Thứ hai, 24/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

AI thúc đẩy trung tâm dữ liệu phát triển

Trịnh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nghiên cứu của McKinsey dự báo nhu cầu trung tâm dữ liệu toàn cầu tăng mạnh do sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn với chi phí đầu tư thấp, chính sách ưu đãi, thu hút nhiều “ông lớn” công nghệ. Tuy nhiên, thách thức về nguồn cung điện cần được giải quyết để Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu khu vực.

Trong trung tâm dữ liệu của Dell Technologies. Các con chip AI tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, vì thế tỏa nhiệt nhiều hơn. Làn sóng AI toàn cầu cũng tạo cơ hội phát triển mới cho công nghệ làm mát bằng nước và chất lỏng. Ảnh: Dell Technologies

Xu hướng AI thúc đẩy sự bùng nổ trung tâm dữ liệu

Nghiên cứu của McKinsey công bố vào cuối năm 2024 cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với trung tâm dữ liệu (TTDL) có thể tăng 19-22% từ năm 2023-2030 để đạt nhu cầu hàng năm từ 117-219 gigawatts (GW). Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI), là động lực mới thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên phạm vi toàn cầu và khu vực.

Việt Nam đang tiếp nhận làn sóng đầu tư trung tâm dữ liệu trong khu vực Đông Nam Á giữa bối cảnh Singapore - quốc gia chiếm 60% thị phần trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á - đang gặp những thách thức lớn về quỹ đất và nguồn điện để mở rộng quy mô.

Việt Nam đang nổi lên với những lợi thế về quỹ đất dồi dào, chi phí đầu tư và vận hành hợp lý, hạ tầng viễn thông phát triển mạnh mẽ.

Các trung tâm dữ liệu cho AI tiêu thụ lượng điện cao hơn từ 2-5 lần so với các trung tâm dữ liệu thông thường. Đây sẽ là bài toán mấu chốt mà Việt Nam cần giải quyết nếu muốn trở thành trung tâm dữ liệu mới của khu vực và thế giới.

Trong đó, Việt Nam đang là một trong những điểm đến nổi bật với chi phí đầu tư và vận hành trung tâm dữ liệu thấp. Cụ thể, theo nghiên cứu của Cushman & Wakefield đầu năm 2025, chi phí đầu tư ban đầu cho một trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn trung bình tại Việt Nam thấp thứ hai trong khu vực (từ 5,5-8,4 triệu đô la Mỹ/MW) và chỉ cao hơn Đài Loan. Chi phí điện để vận hành tại Việt Nam cũng thấp thứ hai với 18,9 triệu đô la/năm (tính trên tiêu chuẩn của trung tâm dữ liệu công suất 20 MW).

Cuối cùng, không thể thiếu là các chính sách khuyến khích đầu tư vào công nghệ thông tin từ Chính phủ khi từ ngày 1-1-2025, điều 29 Luật Viễn thông (sửa đổi) cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Thị trường sôi động với sự hiện diện của những “ông lớn” công nghệ

Nvidia, Google, Apple, Samsung và các công ty khác đang gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, ký kết các thỏa thuận hợp tác và đầu tư vào trung tâm nghiên cứu và phát triển AI. Đây đều là các công ty có nhu cầu cao về hệ thống trung tâm dữ liệu, hứa hẹn tạo nên nguồn nhu cầu lớn trong tương lai. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được Savills dự báo sẽ vượt mức 1 tỉ đô la vào năm 2028, khi đang thu hút ngày càng nhiều “tay chơi” lớn.

Việt Nam hiện có trên 30 trung tâm dữ liệu thương mại nhỏ và vừa, với tổng số hơn 20.000 tủ rack (không gian chứa các thiết bị mạng), tổng công suất thiết kế là 145 MW. Trong đó phần lớn thuộc về các doanh nghiệp nội địa.

Với những lợi thế kể trên, Việt Nam đang dần thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Các liên danh như Supermicro (Mỹ) và Tập đoàn Sovico; ST Telemedia Global Data Centres (Singapore) và VNG, hay Benya Technologies và Vingroup đều đang lên kế hoạch đầu tư vào các dự án trung tâm dữ liệu quy mô vừa đến lớn tại Việt Nam.

Bên cạnh trung tâm dữ liệu truyền thống, xu hướng đầu tư vào trung tâm dữ liệu chuyên biệt cho AI cũng đang dần hình thành. Đầu năm 2024, VNG đã đưa vào vận hành AI factory “made by Việt Nam” tại Thái Lan. Trong khi đó, đầu năm 2025, AI factory đầu tiên tại Việt Nam đã được FPT và Nvidia đưa vào khai thác. Viettel cũng đang hợp tác với Nvidia để xây dựng AI factory tiếp theo. Việc các doanh nghiệp Việt Nam lần lượt làm chủ công nghệ xây dựng và vận hành AI factory sẽ đảm bảo cho khả năng mở rộng của thị trường trung tâm dữ liệu trong tương lai.

Thách thức từ hạ tầng năng lượng

Theo IEA, lượng điện tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ chóng mặt và sẽ đạt mốc 1.000 TWh mỗi năm vào năm 2026 - tương đương với lượng điện tiêu thụ mỗi năm của nền kinh tế thứ 3 thế giới là Nhật Bản. Xu hướng phát triển của AI thậm chí sẽ khiến lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng với tốc độ phi mã khi các trung tâm dữ liệu cho AI tiêu thụ lượng điện cao hơn từ 2-5 lần so với các trung tâm dữ liệu thông thường. Đây sẽ là bài toán mấu chốt mà Việt Nam cần giải quyết nếu muốn trở thành trung tâm dữ liệu mới của khu vực và thế giới. Một tín hiệu đáng mừng là Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đang được thảo luận theo hướng tăng công suất nguồn điện từ 45-75% so với quy hoạch cũ, qua đó phần nào có thể bổ sung nguồn điện mới cho các trung tâm dữ liệu trong trung hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới