(KTSG Online) – Sự suy giảm về lượng nước và phù sa từ sông Mekong, cùng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra 2.158 vụ sạt lở tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thiệt hại ước tính 1.078,9 tỉ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước.
- Đồng bằng sông Cửu Long cần một cơ chế điều phối vùng mới
- Đồng bằng sông Cửu Long cũng bấp bênh như cây lúa
- Kịch bản nào cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Bất cập quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong
Chia sẻ kết quả kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết công tác quy hoạch tài nguyên nước chung cả nước, quy hoạch tài nguyên nước của lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh, nội tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 chưa kịp thời.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước chưa cung cấp các thông tin, số liệu đầy đủ phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và Mục tiêu phát triển bền vững. Còn công tác giám sát, kiểm soát hoạt của cơ quan quản lý thiếu sự đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước giai đoạn 2016-2020 chưa đảm bảo theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Đáng lưu ý, tình trạng xả nước thải vào nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm còn diễn ra, nhưng chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị về biện pháp xử lý, giảm thiểu tác động trong quá trình thẩm định, cấp phép, theo KTNN.
Cũng theo cơ quan kiểm toán, công tác thẩm định, cấp giấy phép khai thác khoáng sản lòng sông tại một số địa phương chưa xem xét kỹ lưỡng đến khoảng cách tối thiểu so với đường bờ, phạm vi bảo vệ bờ sông. Đồng thời, chưa rà soát, tính toán kỹ lưỡng trữ lượng mỏ, công suất, thời gian khai thác và chưa thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, gia cố đường bờ sạt lở sau khai thác.
Còn việc quản lý, giám sát khoáng sản tận thu trong quá trình xây dựng thủy điện tại lưu vực sông Mekong chưa chặt chẽ.
Đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng
Cũng tại cuộc kiểm toán, KTNN đã nêu một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Hiệp định Mekong 1995 và mong muốn các quốc gia trong lưu vực xem xét, nghiên cứu khắc phục để tăng cường hiệu quả hợp tác trong tương lai.
Thứ nhất, hiện nay mới có 4/6 quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong ký kết Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mekong 1995.
Thứ hai, chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý, gồm: quy chế, sổ tay hướng dẫn, hướng dẫn kỹ thuật làm cơ sở điều tiết các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính và dòng nhánh như xây dựng thủy điện và hoạt động chuyển nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển thủy điện dòng nhánh tại các quốc gia thành viên Uỷ hội sông Mekong quốc tế (MRC) nhiều hơn.
Thứ ba, thiếu các điều khoản cụ thể để giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các thành viên MRC trong việc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước lưu vực sông Mekong. Ngoài ra, thiếu chỉ tiêu, hoạt động liên quan đến đánh giá tác động môi trường và phát triển bền vững quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông.
Thứ tư, một số thủ tục, các văn bản pháp lý, các Chiến lược toàn lưu vực và các hướng dẫn kỹ thuật của MRC được xây dựng với nội dung khái quát, chưa có sự ràng buộc đầy đủ.
Cụ thể, một số hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện các Thủ tục và các chương trình hợp tác đã được xây dựng nhưng chưa được thông qua như Hướng dẫn đánh giá danh mục các dự án thủy điện đa mục tiêu (năm 2015), Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Thủ tục Duy trì dòng chảy trên dòng chính (năm 2016), Hướng dẫn Kỹ thuật đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới ở vùng Hạ lưu vực sông Mekong (năm 2018).
Thứ năm, việc thực hiện 5 Thủ tục của MRC gồm: Trao đổi và Chia sẻ thông tin, số liệu; Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận; Duy trì dòng chảy trên Dòng chính; Giám sát sử dụng nước; Chất lượng nước còn một số vấn đề như các thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn, phù sa, bùn cát… chưa thực sự đồng bộ và được cập nhật thường xuyên.
Ngoài ra, việc giám sát sử dụng nước chưa được triển khai toàn diện do hạn chế về nguồn lực. Bên cạnh đó, việc thực hiện tham vấn đối với các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính còn gặp một số vướng mắc nhất định trong việc đánh giá đầy đủ các tác động của dự án tới các bên liên quan, đặc biệt là đối với khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Thứ sáu, Việt Nam là quốc gia tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc UNWC/1997 về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 trong bốn quốc gia thành viên MRC. Điều này, theo KTNN, gây khó khăn trong việc tìm kiếm các căn cứ tham chiếu chung khi xử lý vấn đề khác biệt hoặc yêu cầu sự can thiệp của Tòa án Công lý quốc tế.
Cũng theo cơ quan kiểm toán, những bất cập nêu trên, cùng sự biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mekong đã khiến d khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Cụ thể, số lượng nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL năm 2020 giảm 157 tỉ mét khối so với năm 2011. Còn lượng phù sa bùn cát năm 2020 giảm 14 triệu tấn so với năm 2017, tương ứng mức giảm 37%.
Theo KTNN, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn gây với thiệt hại khoảng 509.804 ha diện tích cây trồng. Đồng thời, khiến 1.509.528 ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì, 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.
Ngoài ra, 2.158 vụ sạt lở đã xảy ra với thiệt hại ước tính 1.078,9 tỉ đồng, còn trữ lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên sụt giảm 12.644 tấn với thiệt hại ước tính 770 tỉ đồng, theo cơ quan kiểm toán. Bên cạnh đó nhiều địa phương cũng phản ánh sự suy giảm về số loài và số lượng cá thể nhiều loại sinh vật, thủy sản đặc trưng của sông Mekong.
Đáng lưu ý, chất lượng nước tại nhiều con sông, kênh, rạch đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm - dẫn tới 84.672 ca bệnh trong giai đoạn 2016-2020, theo thống kê của ngành y tế.
Việc này cũng góp phần dẫn đến tình trạng hàng trăm nghìn lao động phải di dời khỏi địa phương, rời bỏ các công việc truyền thống để tìm kiếm việc làm tại các thành phố, đô thị lớn.