Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao TPHCM phải đổi mẫu giấy đi đường mới từ ngày 25-8?

Lê Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc thống nhất một mẫu giấy đi đường chung sẽ giúp Công an TPHCM thống kê được số người được cấp và có cơ sở dữ liệu để kiểm soát, theo ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM.

Lực lượng công an kiểm tra người ra đường trong những ngày giãn cách xã hội.  Ảnh: Trịnh Hoàng

Công an TPHCM là đầu mối in và quản lý cấp giấy đi đường

Chiều 24-8, UBND TPHCM đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi về việc thay đổi cấp giấy đi đường gây khó khăn cho người dân?.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết,  theo văn bản 2850 ngày 23-8 của UBND TPHCM thì Công an TPHCM là đầu mối in và quản lý cấp giấy đi đường cho các nhóm được phép lưu thông trong những ngày giãn cách xã hội.

Ông Hà giải thích rằng Công an TPHCM được giao việc in giấy đi đường và chuyển về các đầu mối là các sở, ngành để cấp cho các nhóm được phép lưu thông, chứ không phải Công an TPHCM là đơn vị cấp trực tiếp giấy đi đường.

Việc thống nhất mẫu giấy đi đường sẽ giúp Công an TPHCM thống kê được số người được cấp là bao nhiêu. Ngoài ra, trên giấy có mã QR Code để người dân khai báo đưa về cơ sở dữ liệu để ngành công an biết được thông tin khai báo có khớp hay không.

Test nhanh 170.000 mẫu, phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính

Tại buổi họp báo trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, theo kế hoạch số mẫu xét nghiệm test nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao khoảng 2 triệu mẫu, chậm nhất đến ngày 25-8 phải hoàn thành để đánh giá tình hình dịch tại TPHCM nhằm đưa ra các giải pháp.

Riêng ngày 23-8, khi xét nghiệm diện rộng với hơn 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), ngành y tế phát hiện hơn 6.000 trường hợp dương tính. Ông Hưng cho rằng,  tỷ lệ này là chấp nhận được vì thấp hơn tỷ lệ 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo ông Hưng khi số người F0 tăng sẽ kéo theo nhu cầu điều trị tăng. Vì vậy, ngành y tế đã triển khai mô hình quản lý, điều trị F0 tại nhà bằng các trạm y tế lưu động, mỗi một phường xã sẽ thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy theo số lượng F0 trên địa bàn. Các trạm y tế lưu động sẽ chăm sóc F0 tại nhà và chăm sóc người bệnh thông thường.

Thông tin thêm về tình hình tiêm vaccine, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, tính đến hết ngày 23-8, TPHCM đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 5.501.732 người, trong đó có 5.291.196 người được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 78,9% và 210.536 được tiêm mũi 2, đạt 3,1%.

Ngành y tế đã thành lập 274 trạm y tế lưu động và đang tăng tốc để hoàn thành 400 trạm theo kế hoạch.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới