Đánh bắt thủy sản: hiện đại hóa đến đâu?
Ngọc Hùng
Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: NGỌC HÙNG |
(TBKTSG) - Không phải chỉ đến khi có căng thẳng ở biển Đông, Chính phủ mới đặt vấn đề hỗ trợ ngư dân thay tàu gỗ bằng tàu vỏ sắt. Quyết định 1445/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển tổng thể ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu hiện đại hóa vào năm 2013 và đến năm 2020 là công nghiệp hóa. Vậy mắc mứu của công cuộc hiện đại hóa khai thác thủy sản nằm ở đâu?
Cha dạy sao thì biết vậy
Tính ra đến nay lão ngư Phan Văn Bé, một ngư dân kỳ cựu về nghề câu cá ngừ đại dương ở Tuy Hòa, Phú Yên, đã có gần 35 năm lênh đênh trên biển. Ông đi biển lần đầu khi tròn 18 tuổi, đi theo thuyền của hàng xóm đánh bắt ngắn ngày ở vùng nước gần bờ. Trong khoảng hơn hai năm đầu ông Bé phải làm nhiều việc khác nhau, ban đầu là phụ bếp, rồi lên làm ngư dân và khi đã thành thạo cách thả lưới, ông được làm thợ máy thêm mấy năm.
Sau khi thành thạo chuyện kéo lưới, sửa máy, ông được cha cho phụ lái tàu trước khi trở thành thuyền trưởng. Khoảng thời gian này, ông được cha dạy cách tìm dòng hải lưu, nhìn bầu trời, xem thời tiết để tìm ngư trường...
“Những gì cha tôi truyền lại cho tôi là những kỹ năng lẫn kinh nghiệm mà ông học từ ông nội tôi. Cha dạy sao tôi biết vậy và cứ thế mà áp dụng vào công việc”, ông Bé nói.
Tuy hai người con trai đã không còn nối nghiệp cha nhưng ông không buồn mà có phần vui mừng. “Nay tôi có điều kiện để cho con cái ăn học, sức học chúng không đến nỗi nào và mỗi đứa có những giấc mơ riêng, vậy cớ gì mà tôi phản đối”, ông Bé nói.
Theo ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế, lâu nay, ngư dân đi biển đều là cha truyền con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm lái tàu, sửa máy cho người đi sau mà ít khi qua trường lớp. Ông Hùng cho rằng, những khóa học ngắn hạn chỉ là giải pháp tạm thời cho đúng theo quy định.
ThS. Nguyễn Trọng Thảo, Trưởng bộ môn Công nghệ khai thác thủy sản, Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản thuộc Đại học Nha Trang, cho biết chính sách đào tạo ngắn hạn hiện nay chỉ là giải pháp chữa cháy, hợp thức hóa cho đúng quy định hiện hành. “Có những ngư dân mới học hết tiểu học, thậm chí không biết chữ nhưng vẫn tham dự học mấy khóa học đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, không nói ra ai cũng biết là chỉ làm cho xong, cho có số lượng chứ thực tế chẳng có thay đổi nào cả”, ông Thảo nói.
Theo ông, để chuyển từ tàu đánh cá bằng gỗ sang tàu sắt thì toàn bộ ngư dân phải được đào tạo lại mới có thể vận hành được, cũng như không thể để một người chỉ biết đi xe máy chuyển sang lái ô tô ngay được.
Có đào tạo người đi biển?
Chuyện những người trẻ tuổi được đào tạo không muốn theo cha, chú để trở thành ngư dân lênh đênh trên những tàu gỗ đi biển dài ngày, có lẽ ông Thảo là người thấu hiểu.
“Hiện mỗi năm chỉ có khoảng 15 sinh viên đăng ký môn học khai thác thủy sản. Số lượng sinh viên quá ít nên chúng tôi không thể mở lớp. Tình trạng này đã kéo dài, có thể ông Thảo là người thấu hiểu.
Một trong những lĩnh vực có đông sinh viên theo học nhất của viện này là lớp quản lý thủy sản với khoảng 100 sinh viên nhưng trớ trêu thay hầu hết đều là nữ.
“Những sinh viên nữ này sau khi tốt nghiệp chỉ có thể công tác ở các chi cục quản lý thủy sản, làm công việc bàn giấy chứ không thể đi biển được”, ông Thảo nói.
“Số lượng sinh viên được đào tạo mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng số lượng ra trường không làm đúng ngành nghề đào tạo cũng nhiều”, ông Hùng nói.
Cả hai ông này đều cho rằng, để ngành đánh bắt hải sản có thể đạt mục tiêu hiện đại hóa vào năm 2020, thời gian từ nay đến đó cũng không còn nhiều nên Nhà nước phải có chính sách thu hút sinh viên theo học càng nhiều càng tốt.
Cũng may, theo ông Thảo, mới đây, với những diễn biến căng thẳng ở biển Đông, Chính phủ có quyết định hỗ trợ học phí cho sinh viên theo ngành khai thác thủy sản. Còn về phía người làm chính sách, ông Hùng cho biết, ngoài Quyết định 1445 còn có Quyết định 375 về đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trong đó đã đưa ra mục tiêu rõ ràng... và đó chính là cơ sở để nghề đánh bắt hải sản dựa vào đó để xây dựng lại theo hướng hiện đại hơn.
“Một quốc gia có hơn 3.000 ki lô mét bờ biển mà ngư dân đánh cá bằng kinh nghiệm, trong khi lực lượng đi biển được đào tạo bài bản ở các trường trung cấp, cao đẳng, viện, trường lại không làm đúng ngành nghề đã học là một thiếu sót”, ông Hùng nói.