Bitcoin, biên giới mới của tài chính!
Nguyễn Phán
(TBKTSG) - “Chỉ tới khi nó sai thì người ta mới biết máy tính ưu việt đến thế nào” -Clive James-
Khi nói tới bitcoin, nhà đầu tư sẽ không thể quên được giai đoạn mà ai cũng đổ xô đi mua một đồng tiền điện tử với quá khứ hình thành mờ ảo như định nghĩa của nó vậy. Theo thời gian, công nghệ đứng sau đồng tiền này dần được nhiều người biết tới và áp dụng vào nhiều nền tảng khác nhau. Gần nhất là dự án tZero của công ty Overstock ở Mỹ.
tZero sử dụng công nghệ blockchain với khả năng xây dựng một hệ sinh thái tài sản ảo (tokenization) dựa vào Ethereum để tạo nên một sàn giao dịch tài sản số hóa. Ví dụ của St Regis Aspen, một tập đoàn bất động sản, muốn bán token cho nhà đầu tư thì bản thân token đó vừa có thể được định giá như cổ phiếu, nhưng cũng thể dùng làm một coupon. Nhà đầu tư không chỉ hưởng lợi từ cổ tức mà token này mang lại, mà họ có thể giao dịch với chuỗi khách sạn đó qua nhiều hình thức ưu đãi khác nhau, tùy vào khả năng sáng tạo của nhà lãnh đạo khách sạn.
Khi nói tới bitcoin, nhà đầu tư sẽ không thể quên được giai đoạn mà ai cũng đổ xô đi mua một đồng tiền điện tử với quá khứ hình thành mờ ảo như định nghĩa của nó vậy. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tương lai của tiền điện tử có thể sẽ không dừng lại ở khả năng thanh khoản. Nhưng để đạt được một hệ sinh thái ổn định với chất lượng một token được định giá rõ ràng thì cần một thời gian nữa, nhất là khi các ngân hàng trên thế giới chưa có động thái rõ ràng trong quyết định về lưu hành tài sản điện tử.
Thị trường bitcoin càng mở rộng bao nhiêu càng khó cho các nước cấm đồng tiền này bấy nhiêu vì đó là động thái trực tiếp chống lại tài sản của các tập đoàn đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng, và trên hết là nhà đầu tư. |
Thế còn bitcoin? “Vàng điện tử” là một thuật ngữ để chỉ tính hiếm và hấp dẫn của bitcoin. Nhưng nó còn ám chỉ khả năng tài sản cho nhà đầu tư. Vàng được dùng để chống lại lạm phát, giống như trái phiếu. Nhưng vàng không cho lãi suất.
Trong hệ sinh thái tài sản điện tử nói trên, bitcoin hoàn toàn có thể đảm nhiệm khả năng của vàng và trái phiếu cùng lúc. Với nhà đầu tư không muốn bỏ tiền vào sàn giao dịch tài sản điện tử, đầu tư vào bitcoin sẽ cho họ hưởng lãi suất thấp hơn cổ tức mà các token có thể mang lại. Nói cách khác, đây là thế giới tài chính điện tử với tính dân chủ cao và loại bỏ vị trí của ngân hàng truyền thống. Nhưng để loại bỏ ngân hàng thì lại là một vấn đề khác. Hiện tại, đầu tư vào bitcoin nên hay không là vấn đề gây tranh cãi. Bài viết này đề cập tới một số điểm chính khi cân nhắc về bitcoin.
Bong bóng
Nhìn vào hình 1, nhà đầu tư nghĩ tới bitcoin là một bong bóng tài chính là một điều dễ hiểu. Hiện tại, bitcoin đã vượt ngưỡng cao nhất của nó trong năm 2017, hẳn nhiều người sẽ nghĩ bong bóng này có thể vỡ lần thứ hai.
Nhưng có một biểu đồ sẽ làm những người có suy nghĩ đó phải xem xét lại, và đó là biểu đồ vòng tuần hoàn cưa đôi của bitcoin (hình 2). Các điểm màu đỏ là điểm lập trình sẵn trong khối blockchain với nguồn cung của các bitcoin mới bị cưa đôi mỗi 10 phút. Một chu kỳ mới sẽ bắt đầu khi quá trình cưa đôi này diễn ra. Qua ba chu kỳ, khi bitcoin bắt đầu quá trình cưa đôi thì giá sẽ tăng nhanh cho tới các điểm màu vàng, và lần gần nhất là chu kỳ 3 khi bitcoin chạm ngưỡng 20.000 đô la Mỹ. Từ tháng 5-2020, chúng ta đang bắt đầu chu kỳ 4 và đỉnh màu vàng vẫn chưa hình thành. Đây là một tín hiệu cho thấy có thể bitcoin vẫn chưa chạm đỉnh và có thể tiếp tục tăng điểm trong năm 2021.
Đó là tín hiệu tốt cho nhà đầu tư mạo hiểm. Nhưng cũng nên nhớ rằng các nhà nhận định về bitcoin thường có xu hướng thổi phồng về tính năng và giá trị của tài sản điện tử này. Không có khoản đầu tư nào là không chứa mạo hiểm. Hãy tự bảo vệ mình trước chính bản thân bằng cách tiếp cận bitcoin qua kiến thức và cách nhìn khách quan. Khi khoản đầu tư làm cho nhà đầu tư bị mất ngủ tức là họ đang đi quá giới hạn chịu đựng rủi ro của mình.
Không có giá trị thực
Khi Việt Nam bắt đầu du nhập các game trực tuyến, không thiếu những câu chuyện về một hội người chơi game sẵn sàng đầu tư mạnh tay vào các món đồ ảo trong game. Giá trị của các món đồ đó dựa trên quan điểm của một cộng đồng những thành viên cùng chí hướng. Nếu đó là một ví dụ tối giản để định nghĩa về giá trị của tài sản, thì ví dụ cực đoan chính là tiền giấy thông hành hiện nay.
Tiền giấy đứng một mình không hề có giá trị, nhưng khi các ngân hàng trung ương chấp nhận thanh khoản bằng tiền giấy thì nó mới có thể được dùng để đổi lấy giá trị hiện vật. Quốc gia duy nhất trên thế giới có thể in tiền mà không phải quan tâm nhiều tới hệ lụy là Mỹ, vì đô la Mỹ là tiền dự trữ và không thể đổi lấy vàng. Thập kỷ vừa qua đã cho nhiều nhà đầu tư thấy vị trí của đô la Mỹ trong nền kinh tế thế giới khi vấn đề “tiền của tôi, chuyện của ông” trở nên mất kiểm soát. Khi các nước phải giao dịch và vay nợ bằng đô la Mỹ lúc nguồn cung đô la gặp vấn đề, thì kinh tế thế giới cũng không thể yên ổn. Đó là lý do một số nước như Nga hay Trung Quốc phải tìm cách thoát khỏi đế chế đô la để tạo nên một kênh thanh khoản cho riêng mình. Các nước còn lại thì không có khả năng đó, nên những nước này bị ràng buộc vào hệ thống SWIFT của Mỹ, và có thể bị cấm vận bất cứ lúc nào.
Bitcoin đưa ra giải pháp thanh khoản không bị ràng buộc bởi quốc gia nào với hệ thống sổ cái (ledger) dân chủ và có thể mang đi bất cứ đâu. bitcoin hiện tại sở hữu hiệu ứng cộng đồng mạnh hơn bất kỳ loại tiền ảo nào khác.
Với tính phổ thông của mình, bitcoin sẽ trở nên rất khó để một chính phủ loại bỏ đồng tiền này ra khỏi hệ thống tài chính. Xét về tính cơ động, nếu phải chọn mang vàng hay mang bitcoin xuyên biên giới, thì câu trả lời sẽ luôn luôn là một tài sản không cồng kềnh và có thể truy cập được ở bất cứ đâu mà người sở hữu không phải lo về tính bảo mật. Đó là những đặc điểm mà nhà sáng lập bitcoin Satoshi Nakamoto đã đề cập ở bài viết của mình về bitcoin cách đây 10 năm.
Như thế, thị trường đã lên tiếng để định giá cho sự cơ động với độ bảo mật đó, với tỷ số bitcoin so với vàng vẫn chưa vượt ngưỡng cao nhất (hình 3) và nếu định giá bitcoin bằng vàng thì bitcoin vẫn đang giao dịch trong một biên độ giá ổn định hơn nhiều nhà đầu tư suy nghĩ (hình 4).
Các chính phủ có cấm nổi bitcoin?
Chuyện cấm người dân đầu tư đã từng xảy ra vào những năm 1933-1975, khi nước Mỹ cấm người dân sở hữu vàng vì một lý do đơn giản: vàng đe dọa hệ thống tiền tệ của nước này. Hình 5 tóm tắt lại lịch sử tài chính trong giai đoạn mà nước Mỹ và thế giới đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh liên tiếp. Nếu người đầu tư mua trái phiếu của Mỹ trong khoảng thời gian nói trên, thì không khác gì là tấm vé tịch thu tài sản vì lãi suất thực bị âm do lạm phát quá cao (phần màu xanh lá). Cùng lúc đó, người dân bị cấm sở hữu vàng vì lúc đó đô la Mỹ được định giá bằng vàng, và Chính phủ Mỹ muốn sở hữu một số vàng đủ lớn để viện trợ cho các cuộc chiến tranh và khủng hoảng tài chính liên tiếp của mình. Qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, cả Mỹ và Anh đều đẩy cao lãi suất để thu hút vàng về ngân khố của mình, nhưng chỉ Mỹ thành công vì là nước ít bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh, đồng thời vẫn còn tận hưởng thành quả của các cuộc cách mạng công nghiệp đầu thế kỷ 20. Nhưng lãi suất cao đã gián tiếp làm cho cả hai nền kinh tế đi vào thoái trào với cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Đây là tín hiệu cho thấy quy chuẩn vàng giới hạn người hoạch định chính sách với chỉ hai lựa chọn: thúc đẩy kinh tế nội địa hoặc giữ nguyên quy chuẩn vàng với giá vàng cố định.
Tương lai của tiền điện tử có thể sẽ không dừng lại ở khả năng thanh khoản. Nhưng để đạt được một hệ sinh thái ổn định với chất lượng một token được định giá rõ ràng thì cần một thời gian nữa, nhất là khi các ngân hàng trên thế giới chưa có động thái rõ ràng trong quyết định về lưu hành tài sản điện tử. |
Chính sự lựa chọn đó đã góp phần cho sự thoái trào của quy chuẩn vàng, khi Franklin Roosevelt phá giá đô la Mỹ, biến đồng tiền này là loại tiền tệ dự trữ duy nhất có thể đổi lấy vàng. Sau đó, vì sức ép lạm phát của thị trường dẫn đến vàng bị rút ra khỏi hệ thống tài chính quá nhanh, Richard Nixon đã buộc phải bãi bỏ khả năng đổi đô la lấy vàng và biến đồng đô la Mỹ thành tiền mệnh giá (fiat). Đặc điểm của quá trình này là sự thoái hóa của một hệ thống tiền tệ cũ kỹ và khả năng đánh hơi điểm yếu và gây sức ép của thị trường.
Hiện tại, hệ thống tiền tệ của Mỹ đã đi vào một giai đoạn chưa từng có với nợ công chính phủ bùng nổ lên một ngưỡng mới sau dịch Covid-19. Nếu một đất nước không kiểm soát được nợ công, thì nợ công sẽ điều khiển đất nước đó. Và Mỹ đang tiếp tục chính sách tài khóa để thoát khỏi nợ, nhưng vì bản chất của nợ là vay đồng tiền tương lai để đầu tư cho hiện tại với mong muốn tạo lợi nhuận vượt qua lãi suất cho vay, áp lực tạo ra giá trị là rất lớn. Khi GDP của Mỹ tăng không kịp, kèm theo cán cân thương mại lệch về nhập khẩu, thì các chính sách tài khóa không phát huy được tác dụng mong muốn. Thế nên, Mỹ lại tiếp tục in tiền và làm cho hệ thống đô la Mỹ càng trở nên mong manh, nhất là khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẵn sàng để lạm phát tăng vượt ngưỡng cho phép. Chính sự suy thoái này đã đẩy thị trường đi tìm một bến đỗ an toàn khác: vàng và bitcoin.
Cách đây gần 100 năm, nước Mỹ cấm vàng, và hậu quả ra sao thì ai cũng biết. Hiện tại, để cấm bitcoin với tổng giá trị thị trường lên tới 250 tỉ đô la là một vấn đề nan giải.
Các công ty tài chính điện tử như Square và MicroStrategy đã mở các quỹ đầu tư vào bitcoin và sẵn sàng cho phép người sử dụng giao dịch qua tài khoản của mình. Wall Street cũng đã lên tiếng với những nhà đầu tư lớn như Stanley Druckenmiller, Paul Tudor Jones, và Cathie Woods xác nhận quỹ đầu tư của họ có bitcoin.
Thượng viện Mỹ cũng đã bổ nhiệm một nữ thượng nghị sĩ bang Wyoming, Cynthia Lummis, và bà là người ủng hộ chính sách lưu hành tiền ảo. Ngoài ra, Fidelity và Paypal đang ra sức xây dựng nền tảng cho các quỹ đầu tư tiền ảo và tài sản ảo với hy vọng là những người tiên phong trong hệ sinh thái tài sản ảo nói trên. Chưa kể, các ngân hàng Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của luật pháp liên bang đã được cho phép lưu trữ tiền ảo và tài sản ảo.
Thị trường bitcoin càng mở rộng bao nhiêu càng khó cho các nước cấm đồng tiền này bấy nhiêu vì đó là động thái trực tiếp chống lại tài sản của các tập đoàn đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng, và trên hết là nhà đầu tư. Và kịch bản những năm 1933-1975 của vàng sẽ lặp lại với bitcoin.
Một thế giới bitcoin sẽ rất khác so với những gì đang diễn ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu bitcoin thay thế Visa và Mastercard? Liệu bitcoin có thể trở thành hệ thống SWIFT mới? Nếu điều đó xảy ra, thì tính dân chủ trong lĩnh vực tài chính sẽ được đẩy lên tầm cao mới khi bitcoin có thẩm quyền chuyển đổi thành tiền tệ của bất cứ quốc gia nào và người dùng bitcoin thì không phải chịu thẩm quyền của một chính phủ nào. Ở thế giới đó, người dùng và nhà đầu tư sẽ bầu bằng chính ví tiền của mình, đúng theo nghĩa đen, cho thị trường nào tạo ra được giá trị thực, có trách nhiệm trong chính sách tài chính, và bảo đảm tính minh bạch. Đó là lúc chính phủ các quốc gia buộc phải xem xét lại hành động in tiền hay thị trường tài chính thiếu dân chủ của mình. Đó sẽ là một thế giới rất khác.
***
Quỹ đầu tư của tác giả có các cổ phiếu: GBTC, PYPL, MSTR. Mong mọi người hãy tự tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Những ý kiến trên là chủ quan của tác giả và không có ý định đưa ra lời khuyên đầu tư. Ý kiến của tác giả cũng có thể thay đổi mà không báo trước. Tác giả và các bên liên quan có thể đã có các khoản đầu tư liên quan những ý kiến nói trên. Tất cả thông tin được tích hợp từ các nguồn mà tác giả cho là đáng tin cậy, nhưng không thể bảo đảm tính toàn diện và chính xác. Tác giả cũng không loại trừ phần nào của thông tin để tránh sự sai lệch về ý nghĩa của thông tin. Mọi câu hỏi xin liên hệ: tnguy093@gmail.com.