CIO đối diện với nguy cơ mất vị thế
(minh họa: Khều) |
(TBVTSG) - Trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy vai trò của giám đốc công nghệ thông tin (CIO) không còn được xem trọng như trước. Họ phải làm gì để “sống sót” qua thời kỳ khó khăn này?
Từng ngày trôi qua, các CIO đang bị gạt ra rìa, bằng cách này hoặc cách khác: giám đốc tài chính (CFO) cắt giảm mạnh ngân sách dành cho hoạt động của bộ phận công nghệ thông tin (CNTT); giám đốc điều hành (CEO) ngày càng giận dữ bởi việc thực thi không đúng kế hoạch phần mềm quản lý quan hệ khách hàng hoặc hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, trong lúc chi phí nhiều hơn dự kiến và thường không mang lại kết quả như mong đợi; nhà cung cấp dịch vụ công nghệ giờ đây qua mặt CIO để giao dịch trực tiếp với các nhà quản lý khác; một trưởng bộ phận cung ứng phẫn nộ trước việc tại sao ông vẫn phải dùng máy fax để giao tiếp với các đối tác ở nước ngoài; CEO tin rằng các hệ thống doanh nghiệp vẫn quan trọng với công ty, nhưng CIO và bộ phận CNTT không cho ông những gì ông cần ngay vào lúc này...
Nghĩ khác nhau
Chưa hết, hai cuộc khảo sát lớn gần đây cho thấy CIO có lý do để lo ngại cho tương lai của mình trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Cuộc khảo sát thường niên “State of the CIO 2009” của trang web CIO.com và đợt tìm hiểu khoảng 600 nhà lãnh đạo doanh nghiệp của công ty Forrester Research cho thấy có khoảng cách giữa CIO và CEO trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ phận CNTT.
Theo cuộc nghiên cứu “State of the CIO 2009”, nhiều CIO có cái nhìn khá lạc quan về công việc và bộ phận CNTT của mình. Chằng hạn như, các CIO nói rằng ngày càng có nhiều người trong số họ báo cáo trực tiếp công việc cho CEO và có chân trong các ủy ban quản lý và điều hành.
Gần 2/3 CIO còn đứng đầu các bộ phận khác ngoài CNTT. Các CIO cũng cho rằng CNTT vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các sản phẩm, kênh phân phối và mô hình bán hàng của công ty. Họ còn đánh giá bộ phận CNTT của công ty đang hoạt động khá tốt. Chẳng hạn như 70% trong 506 CIO tham gia cuộc nghiên cứu cho biết CNTT được các bộ phận còn lại của công ty xem là một bộ phận không thể thiếu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều CEO lại không lạc quan đến thế khi được yêu cầu đánh giá hoạt động của bộ phận CNTT trong cuộc khảo sát của công ty Forrester Research. Trong khi nhất trí rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với sản phẩm và vị thế cạnh tranh của công ty, những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng những gì bộ phận CNTT đang thể hiện không tốt như CIO suy nghĩ.
Chẳng hạn như khoảng 46% nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá hoạt động của bộ phận CNTT là “nghèo nàn” hoặc “khá tốt” trong việc cải thiện chất lượng các sản phẩm hoặc tiến trình. Ngay cả bản thân các CIO cũng thừa nhận là mình bỏ ra ít thời gian hơn và có ít tác động hơn đối với thành phần quan trọng nhất giúp công ty tồn tại: khách hàng.
Khi được hỏi về những hoạt động nào mà CNTT có tác động lớn nhất trong năm vừa qua, chỉ có 15% CIO chọn hoạt động quản lý quan hệ khách hàng, 11% chọn hoạt động giành được và giữ chân khách hàng. Ngoài ra, chỉ có 17% CIO nói họ hy vọng sẽ làm tốt trong những lĩnh vực này vào năm nay. Trong khi đó, có đến 49% CEO đánh giá sự thể hiện của bộ phận CNTT là “khá tốt” hoặc “nghèo nàn” trong việc hỗ trợ hoạt động giành được và giữ chân khách hàng. Có 5% CEO khác nói CNTT không hỗ trợ chút nào cho hoạt động này. Những đánh giá của CEO về tác động của CNTT lên hoạt động quản lý khách hàng cũng không khá hơn.
Làm gì để sống sót?
Để sống sót được trong năm 2009 này, các CIO cần phải biết rõ và thực tế hơn về những gì mình có thể làm tốt, khởi đầu bằng cách quan tâm đến những đánh giá khác biệt nói trên giữa CIO và CEO. Các CIO cũng cần phải táo bạo trong việc tuyển dụng và tái tổ chức bộ phận CNTT vì khó khăn đã xuất hiện mọi nơi. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây, khoảng 40% trong 243 CIO được hỏi có kế hoạch giảm ngân sách năm nay xuống mức thấp hơn năm ngoái. Trong khi đó, 23% CIO cho biết đã cắt giảm nhân sự trong sáu tháng qua và 11% dự định làm như thế vào tháng Tư.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là các CIO phải nỗ lực cho các bộ phận còn lại của công ty thấy được giá trị của bộ phận CNTT và công việc của nó. Ken Zivic, một nhà tư vấn tại công ty Forsythe, nói: “Các nhà lãnh đạo CNTT đang gặp khó khăn trong việc tiếp thị giá trị của mình vì họ tưởng rằng đây là một công việc gây khó chịu”. Họ không nên như thế. Điều đáng quan tâm hơn là họ phải cần có những yếu tố gì để tiếp thị bản thân một cách hữu hiệu. Dưới đây là bốn yếu tố quan trọng.
Kiến thức rộng. Ông John Baldoni, tác giả quyển Lead by Example : 50 Ways Great Leaders Inspire Results, cho rằng các giám đốc điều hành giỏi đưa công ty qua khỏi thời kỳ khó khăn thường từng trải qua nhiều công việc khác nhau. Điều này cũng đúng đối với các CIO trong thời buổi kinh tế biến động như hiện nay.
Những CIO thành công sẽ là những người từng đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, chẳng hạn như phụ trách một bộ phận kinh doanh hay một công việc nào đó bên ngoài trung tâm dữ liệu. Những CIO thành công còn có thể là những người thăng tiến trong lĩnh vực CNTT, nhưng tích lũy thêm kiến thức thông qua một số bằng cấp “phi công nghệ” nào đó – thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) chẳng hạn – để hỗ trợ công việc.
Rich Adduci, CIO của Boston Scientific, cho biết những kiến thức về chuỗi cung ứng, kỹ thuật hoặc hoạt động kinh doanh cũng giúp ích nhiều. Ông Adduci – người có bằng MBA về tài chính và kinh tế và bằng đại học chuyên ngành sản xuất – khuyên: “CIO phải biết một chút gì đó về mọi thứ và gắn tất cả chúng với CNTT.
Không ít công ty nhìn nhận rằng những nhà quản lý hiểu biết về nhiều lĩnh vực có thể có hiệu quả hơn một chuyên gia chỉ giỏi, chuyên sâu một lĩnh vực nào đó. Theo cuộc nghiên cứu “State of the CIO 2009”, 64% trong 506 CIO đảm nhận thêm một vị trí bên cạnh bộ phận CNTT. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở công ty nhỏ. Tỷ lệ CIO kiêm nhiệm hai vị trí ngày càng tăng trong những CIO được trả lương cao nhất theo một cuộc khảo sát mới đây của CIO.com.
Khả năng thuyết phục. James Sutter, một chuyên gia tại công ty The Peer Consulting Group, cho rằng các CIO phải trở thành những người kể chuyện giỏi. Nếu đã chấp nhận một thực tế rằng CNTT là bộ phận tốn nhiều chi phí thì CIO hãy chuyển sang trình bày cho ban lãnh đạo biết công ty sẽ nhận lại những gì và có thể cung cấp cho khách hàng những gì từ số tiền đã bỏ ra.
Nắm vững số liệu. Các CIO cần nắm đủ số liệu vững chắc để củng cố những gì mình nói. Tương tự như các bác sĩ theo dõi nhịp tim và số lượng tế bào bạch cầu, CIO nên biết rõ những số liệu nào là quan trọng đối với mình. Albert Eng, một cựu cố vấn cao cấp tại công ty Cerberus, cho rằng các CIO nên biết rõ những dữ liệu về hoạt động hiện tại và quá khứ của bộ phận CNTT, cũng như những dự báo cho ba năm sắp tới. Những số liệu này đặc biệt cần thiết nếu công ty bạn trở thành một mục tiêu bị mua lại.
Sự can đảm. Một vài CIO tham gia cuộc nghiên cứu cho biết họ đã lập một ủy ban CNTT để đối chiếu các mục tiêu kinh doanh với những dự án công nghệ thực tế. Rồi họ mời CEO tham gia ủy ban này. Ian Patterson, CIO của công ty Scottrade, nhận định: “Đây là hành động tự trang bị quyền lực cho CIO. Tôi ngồi vào bàn của Rodger Ridney (người sáng lập, chủ tịch và CEO của công ty Scottrade), nhưng Rodger cũng ngồi vào bàn của tôi”. Theo ông Patterson, một CIO và một CEO ngồi vào ủy ban chiến lược của nhau có nghĩa là “không chỉ có tôi lắng nghe và Rodger nói. Đây không phải là cuộc giao tiếp một chiều”.
MINH HUY (CIO)