Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển bền vững’

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thể chế có chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nội dung này được Thủ tướng nêu tại hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế sáng 16-9.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác xây dựng thể thế, thậm chí thấy rõ đầu tư cho công tác này chính là đầu tư cho phát triển. Cụ thể, có bộ chỉ phân công thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng, còn địa phương chỉ phân công phó chủ tịch UBND phụ trách công tác này.

Vì vậy ông yêu cầu phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Theo đó, bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, với quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu.

Ngoài ra, cần tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật.

“Thể chế chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức thi hành pháp luật, phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, tới đối tượng điều chỉnh. - Ảnh: baochinhphu.vn

Cũng theo Thủ tướng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định, cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.

Với công tác rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, ông yêu cầu việc thực hiện phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện rà soát, xây dựng thể chế.

Theo đó, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

“Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và doanh nghiệp phải được tham gia”, Thủ tướng lưu ý.

Với việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, Thủ tướng cho rằng công tác này còn yếu. Vì vậy, phải tăng cường giám sát, kiểm tra để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện chính sách phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất.

“Vừa qua tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế có ngay hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng về công tác xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 tới tận xã phường, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu. Thực tế kiểm tra công tác phòng chống dịch vừa qua cũng cho thấy, những nơi nào mà lãnh đạo nắm chắc tình hình, quan điểm, giải pháp, thì tổ chức thực hiện tốt và ngược lại”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Cuối cùng, ông yêu cầu việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính.

“Nếu không phân cấp phân quyền, không biết mà quản thì chỉ là hợp thức hóa, không biết mà ký thì rất dễ bị sai”, Thủ tướng nói.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – cho rằng cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của địa phương khi được phân cấp, phân quyền. Ngoài ra, các địa phương cũng phải đẩy mạnh phân cấp theo hướng chủ tịch tỉnh phân cấp cho các giám đốc sở và các quận, huyện. Đồng thời, có cơ chế bảo đảm nguồn lực cho phân cấp phân quyền, nhất là nguồn lực con người và cơ sở vật chất.

Theo ông Quảng, Thủ tướng đã chỉ đạo kết hợp giữa tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến tận cấp cơ sở và điều này đã mang lại hiệu quả rất rõ nét trong thực tế.

Ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quang Ninh – cho biết tỉnh đã vận dụng thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, địa phương này thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch chiến lược trên tinh thần ‘có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt’. Đồng thời, chủ động đề xuất với các cơ quan trung ương các cơ chế thí điểm đột phá thông qua các đề án lớn.

Ngoài ra, Quảng Ninh còn xây dựng và vận dụng sáng tạo các hình thức hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng.

Những điều này, theo ông Văn, là yếu tố đột phá để địa phương huy động nguồn vốn khoảng 47.000 tỉ đồng với tỷ lệ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được 8-9 đồng ngoài ngân sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới