Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Song phương hay đa phương?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Song phương hay đa phương?

Phan Minh Ngọc

Song phương hay đa phương?
Việt Nam đã đưa vấn đề giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam ra WEF về Đông Á 2014 tại Philippines. Ảnh : TTXVN

(TBKTSG Online) - Liệu còn nên đàm phán (song phương) nữa không khi ở đối phương dường như không có khái niệm “hòa bình”, “thiện chí”, “tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, khi “biện pháp hòa bình” là một thứ xa xỉ với họ.

Trước những thái độ và hành động hung hăng, hiếu chiến trong một chiến lược dài hơi của Trung Quốc nhằm ôm gần trọn Biển Đông, Việt Nam vẫn chủ trương lựa chọn thương lượng, đàm phán song phương với gã hàng xóm khổng lồ xấu tính này theo đúng tinh thần của “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết các vấn đề trên biển”, được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 10-2011 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cũng theo thỏa thuận này, đàm phán đa phương sẽ chỉ diễn ra với các nước liên quan khi tranh chấp liên quan đến các nước đó.

Tinh thần của thỏa thuận trên là tích cực khi, theo lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nó đã xác định các nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan. Thỏa thuận này “đòi hỏi nỗ lực và thiện chí của cả hai bên, (cần) tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC)”.

Với tinh thần này, và quả thực là nếu tranh chấp chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì việc chỉ đàm phán, thương lượng song phương là điều tỏ ra rất logic, và đối với Việt Nam, dường như chẳng có lý do gì phải kéo thêm một bên thứ ba (không liên quan) vào bàn đàm phán Việt-Trung để làm rắc rối thêm tình hình, thậm chí làm phương hại đến “tình hữu nghị tốt đẹp, lâu đời và quý báu” giữa hai nước.

Còn đối với Trung Quốc thì dù có hay không có thỏa thuận này, họ vẫn chỉ chủ trương giải quyết song phương với tất cả các bên có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc vì đã nhuần nhuyễn chiến thuật bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa.

Tuy nhiên thực tế lại thường là rất khác với cách nhìn nhận của một số người Việt Nam, và vì thế làm cho việc kiên quyết chỉ giải quyết tranh chấp bằng thương lượng song phương trở thành cái vòng kim cô đối với chúng ta.

Liệu còn nên đàm phán (song phương) nữa không khi ở đối phương dường như không có khái niệm “hòa bình”, “thiện chí”, “tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, khi “biện pháp hòa bình” là một thứ xa xỉ với họ. Bởi họ đã quen thói luôn tay dao, tay đấm của kẻ côn đồ, mồm thì câu trước hòa bình đi liền sau đó là hăm dọa, bôi nhọ, vu khống, tai thì đậy lại không để một chữ phải quấy nào của đối phương lọt được vào trong?

Đàm phán, thương lượng trong bối cảnh của một kẻ yếu thế trước một kẻ tham lam và bạo ngược như vậy thì đương nhiên kết quả hiếm khi là tốt đẹp cho kẻ yếu thế.

Liệu có nên đàm phán song phương nữa không khi đã biết rõ Trung Quốc chả bao giờ thực tâm không mưu tính vụ lợi, đã và đang sẵn sàng vứt bỏ và xổ toẹt mọi thỏa thuận với cam kết đẹp đẽ, đầy tình hữu nghị đồng chí và anh em, coi chúng chỉ là một loại vũ khí dùng để khống chế sự phản kháng củaViệt Nam? Có nên hy vọng thuyết phục được Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thay đổi 180 độ quan điểm của mình khi ông ta nói tại cuộc họp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam rằng giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trong lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam "cản phá"?

Và thêm nữa, liệu có nên đàm phán song phương nữa không khi những tranh chấp dù trên bề mặt chỉ là giữa Việt Nam và Trung Quốc lại ít nhiều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các bên thứ ba, mang tính khu vực và quốc tế, ví dụ như quyền tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, và sự ổn định của khu vực? Đến hàng xóm đánh cãi nhau còn làm khuấy động làng xóm nữa là tranh chấp chủ quyền giữa hai quốc gia, đặc biệt khi luôn có thùng thuốc súng đặt bên cạnh.

“Đóng cửa bảo nhau”, nói chuyện hai bên không được, không nên thì ắt phải có bên thứ ba tham gia. Bên thứ ba này không nên chỉ được hiểu là những nước trực tiếp có tranh chấp với cả Việt Nam và Trung Quốc, và cũng không nhất thiết phải là một đồng minh quân sự với Việt Nam để tăng thêm đối trọng trong thương lượng song phương. Đừng cố gắng hiểu và bị làm cho hiểu theo nghĩa này để ta tự trói tay ta.

Bên thứ ba này có thể là trọng tài quốc tế để phán xử ai đúng ai sai, là các tổ chức khu vực và quốc tế, là những nước, những lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý, thấy sự bất bình thì lên tiếng bênh vực kẻ yếu và chính nghĩa, phê phán kẻ bạo ngược.

Nhưng những tổ chức, những nước và những lực lượng này sẽ không tham gia nếu Việt Nam chủ động “đóng cửa bảo nhau” với Trung Quốc, không cho thế giới bên ngoài biết điều gì đang diễn ra bên trong, trên bàn thương lượng, hoặc tỏ ra cho họ thấy Việt Nam không cần đến họ, hoặc ngược lại, không làm cho họ thấy được rằng họ cần phải lên tiếng ủng hộ Việt Nam, có thể vì chính lợi ích của bản thân họ.

Sự chủ động và tích cực tố cáo Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam trên trường quốc tế trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 hiện nay là điều tích cực, cần được tiếp tục tăng cường, xét từ góc độ nêu trên. Và cũng từ đây có thể thấy Việt Nam thực tế đã phần nào thoát ly ra khỏi cái vòng kim cô “thỏa thuận” giải quyết song phương nói trên trong cách tiếp cận và giải quyết vụ việc của mình.

Và một số bài học có thể rút ra được ở đây.

Thứ nhất, đừng tự đặt mình vào cái bẫy, tự trói mình vào bất cứ một cam kết, thỏa thuận nào như thỏa thuận nêu trên trong những vụ việc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, mặc dù chúng có thể là sản phẩm tất yếu của sự giao thoa giữa hai Đảng ở hai nước.

Thứ hai, cho dù đôi khi thực sự chỉ cần, chỉ là thương lượng giải quyết song phương thì hãy công khai hóa, minh bạch hóa tối đa quá trình và nội dung thương lượng, cũng như kết quả cho công luận trong và ngoài nước biết. Có như vậy thì vấn đề song phương mới có thể biến thành đa phương nếu thương lượng song phương bế tắc, không đạt được kết quả như công luận kỳ vọng.

Thứ ba, qua những vụ việc thế này ta mới thấy rõ ai và ta có ai là bạn, là đồng minh, hoặc ít ra là “chơi được”. Bởi vậy, song phương hay đa phương không thực sự quan trọng bằng ta có và tạo dựng được những chỗ dựa nào khi khó khăn, để tăng thêm dũng khí và tư thế tự cường trong thương lượng giải quyết tranh chấp hay không.

Mà để thêm bạn thì chỉ còn cách thực tâm đi chung đường với bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới