Chàng trai 9x khởi nghiệp bằng đưa mật ong hương tràm sang Mỹ
Đỗ Lan
(TBKTSG Online) - Ong hút nhụy hoa tràm từ Vườn quốc gia Tràm Chim và cho mật. Chàng thanh niên sinh năm 1990 ở Đồng Tháp đã tận dụng điều này và góp phần đưa loại mật ong này tới Mỹ.
Trần Thành Long bên cạnh những đàn ong cho mật. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Mới đây, người viết bài này có nghe thông tin từ người bạn rằng mật ong Hương Tràm Hút Dẻo của chàng thanh niên Trần Thành Long, sinh năm 1990 ở Đồng Tháp đã tới được Mỹ.
Từng gặp Long tại một cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 3 năm 2017 và Long đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi ấy. Sau hơn 2 năm, theo chia sẻ của Long, mật ong đã có mặt ở hơn 30 đại lý và cơ sở của Long cũng bán mật ong cho một công ty chuyên xuất khẩu sang Mỹ.
Mật ong Hương Tràm Hút Dẻo là sản phẩm của những đàn ong say mê hoa tràm ở khu rừng rộng lớn và “ông chủ” luôn học hỏi phương pháp nuôi ong, nhân đàn.
Tận dụng hoa của rừng, bán mật ong “gia công” cho Mỹ
Anh Long chia sẻ, ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính là nơi giáp với khu A4, thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đây là khu vực rừng tràm đặc dụng với diện tích hơn 3.000 ha. Hằng năm, cây tràm nở hoa vào 2 đợt trong năm (tháng 11 đến tháng 3 năm sau và từ tháng 8 đến tháng 10). Nguồn hoa rất phong phú, thích hợp cho nghề nuôi ong lấy mật.
Nhận thấy điều này, anh Long, vốn là nhân viên trong ban truyền thanh của huyện Tam Nông, đã tìm hiểu, học hỏi và khởi nghiệp với việc nuôi ong từ giữa năm 2017.
“Ban đầu chỉ có 50 đàn ong. Tôi gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn đến kỹ thuật nuôi. Tôi đã học hỏi từ Đại học Nông Lâm TPHCM và đúc kết ra nhiều điều bổ ích, ứng dụng trong nuôi ong. Đến nay, chúng tôi đã có 450 đàn và trung bình mỗi tháng cho khoảng 2-2,5 tấn mật ong tràm nguyên chất”, anh Long cho biết.
Ong và hoa tràm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Anh Long tiết lộ doanh thu năm 2018 của sơ cở là hơn 2 tỉ đồng, lợi nhuận đạt hơn 50%.
Đầu năm 2018, cơ sở của anh đã bán mật ong “thô” cho một công ty xuất khẩu tại Tiền Giang. Công ty này sẽ lấy thương hiệu của họ và xuất khẩu mật ong đi Mỹ.
Với quy mô 450 đàn ong, cở sở của anh Long trung bình giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động tại địa phương với thu nhập 150 ngàn đồng/người/ngày.
300.000 đồng/lít: Sao rẻ thế?
Anh Long vẫn nhớ in lần đầu bán mật ong. Đó là khoảng giữa năm 2017, khi anh bán những chai mật ong đầu tiên. “Mọi người nói sao mật ong nguyên chất lại rẻ thế, 300.000 đồng/lít? Nhưng khách hàng mua rồi sau đó quay lại mua tiếp”, chủ thương hiệu mật ong Hương Tràm nhớ lại.
Những đàn ong cho mật. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Lý giải vì sao mật ong Hương Tràm rẻ, chủ thương hiệu này cho biết, anh tận dụng nguồn hoa của rừng tràm, chỉ tốn nhân công và bao bì. Về con giống, cơ sở của anh cũng không tốn nhiều chi phí, vì anh đã tự nghiên cứu công tác nhân đàn.
“Nuôi ong Rừng Tràm có lợi thế mật ong làm ra không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mật có mùi thơm hương tràm tự nhiên. Ngoài ra do không sử dụng kháng sinh khi nuôi ong, nên mật ong rất sạch”, ông chủ sinh năm 1990 cho biết.
Với tâm niệm "hữu xạ tự nhiên hương", anh Long hy vọng, mật ong Hương Tràm sẽ ngày một đến tới tay người tiêu dùng nhiều hơn.
Bỏ công việc "hái ra tiền", kiến trúc sư đi… nuôi ruồi kiếm thu nhập trăm triệu mỗi tháng
Startup giúp người dùng sử dụng tiền lẻ đầu tư chứng khoán
Khởi nghiệp với ruồi, chàng kiến trúc sư thu 100 triệu đồng/tháng