Mai Lĩnh

Du lịch Campuchia - những điều nên biết
Ở Phnom Penh, mỗi hãng xe có bến riêng. Trong ảnh là bến xe của công ty vận tải Phnom Penh Sorya nằm cạnh chợ trung tâm Phnom Penh. Ảnh: PĐQ

(TBKTSG Online) - Bất cứ việc gì, tự mình làm sẽ được như ý hơn và tất nhiên phải tốn công sức hơn là trả tiền cho người khác lo. Du lịch cũng vậy, chi tiền mua tour thì chỉ việc nhất nhất làm theo hướng dẫn của hãng lữ hành, tuân theo sự điều hành của họ... Hướng dẫn viên đưa đi đâu thì biết đấy, cho đi dạo ngắm cảnh bao nhiêu phút thì vui lòng canh giờ quay lại xe đi tiếp để khỏi làm phiền những người đồng hành.

Mua vé đi tour có cái khỏe là mọi chuyện ăn, nghỉ được người ta đặt sẵn, khách không phải suy tính, lo toan và đến đâu cũng được nghe thuyết minh. Có điều nội dung thuyết minh thường hời hợt và không phải những điều họ luôn nói chính xác!

Khuynh hướng du lịch tự túc ngày càng tăng, có nhiều người tự chuẩn bị hành trang, tìm hiểu thông tin về điểm đến, đặt phòng nghỉ, mua vé xe (hoặc máy bay, tàu lửa...) cho chuyến đi của mình. Mọi việc sẽ rất thuận lợi nếu bạn sử dụng internet để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên cần lưu ý đến thời điểm thông tin bạn tìm đọc được đưa lên mạng vào lúc nào, bởi mọi việc đều có thay đổi nhất là giá cả. Riêng về những nhận xét của người đi trước chia sẻ lên mạng, bạn cần hiểu rằng đó là những cảm nhận chủ quan - đúng với người này nhưng không hợp với người khác - có thể ở vào hoàn cảnh y như vậy, bạn sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác.

Nhin bên ngoài, hầu hết xe bus ở Campuchia đều giống nhau. Khách ngồi tầng trên (cửa sổ kính), tầng dưới là cabin của lái, phụ xe, khoang hành lý, toilet và động cơ. Xe ghế nằm cũng y như vậy, nhưng không có toilet và tầng dưới biến thành chỗ cho khách như cái hầm kín. Ảnh: PĐQ

Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra một số ghi nhận thực tế sau một tuần đi Campuchia, mong rằng sẽ hữu ích cho những bạn có dự định tham quan đất nước Chùa Tháp láng giềng.

Xe khách quá cảnh

Hàng ngày có rất nhiều xe khách đi Campuchia xuất phát từ TPHCM, bán vé cho khách đi lẻ. Điểm xuất phát tập trung ở hai khu vực: đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) và Đặng Thái Thân (bên hông bệnh viện Đại học Y Dược, quận 5). Do chặng đường khá dài, du khách nên mua vé trước để có được vị trí chỗ ngồi dễ chịu. Khi liên hệ các hãng xe, họ thường không nói rõ những chi tiết sau: Không có xe nào chạy thẳng từ TPHCM đến Siem Reap hay Sihanouk Ville, tất cả đều ghé Phnom Penh lấy thêm khách. Khách đi tiếp sẽ phải chờ ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Nếu mua vé đi thẳng Siem Reap, khách có thể không phải sang xe (người có nhiều hành lý đỡ khổ) nhưng vẫn phải đứng, ngồi loanh quanh để chờ vì không đủ thời gian dạo phố Phnom Penh. Còn mua vé đi thẳng Sihanouk Ville, cầm chắc là bạn phải sang xe khác, đi chung với khách từ Phnom Penh đi Sihanouk Ville.

Khách ngồi tầng trên xe bus 168 khá thoải mái. bên trái 2 ghế, bên phải chỉ 1 ghế. Ảnh: PĐQ

Vừa rồi, chúng tôi mua vé ở Lac Hong Tours (305 Phạm Ngũ Lão, quận 1). TPHCM - Siem Reap giá vé 420.000 đồng (có thương lượng), người bán đưa ra sơ đồ ghế và dành cho chúng tôi 4 vé liên tục số ghế, ngồi gần nhau. Nhưng khi lên xe, vị trí các số ghế đó hoàn toàn sai lệch. Hóa ra văn phòng này chỉ bán vé ăn hoa hồng cho một hãng xe của Campuchia.

Người bán vé nhấn mạnh đây là xe đi thẳng Siem Reap, không chuyển sang xe khác, xe chỉ ghé Phnom Penh thả khách rồi đi ngay. Đúng là không phải sang xe, nhưng ở Phnom Penh, xe này phải đợi gần 90 phút để nhận khách từ Phnom Penh đi Siem Reap. Trong thời gian đó, khách tìm chỗ ăn trưa rồi ngồi chịu trận dưới cái nắng nung người ở bến xe, không dám đi đâu xa. Trên lộ trình TPHCM - Phom Penh, chúng tôi phát hiện là hành lý gửi nhà xe (khách ngồi tầng trê, hành lý để tầng dưới, có lối lên xuống) khách trên xe có thể tự tiện xuống lục ba lô, va li để lấy đồ; lơ xe không hề để ý. Khách gửi hành lý không có biên nhận nên lỡ mất, không biết đâu mà hỏi!

Hiện nay, hai hãng xe Kumho Samco và Mai Linh chỉ có xe đi Phnom Penh, không bán vé đi Siem Reap và Sihanouk Ville. Riêng Sapaco bán vé đi Siem Reap nhưng nói rõ là sang xe tại Phnom Penh. Theo quan sát của chúng tôi trên hai chặng đi, về TPHCM và Phom Penh, ngoài mấy hãng xe của Campuchia thì Samco là hãng có số lượt xe chúng tôi gặp trên đường đi nhiều nhất.

Xe của hãng RMN trung chuyển khách từ Sihanouk Ville đến Phnom Penh sang xe bus đi tiếp về TPHCM. Ảnh: PĐQ

Chuyến về, từ Sihanouk Ville không có xe khách đi Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên. Hỏi nhiều người ở Sihanouk Ville thì biết, muốn nhập cảnh về Việt Nam theo đường này khách phải đi nhiều chặng: Sihanouk Ville - Kampot, rồi đi tiếp đến cửa khẩu Xà Xía, vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên rồi đi về TPHCM. Như vậy phải sang xe, muavé nhiều lần, rất bất tiện và cả mất nhiều thời gian.

Chúng tôi phải mua vé Sihanouk Ville đi TPHCM thành hai chặng: Sihanouk Ville đi Phnom Penh bằng xe nhỏ, đến Phnom Penh, đổi vé và chờ 1 giờ sau lên xe bus đi TPHCM.

Xe khách nội địa

Hôm đi từ Siem Reap xuống Sihanouk Ville, nghe nói có xe ghế nằm, chúng tôi quyết định đi ban đêm để khỏi mất một ngày và tiết kiệm được 40 đô la tiền phòng trọ. Nhưng khi lên xe thì ta hỏa! Hoàn toàn khác với loại xe ghế nằm ở Việt Nam, nhìn bên ngoài chiếc xe không khác gì xe ghế ngồi bình thường ở Campuchia nhưng thay vì tầng dưới làm khoang hành lý thì sắp ghế nằm. Xe ghế nằm ở VN chỉ chở tối đa 38 - 40 khách sắp thành ba hàng với hai lối đi dọc xe và có hai cửa lên xuống. Khách có thể nhìn ra ngoài qua cửa kính, nếu muốn. Xe nằm chúng tôi đi ở Campuchia chứa tới hơn 50 khách, nằm hai tầng, và xếp thành hai hàng, mỗi hàng hai người nằm chung một ghế. Điều nguy hiểm là xe chỉ có một lối đi rất hẹp ở giữa và duy nhất một cửa lên xuống cho hơn 50 con người trên xe. Nếu có sự cố gì, khách đạp lên nhau mà chết chứ không cần tác động của tai nạn gây tử vong.

Khách nằm tầng trên còn nhìn ra ngoài qua cửa kính được, ở tầng dưới như cái hầm bít bùng, ngột ngạt. Có lẽ chỉ có những đôi tình nhân trẻ thích đi loại xe này; trái lại rất bất tiện cho phụ nữ nếu mua vé nằm chung ghế (hai số ghế nằm chung, không có ngăn cách) với một người đàn ông lạ. Hôm ấy, trên xe có khá nhiều khách Tây và người Khmer, chỉ có 4 người Việt là nhóm chúng tôi. Lưng ghế cố định, không điều chỉnh lên xuống được và bàn chân chúng tôi bị kẹt dưới lưng ghế phía trước nên chân phải co lại; không hiểu mấy ông bà Tây cao lông ngồng nằm kiểu nào?! Tối bít bùng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cười rúc rích của cặp nào đó, càng khó ngủ!

Một điều cần lưu ý khi mua vé xe khách ở Campuchia, có khi cùng một hãng nhưng các đại lý bán giá vé khác nhau, có thể chênh nhau đến vài đô la (với người nước ngoài luôn thanh toán bằng đô la Mỹ). Vì vậy trước khi mua bạn chịu khó rảo một vòng để khảo giá. Giá xe có thể chênh lệch theo hãng xe và giờ xe chạy. Tuy nhiên, khi mua vé nên hỏi rõ về dịch vụ “pick up” (đón khách tại khách sạn) bởi có nơi bán giá rẻ hơn nhưng không kèm dịch vụ này.

(Còn tiếp)

Sapaco Tourist

325 Phạm ngũ lão, Q.1, TPHCM. ĐT: (08) 3920 6706 - Fax: (08) 3920 3624

Email: sapacotouristsg@gmail.com - Website: http://www.sapacotourist.vn/

Kumho Samco Buslines

239 Phạm Ngũ Lão, Q.1, TPHCM - ĐT đặt vé: 08.6291.5389

Lô 10 Mạc Thiên Tích, P.11, Q.5, TPHCM - ĐT: 08.66.601.727

Website: http://kumhosamco.com.vn/vi/ho-chi-minh-phnom-penh
 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới