Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng wi-fi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng wi-fi

Vân Ly

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng mạng wi-fi
Mạng wi-fi đang được dùng phổ biến ở khắp mọi nơi. Ảnh minh họa: Vân Ly. 

(TBKTSG Online) – Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 16-10 đã đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin, bị tấn công mạng cho các thiết bị khi sử dụng mạng wi-fi và khuyến cáo cách khắc phục.

Sở dĩ Cục An toàn thông tin đưa ra cảnh báo này vì ngày 16-10 trên trang web của nhà nghiên cứu bảo mật Mathy Vanhoef (www.krackattacks.com) đã công bố một nhóm lỗ hổng trong giao thức WPA/WPA2, một giao thức được coi là an toàn nhất cho mạng không dây (wi-fi) hiện nay cho phép thực hiện kỹ thuật tấn công KRACKs (Key Reinstallation Attacks).

Cụ thể, đối tượng tấn công có thể nghe lén, giải mã giao thức mã hóa và đọc được nội dung của các gói tin mà trước đây được cho là an toàn. Lỗ hổng này có thể bị lợi dụng để đánh cắp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản trực tuyến, thông tin riêng, nội dung chat, thư điện tử, hình ảnh, video…được truyền qua mạng không dây.

Cục An toàn thông tin cho rằng lỗ hổng này tồn tại trong chính nội tại của giao thức mạng không dây wi-fi chứ không liên quan đến các sản phẩm hay cách thức triển khai mô hình mạng, bất cứ thiết bị mạng không dây nào sử dụng giao thức mã hóa WPA/WPA2 đều có thể là mục tiêu tấn công. Các thiết bị Android, Linux, Apple, Windows, OpenBSD, MediaTek, Linksys và nhiều thiết bị khác cũng có thể bị tấn công bằng việc điều chỉnh cách thức tấn công KRACKs cho phù hợp.

Hình thức tấn công này ảnh hưởng đến tất cả các thiết bị phát sóng wi-fi sử dụng giao thức WPA/WPA2. Và tùy thuộc vào cấu hình của hệ thống mạng, đối tượng tấn công thậm chí còn có thể thay đổi nội dung gói tin, hay đính kèm mã độc tống tiền, mã độc gián điệp vào các gói tin và để người dùng tự lây nhiễm.

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh việc đối tượng tấn công lợi dụng lỗ hổng để thực hiện những cuộc tấn công, Cục An toàn thông tin đã đưa ra khuyến nghị sau rằng lỗ hổng trên các thiết bị phát sóng không dây khó có thể có bản vá ngay lập tức, vì vậy người dùng cần thường xuyên theo dõi các bản cập nhật trên các thiết bị cầm tay, các thiết bị di dộng, trình điều khiển card mạng không dây của máy tính và các thiết bị phát sóng wi-fi để cập nhật ngay khi có các bản vá mới.

Bên cạnh đó, người dùng cần cẩn trọng khi sử dụng các mạng không dây, đặc biệt là các mạng không dây công cộng, chỉ truy cập các trang web sử dụng giao thức bảo mật HTTPS và thận trọng khi nhập thông tin các tài khoản cá nhân, hay các thông tin nhạy cảm khác trên các trang web.

Người dùng cũng cần tiếp tục duy trì giao thức mã hóa WPA/WPA2 cho các thiết bị phát sóng không dây sử dụng tại gia đình kết hợp với mật mã ở mức độ khó cao, do đây vẫn là giao thức mã hóa an toàn nhất hiện nay, có thể ngăn chặn được các hình thức tấn công giải mã khác.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin còn khuyến cáo các cơ quan, tổ chức cần chủ động theo dõi các thông tin từ các cơ quan chức năng và các tổ chức về an toàn thông tin để kịp thời cập nhật các bản vá cho các thiết bị mạng của mình.

Khi triển khai các nội dung nêu trên, trong trường hợp cần thiết, các cá nhân, đơn vị có thể liên hệ với Cục An toàn thông tin theo số điện thoại 04.3943.6684 hoặc thư điện tử ais@mic.gov.vn để được phối hợp, hỗ trợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới