Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mít Nài – một địa danh sắp mất?!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mít Nài - một địa danh sắp mất?!

Bài và ảnh: Lâm Văn Sơn

Mít Nài - một địa danh sắp mất?!
Một bên bờ rạch Cái Khế đã được làm kè xong. Bên trái là chợ Mít Nài, đường Huỳnh Thúc Kháng nơi đang được giải tỏa mặt bằng để thi công bờ kè.

(TBKTSG Online) - Một địa danh hình thành tự nhiên từ cuộc sống người dân luôn gắn liền với quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương và gắn bó với tình cảm cộng đồng cư dân nơi ấy. Thậm chí, chính những nơi có địa danh nổi tiếng trở thành điểm đến của du khách trong và cả ngoài nước; hay nói cách khác, đó chính là những sản phảm du lịch có giá trị tinh thần, tình cảm hơn hẳn những khu giải trí, nhà hàng, khách sạn...

Câu chuyện nguồn gốc các địa danh còn góp phần vào kho tàng chuyện kể cho khách du lịch phương xa về cái hồn của văn hóa bản địa và có tác dụng giáo dục tình cảm quê hương cho lớp hậu sinh.

Đoạn đường ngắn nhiều di tích

Chợ Mít Nài nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, bên bờ rạch Cái Khế. Việc giải tỏa để mở đường, xây bờ kè sẽ khiến cảnh quan thành phố sạch đẹp, khang trang.

Năm mươi năm trước, cảnh vật và cuộc sống cư dân vùng Đàn Tiên - Mít Nài đơn sơ, yên bình lắm. Thời đó, chợ Mít Nài còn vắng vẻ, vắng cả người bán lẫn người mua. Chỉ từ khi chấm dứt chiến tranh, nông thôn dễ đi lại người ta mới mang sản vật vùng quê chung quanh đó ra bán, như vùng rạch Bà Bộ, rạch Hàng Bàng, rạch Cái Sơn, rạch Long Tuyền… Những nơi ấy, xưa gọi là vùng sâu, vùng bom đạn, nay là những vùng quê đẹp, với vườn cây trái, con đường quê yên ả, ruộng đồng mênh mông. Rồi thì nhờ món ngon, vật tươi ở quê ấy mà người mua tìm đến nhiều dần lên tạo thành cái chợ đông đúc vài chục năm nay. Đó là chợ Mít Nài, nằm trên trục đường Huỳnh Thúc Kháng chạy dọc bờ rạch Cái Khế.

Đường Huỳnh Thúc Kháng (đường Cống Quỳnh cũ) dài chỉ 900 mét, bắt đầu từ cầu Nhị Kiều (cầu Đôi Mới) trên đường Trần Hưng Đạo, đến cầu Rạch Ngỗng (nay là cầu Rạch Ngỗng 1, đường Mậu Thân). Dù chỉ vài trăm mét nhưng là đoạn đường có nhiều di tích hàng trăm năm.

Chợ Mít Nài phong phú với sản vật vùng quê.

Nếu bắt đầu từ cầu Nhị Kiều - rạch Cái Khế đoạn Nhị Kiều - Rạch Ngỗng thì phiá bên kia sông ngày xưa đã có chùa Thới Long (Thới Long cổ tự) hay còn gọi là chùa nam, nằm song song đầu chợ Mít Nài gần đầu cầu Nhị Kiều. Từ đó nếu đi tiếp dọc theo con rạch Cái Khế chừng 400 mét còn có chùa Thiên Quang hay còn gọi là chùa nữ do ni sư trụ trì cũng đã xây dựng lâu đời. Chùa Thiên Quang nằm ngang sông đối diện với chùa Hiệp Minh trong cụm chùa Đàn Tiên.

Nếu bắt đầu từ phiá bên này con sông (rạch Cái Khế đoạn Nhị Kiều - Rạch Ngỗng) vào chợ Mít Nài  thì chừng 150 mét là hẻm 45, xưa là rạch Mít Nài hay hẻm Mít Nài. Rạch Mít Nài là nơi xưa kia có trồng nhiều cây Mít Nài. Sau này rạch bị lấp đi trở thành con hẻm Mít Nài. Hồi đó người ta nhóm chợ theo rạch Mít Nài riết rồi trở thành địa danh chợ Mít Nài.

Tiếp tục đi thêm 200 mét nữa là đến cụm chùa Đàn Tiên, gồm chùa Quang Xuân và chùa Hiệp Minh. Ngày xưa, Cần Thơ là nơi nổi danh với đạo tu tiên; Đàn Tiên là nơi thường tổ chức lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên cho thuốc trị bệnh, cứu người.

Trong khuôn viên chùa Hiệp Minh hiện còn một cây mít nài mà hầu hết những người từ nơi khác đến viếng chùa đều không nhận biết mà đinh ninh đó cây sa kê. Nếu không được người trong chùa giới thiệu, đứng trước hai loại cây cùng trồng trong vườn chùa, du khách khó có thể phân biệt được cây nào là cây mít nài cây nào là cây sa kê vì nhìn qua, từ thân cây đến cành, lá và trái của hai loại cây này đều giống hệt nhau. Biết rồi, nhưng vẫn phải quan sát rất kỹ mới có thể nhận ra sự khác biệt của hai cây mít nài và sa kê; nhất là đôi cắt trái sa kê và mít nài mới thấy chúng hoàn toàn khác nhau.

Hàng chữ Aux pieds du Maitre đắp trước hành lang ngôi nhà nhỏ như cái am thờ Phật.

Xưa trên đoạn đường này có xóm nhà gọi là xóm Đàn Tiên. Từ trường College Phan Thanh Giản đến Đàn Tiên, đường đi được trải đá rộng chừng 3 mét, đường đá lởm chởm chứ chưa được bằng phẳng. Đi tiếp 300 mét nữa là đến hẻm 149 là đến đường vào xóm nhà ngày xưa là vườn Thầy Cầu, một điểm du ngoạn, dã ngoại của người Cần Thơ xưa. Thầy Cầu là người giàu có trong vùng, là chủ nhân khu vườn cây trái, hoa kiểng đẹp nhất Cần Thơ lúc bấy giờ, vườn đẹp lại có hồ trồng hoa súng nia (lá to như cái nia). Lúc đó ông đặt mua ở Nhật mang về. Vườn Thầy Cầu còn có  ao nuôi cá, có cầu bắc qua lại giữa công viên. Ông học giỏi và làm thư ký (clerc) cho một luật sư người Pháp và giao tiếp nhiều nên nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Vì vậy, thời đó, vườn Thầy Cầu là nơi thường xuyên tổ chức ăn uống tiếp đãi người giàu có ở các tỉnh vùng ĐBSCL đến chơi. Nhà ông cất theo kiểu nửa âm dưới đất nửa trên mặt đất. Phần nhà nổi lên trên mặt đất thường được dùng tổ chức khiêu vũ; phần dưới (mát mẻ hơn) được tổ chức tiệc tùng mỗi khi có khách.

Chùa Giác Linh hiện nay.

Chùa Giác Linh cũng do Thầy Cầu xây dựng riêng cho gia đình. Bên trái ngôi chùa, nhìn từ ngoài vào xưa kia có cây Kim Cang to lớn. Dưới cây, ông xây dựng một bệ thờ Phật, có cầu thang đi lên để thắp nhang. Trên đà ngang chỗ cầu thang có đắp bốn chữ Aux Pieds du Maitre (dưới chân Thầy). Nay vườn Thầy Cầu còn lại di tích chùa Giác Linh và bệ thờ Phật với hàng chữ Aux pieds du Maitre thôi.

Theo lời các cụ xưa kể lại, đầu tiên người ta biết đến vùng này từ việc biết vườn Thầy Cầu là nơi có cảnh đẹp thường tổ chức tiệc tùng, khiêu vũ, nam thanh nữ tú thường hay đến tham quan, kế đến biết đến Đàn Tiên là nơi có đạo tu Tiên, viếng chùa, rồi sau đó là chợ Mít Nài.

Đi tiếp thêm 900 mét nữa thì đến đầu cầu rạch Ngỗng, trên đường Mậu Thân. Bên kia đường giáp đầu cầu Rạch Ngỗng là chùa Bửu Trì. Chùa Bửu Trì xưa kia là ngôi chùa nhỏ bằng gỗ, lợp ngói; người ở xa đến rất khó tìm đến được vì đường sá khó đi, sình lầy. Thế nhưng ngày nay chùa là nơi được biết đến như một địa chỉ nuôi trẻ mồ côi và nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Chùa Bửu Trì ở địa chỉ 87, đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Phát triển và bảo tồn

Mấy tháng gần đây chợ Mít Nài rục rịch giải tỏa để khởi công xây dựng bờ kè dọc hai bên bờ rạch Cái Khế. Khi công trình đầu tư xây dựng hoàn thành, cảnh quan đô thị sạch đẹp, khang trang hơn nhiều. Đó là điều ai cũng đồng tình, hưởng ứng; nhưng liệu có thể vừa làm thay đổi tích cực bộ mặt đô thị vừa bảo tồn giá trị lịch sử hình thành đô thị từ xưa đến nay qua việc giữ lại địa danh đã gắn bó với tình cảm của cư dân địa phương?

Địa danh rất khác với tên gọi hành chính của một địa bàn dân cư (thôn, xã, phường, quận, huyện...), trước hết vì nó xuất phát từ tâm tư, tình cảm của dân chúng chứ không phải do một văn bản của chính quyền; cũng vì thế mà địa danh có ‘tuổi thọ’ lâu hơn trong khi tên hành chính của các địa phương thường bị thay đổi xoành xoạch vì nhập, tách các đơn vị hành chính, dân cư!

Địa danh còn nhắc nhở đến một lịch sử, một truyền thuyết, một nhân vật nào đó khiến cho những con người khi sinh ra lớn lên ở xứ sở đó thấm dần niềm tự hào mỗi khi nhắc đến cái tên gọi quen thuộc như một cách nghĩ đến quê hương, hoài niệm về quê cha đất mẹ.

Bảo tồn một địa danh cũng là cách để còn lưu giữ được giá trị tình cảm cư dân địa phương truyền và chia sẻ cho người từ phương xa đến cảm nhận được giá trị văn hoá địa phương. Giữ được giá trị văn hoá cũng là một trong những cách để kéo dài thời gian lưu lại của du khách, tạo cảm giác thân thiện hơn với du khách.

Nhân việc đầu tư xây dựng bờ kè dọc đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn qua chợ Mít Nài) chính quyền thành phố Cần Thơ nên xem xét việc trồng hàng cây mít nài dọc bờ rạch Cái Khế để tạo cảnh quan cây xanh đô thị, vừa tạo bóng mát cho người dân đi lại hàng ngày, vừa bảo tồn được giống cây trồng đang bị mai một mà cái tên của nó được dân gian truyền tụng nhắc đến như địa danh thân quen, một vùng đất gắn liền với nhiều di tích lâu đời của đất Cần Thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới