Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bài học từ Dubai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài học từ Dubai

Huỳnh Hoa

Dự án xây dựng quần thể đô thị trên biển mang hình cây cọ của tập đoàn Dubai World.

(TBKTSG) - Vụ khủng hoảng nợ của tập đoàn Dubai World cuối cùng đã không gây hỗn loạn cho hệ thống tài chính toàn cầu như nhiều người lo sợ.

1. Thứ Sáu tuần trước, khi Dubai World công bố hoãn việc trả nợ cho đến cuối tháng 5-2010, các thị trường chứng khoán toàn cầu bị mất điểm nặng nề trước nguy cơ xảy ra một “vụ Lehman Brothers ở Trung Đông”.

Nhưng sang đầu tuần này, thị trường đã vững trở lại, chỉ trừ các thị trường vùng Vịnh Ảrập vẫn còn chao đảo mạnh. Kết thúc phiên giao dịch thứ Ba 1-12, thị trường chứng khoán Dubai và Abu Dhabi giảm 6% sau khi đã giảm lần lượt 7,3% và 8,3% ngày đầu tuần, nặng nhất là thị trường Qatar giảm 9% trong ngày thứ Ba và Kuwait giảm 2,55%.

Cũng trong ngày thứ Ba, những chi tiết cụ thể đầu tiên về vụ khủng hoảng được tiết lộ. Tập đoàn Dubai World - tập đoàn đầu tư nhà nước thuộc chính quyền Dubai, có dự án đầu tư tại hơn 50 quốc gia - cho biết, họ đang tiến hành tái cấu trúc lại nợ nần và đề nghị các chủ nợ, các ngân hàng đầu tư cho hoãn việc thanh toán số trái phiếu Hồi giáo, gọi là sukkok, do tập đoàn phát hành có giá trị khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ đáo hạn vào ngày 14-12 tới ngày 30-5-2010.

Ngoài ra, khoản nợ mà Dubai World cần sắp xếp lại là 26 tỉ đô la Mỹ chứ không phải là 59 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu liên quan đến công ty bất động sản Nakheel World; các công ty khác của tập đoàn như Quỹ đầu tư Istithmar World, Công ty Điều hành cảng và khu công nghiệp Ports & Free Zone World, hãng tàu biển P&O Ferries... vẫn làm ăn có lãi và đủ khả năng thanh toán nợ nần.

2. Tuy không có khả năng gây sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu như vụ phá sản Ngân hàng Lehman Brothers trước đây, vụ khủng hoảng của Dubai World là một lời cảnh báo về mô hình tăng trưởng dựa vào nợ nần.

Dubai tiểu quốc lớn thứ hai trong Liên hiệp bảy tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và cũng là nước không có tài nguyên dầu mỏ như các láng giềng. Tuy nhiên, Dubai đã gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi trong một thời gian ngắn đã phát triển các thành phố hiện đại, nhiều công trình đạt kỷ lục như khách sạn siêu sang Atlantis, những quần đảo nhân tạo hình cây cọ, tòa tháp cao nhất thế giới, cả một khu đồi trượt tuyết trong nhà giữa sa mạc…

Sự phát triển này được tài trợ bởi nguồn vốn nước ngoài, thực hiện bằng công nghệ và lao động nước ngoài; phần của Dubai chỉ là chính sách tự do kinh doanh của chính phủ dưới quyền lãnh đạo của Hoàng thân Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum.

Ông al-Maktoum thậm chí đã viết cuốn sách “Tầm nhìn của tôi” kêu gọi các nước Ảrập khác đi theo mô hình tăng trưởng này. Tuy vậy theo nhà phân tích Andrew Hammond của hãng tin Reuters, “tầm nhìn Dubai” là sáng tạo của một nhà chính trị duy ý chí và đầy tham vọng nhưng thiếu thực tế và không minh bạch trong điều hành.

Tập đoàn Đầu tư Dubai World là cánh tay của nhà nước nhằm thực hiện “tầm nhìn” đó. Các quỹ đầu tư và ngân hàng nhiều nước mạnh dạn cho vay tiền hoặc mua trái phiếu của Dubai World, giúp tập đoàn này có vốn thực hiện các dự án lớn, một phần vì tin rằng đây là quỹ đầu tư nhà nước, do Chính phủ Dubai sở hữu và bảo lãnh, một phần vì cuộc bùng nổ kinh tế trước đây biến khu vực sa mạc này thành vùng đất hứa.

Nhưng khi thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, tín dụng cạn kiệt, giá bất động sản rớt mạnh trên toàn cầu, Dubai World không có khả năng bán hoặc cho thuê các bất động sản siêu sang trọng để thu hồi vốn, và thế là rơi vào khủng hoảng nợ nần. Nguy cơ ngày hôm nay đã được cảnh báo từ lâu.

3. Niềm tin của nhà đầu tư vào sự bảo lãnh của nhà nước đối với tập đoàn Dubai World đã tan biến khi Tổng giám đốc Bộ Tài chính Dubai, Abdulrahman al-Saleh, nói rằng Chính phủ Dubai không chịu trách nhiệm gì về các hoạt động kinh doanh của Dubai World. “Các chủ nợ phải chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Họ nghĩ Dubai World là một phần của chính phủ nhưng điều đó không đúng”, ông al-Saleh nói.

Hành động “phủi tay” của Chính phủ Dubai đặt ra một tiền lệ: các chính phủ khác sẽ quay lưng với nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp nhà nước; và khiến các tổ chức tài chính phải đặt vấn đề: liệu có an toàn không khi cho vay tới các doanh nghiệp nhà nước, được các chính phủ hậu thuẫn? Khi cho Dubai World vay tiền, ít ai chú ý rằng tập đoàn này chủ yếu thực hiện “tầm nhìn” của nhà lãnh đạo al-Maktoum mà ít chú ý tới hiệu quả và rủi ro về kinh tế của các dự án. Nhiều chính phủ, để thực hiện các tham vọng chính trị, thường sử dụng các doanh nghiệp nhà nước cho những dự án phi thực tế như vậy.

Theo báo New York Times, nguy cơ vỡ nợ của các tập đoàn nhà nước như Dubai World đang gia tăng trên khắp thế giới, từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm năm qua, các công ty Nga đã vay mượn 220 tỉ đô la, tương đương 13% GDP của Nga; các con số này ở UAE là 135,6 tỉ đô la, 53% GDP; ở Kazakhstan là 72 tỉ đô la, 44% GDP. Nợ nước ngoài của Nga hiện là 470 tỉ đô la Mỹ nhưng trong đó chỉ có 29 tỉ đô la nợ công, phần còn lại là nợ của các doanh nghiệp nhà nước lớn như tập đoàn khí đốt Gazprom mà trong tháng 12 này phải thanh toán 20 tỉ đô la nợ đáo hạn.

Vay nợ quá nhiều, chi tiêu vào những dự án khổng lồ nhưng không có hiệu quả, thiếu sự minh bạch trong điều hành là cơ sở dẫn tới vụ khủng hoảng Dubai World. Những cơ sở đó cũng có ở nhiều quốc gia khác, trong đó có nước ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới