Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá phân bón rớt mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá phân bón rớt mạnh

Trung Chánh

Giá phân bón rớt mạnh
Vận chuyển phân đạm - Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) - Nguồn cung tăng mạnh cộng với ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã làm giá phân bón thế giới giảm mạnh ở những năm gần đây. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thấp cùng với áp lực tăng nguồn cung (thế giới và nội địa) là nguyên nhân kéo giá phân bón trong nước giảm mạnh thời gian gần đây, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Theo Hiệp hội phân bón quốc tế (IFA), Mỹ vừa xây dựng thêm nhà máy phân đạm (urê) tại Dakota và mở rộng công suất của nhà máy Solagan, đưa tổng công suất tại 2 nhà máy này đạt 1,6 triệu tấn sản phẩm/năm.

Tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông, nhiều nhà máy sản xuất phân urê cũng đã được đầu tư mở rộng công suất và thay đổi công nghệ mới nên năng lực sản xuất tăng thêm khoảng 1,5 – 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Riêng tại Canada, Nga, Trung Quốc, Argentina…, năng lực sản xuất phân kali cũng được nâng lên đáng kể trong những năm gần đây. Dự báo của IFA, cho biết đến năm 2014-2015, lượng phân kali tồn kho trên toàn cầu vào khoảng trên 15 triệu tấn.

Song song với việc nâng công suất, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất cũng đã giúp được nhiều nhà máy hạ giá thành sản xuất xuống hàng chục đô la Mỹ/tấn, chẳng hạn, IFA cho biết nhờ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất mà giá phân urê ở khu vực Trung Đông giảm được 70 – 80 đô la Mỹ/tấn.

Thực tế, thống kê của một số công ty sản xuất phân urê trong nước cho thấy giá phân urê tại một số khu vực trên thế giới liên tục giảm mạnh trong nhiều tháng qua.

Cụ thể, thống kê của Công ty TNHH một thành viên phân bón dầu khí Cà Mau- PVCFC (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam), cho biết nếu như giá phân urê hạt đục trong những ngày giữa tháng 7-2013 tại khu vực Đông Nam Á dao động quanh mức 332 – 345 đô la Mỹ/tấn, thì đến ngày 10-10-2013, chỉ còn 275 - 287 đô la Mỹ/tấn, tức giảm 57 – 58 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi giữa tháng 7.

Đối với urê Trung Quốc và Mỹ, nếu như giữa tháng 7-2013, được chào bán với giá lần lượt là 305 – 310 và 317 – 324 đô la Mỹ/tấn, thì đến ngày 10-10-2013 chỉ còn 285 – 290 đô la Mỹ/tấn đối với urê Trung Quốc và 283 – 295 đô la Mỹ/tấn đối với urê của Mỹ, giảm lần lượt là 20 và 29 – 34 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi giữa tháng 7.

Riêng đối với urê hạt trong của Trung Quốc, vào thời điểm giữa tháng 7-2013, có giá chỉ 295 – 300 đô la Mỹ/tấn; ở khu vực Trung Đông có giá 315 – 320 đô la Mỹ/tấn, thì đến ngày 10-10-2013, có giá lần lượt 279 – 280 và 280 – 290 đô la Mỹ/tấn, giảm lần lượt là 16 – 20 và 30 - 35 đô la Mỹ/tấn so với mức giá giữa tháng 7-2013.

Đối với thị trường phân bón trong nước, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh vùng Tây Nam bộ thuộc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), cho biết hiện giá phân đạm Phú Mỹ phân phối đến tay người nông dân khoảng 8.200 – 8.400 đồng/kí lô gam, tương đương 7.200 – 7.400 đồng/kí lô gam đối với mức giá từ nhà máy phân phối đến đại lý cấp 1 (360.000 – 370.000 đồng/bao 50 kí lô gam).

Trong khi đó, báo giá của PVCFC, cho biết giá phân đạm Cà Mau hiện được phân phối đến tay người nông dân ở khu vực Tây Nam bộ có giá 7.600 – 7.700 đồng/kí lô gam, giảm 700 – 800 đồng/kí lô gam so với mức giá hồi giữa tháng 7-2013.

Theo ông Hiển, giá phân giảm do hiện khu vực ĐBSCL đang vào mùa nước lũ, nhu cầu tiêu thụ của bà con nông dân chưa nhiều. “Bên cạnh đó, nguồn cung của các nhà máy như Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình, kể cả nhập khẩu từ Trung Quốc về nhiều… làm nguồn cung dồi dào, cho nên hiện nay giá phân xuống thấp”, ông cho biết.

Về tình hình nhập khẩu phân bón, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tính đến cuối tháng 9-2013, nhập khẩu phân bón các loại đạt 3,39 triệu tấn, trị giá 1,28 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,7% về lượng và 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, khối lượng phân urê nhập khẩu đạt 465.000 tấn, trị giá 162 triệu đô la Mỹ, tăng 25,1% về lượng và 2,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; phân SA đạt 885.000 tấn, trị giá nhập khẩu đạt 173 triệu đô la Mỹ, tăng 8,75 về lượng và 11,3% về giá trị.

Việc khối lượng phân nhập khẩu tăng mạnh (21,7%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, trị giá nhập khẩu chỉ tăng 6,3%, cho thấy giá phân bón nhập khẩu vào Việt Nam thời gian gần đây đang có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới