Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng bằng sông Cửu Long cũng bấp bênh như cây lúa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng bằng sông Cửu Long cũng bấp bênh như cây lúa

Võ Hùng Dũng

(TBKTSG Xuân) – Tên tuổi của Việt Nam có được trên thị trường lúa gạo, thủy sản, rau quả thế giới hầu hết là nhờ vào đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, đây cũng lại là vùng rất ít được quan tâm và đầu tư.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng bấp bênh như cây lúa
Một ruộng lúa ở Long An. Ảnh: N.K

Quy hoạch và thể chế đất đai – hai thứ cản trở lớn nhất

Là vùng đất đầy tiềm năng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày nay đang đối mặt với những khó khăn thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và… thiếu nước ngọt. Với đà này, không bao lâu, đây không còn là nơi đóng góp vào sự phát triển mà trở thành gánh nặng của quốc gia.

Bệnh thành tích đã che đi nhiều thực tế đáng quan ngại. Tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh được báo cáo ở mức 7-8%, cao hơn so với cả nước. Vậy mà giờ đây thu nhập dân cư của vùng thấp hơn trung bình của cả nước đến mức hai con số. Những điểm yếu về hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực đã biết, đã nói từ hơn 20 năm qua nhưng giờ đây vẫn là điểm nghẽn lớn.

Để điều này xảy ra có phần lỗi của các cấp lãnh đạo, các nhà lập quy hoạch, các nhà lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư, phân bổ các nguồn lực rất thấp trong khi lấy đi rất nhiều thứ từ lúa gạo, nông sản, nguyên liệu cho đến nguồn nhân lực.

Quy hoạch lạc hậu, mang tính áp đặt, trói buộc nguồn lực là căn nguyên của sự suy yếu. Các bản quy hoạch này đã gắn chặt nền kinh tế của vùng với cây lúa, với an ninh lương thực quốc gia. Đầu tư trở lại cho đồng bằng xoay quanh vào cây lúa trong khi thể chế cho những gì liên quan đến cây lúa thì rất lạc hậu.

Quy hoạch lạc hậu, mang tính áp đặt, trói buộc nguồn lực là căn nguyên của sự suy yếu. Các bản quy hoạch này đã gắn chặt nền kinh tế của vùng với cây lúa, với an ninh lương thực quốc gia. Đầu tư trở lại cho đồng bằng xoay quanh vào cây lúa trong khi thể chế cho những gì liên quan đến lúa thì rất lạc hậu. Giá lúa thấp, đất lúa bị quy định rất thấp, không được chuyển đổi. Tài sản đất nông nghiệp bị định giá thấp, thị trường đất nông nghiệp gần như tắc nghẽn đã kiềm chế 3,5 triệu nông hộ trong việc tiếp cận nguồn vốn chính thức, khi làm ăn thua lỗ cũng không có tài sản cấn trừ nên đành phải rời bỏ quê hương.

Quy hoạch và thể chế đất đai nông nghiệp và khu vực nông thôn là hai thứ cản trở lớn nhất phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL

Nhìn ở chiều hướng mới

Nền kinh tế của ĐBSCL hiện nay không chỉ có nông nghiệp với lúa gạo, thủy sản, cây trái. Các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ở những tỉnh có hạ tầng giao thông tốt, các dự án quy mô lớn về điện gió, điện mặt trời được triển khai sẽ thay đổi dần diện mạo kinh tế của vùng.

Sự thay đổi khó nhìn thấy nhưng đang diễn ra trong nông nghiệp là việc ứng dụng công nghệ số. Nó được thúc đẩy ở cả hai phía: do nhu cầu của người sản xuất và từ phía các nhà cung cấp khi nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường. Tham gia vào cuộc chơi này không chỉ có các nhà khởi nghiệp trong nước, mà còn các nhà sản xuất tên tuổi, có uy tín trên thế giới tiếp cận, giới thiệu và hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng.

Tác động của việc ứng dụng này bước đầu là cải thiện hiệu quả, đáp ứng những yêu cầu của thị trường về truy xuất nguồn gốc. Nhưng những bước tiếp theo với những hoạt động nâng cấp nó sẽ thay đổi tận gốc phương thức sản xuất truyền thống đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cấp bách.

Việc ứng dụng này vào lúc đầu không đòi hỏi người nông dân phải có bằng cấp cao, hiểu biết kỹ thuật phức tạp. Bởi có một lực lượng lớn các dịch vụ hỗ trợ do các công ty bán hàng cung cấp. Nhưng nếu những người nông dân có thêm kiến thức, hiểu biết nhiều hơn thì họ biết tận dụng cơ hội, nâng cấp, cải tiến và cả những sáng kiến tác động cho quá trình nâng cấp không ngừng. Vì vậy, đào tạo cho lao động nông thôn cần phải xoay theo hướng mới hỗ trợ cho việc này.

Mức độ ứng dụng công nghệ số không diễn ra cùng lúc và như nhau mà chỉ với những ngành, sản phẩm có thị trường và có tiềm năng phát triển. Khi đó, các công ty công nghệ từ khắp nơi sẽ nhảy vào và họ sẽ có những giải pháp cho người sử dụng. Vì vậy, nhà nước, chính quyền địa phương cần làm thế nào để sản phẩm của kinh tế địa phương có thị trường và thị trường đó có tiềm năng phát triển. Đầu tư mới làm cho chi phí gia tăng nhưng sản phẩm được nâng lên ở phân khúc cao hơn để giá bán sẽ cao hơn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mới. Đây là quá trình nâng cấp chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Vấn đề là bằng cách nào đó để nông dân tiếp cận được nguồn vốn chính thức, làm thế nào để tài sản của họ được định giá tốt hơn.

Nên chăng có các chương trình hỗ trợ những nông dân đổi mới trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, các chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm và đề cao tinh thần sáng tạo, đổi mới, ứng dụng công nghệ trong vùng.

Bổ sung nguồn lực mới cho kinh tế của Vùng

Giao thông vận tải là điểm yếu trong nền kinh tế của vùng phản ánh qua các chỉ số vận tải. Trong các năm 2011-2017, vận tải hàng hóa chỉ tăng trung bình 6,1%/năm, với vận tải hành khách là 3,8%/năm (cả nước là 9% và 8%) .

Với các tuyến cao tốc đang hình thành và những bổ sung trong giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ đã công bố sẽ có sự thay đổi lớn đối với nền kinh tế của vùng. Nó sẽ thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, phân bố nguồn lực lao động, hình thành các khu công nghiệp, đô thị xung quanh các trục giao thông mới này. Nếu có quy hoạch tổng thể tốt, được ban hành sớm sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc này. Nếu chậm trễ nó sẽ là sự lãng phí nguồn lực đang sẵn sàng.

Nền kinh tế của vùng có một điểm sáng ít được để ý, đó là sức mua rất mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của ĐBSCL đứng thứ ba trong các vùng kinh tế, có tốc độ tăng trưởng trung bình 13,5%/năm trong các năm 2011-2018, cao hơn so trung bình cả nước (12,9%).

Trong khi hệ thống giao thông vận tải yếu kém, chưa có đầu tư lớn nào mà sức mua vẫn tăng trưởng cao ổn định như vậy thì nguồn lực này sẽ bùng phát khi hệ thống giao thông được cải thiện.

ĐBSCL cũng tiếp cận được rất ít nguồn vốn ngân hàng. Tổng vốn tín dụng của vùng chỉ bằng 8% cả nước.

Tiếp cận nguồn vốn chính thức có tầm quan trọng gần ngang với việc cải thiện hệ thống giao thông của vùng. Tiếc là chưa có chương trình thúc đẩy có hệ thống từ phía ngân hàng hỗ trợ cho kinh tế của vùng. Một nguồn lực lớn khác cũng đang bị cột chặt nhiều năm.

Đất đai nông nghiệp, đất lúa bị định giá quá thấp và không tiếp cận được thị trường làm cho nhiều triệu hộ nông dân khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu nguồn lực đầu tư. Chỉ cần làm những gì như với khu vực đô thị, đất đai tài sản được vốn hóa, được đưa vào thị trường thì nông thôn sẽ có thêm nguồn lực cho đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Những điều này thực ra không quá phức tạp về lý luận, nhưng có ý nghĩa lớn cho phát triển kinh tế của vùng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới