Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp bắt đầu kế hoạch ‘sống chung với Covid’

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - TPHCM và các tỉnh phía nam đang trong giai đoạn nước rút xây dựng kế hoạch, lộ trình phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chủ động chuẩn bị các kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng bước vào giai đoạn “sống chung với Covid”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây sẽ là giai đoạn hoạt động rất khác với trước nên họ phải tính toán nhiều kế hoạch để đảm bảo vừa duy trì ổn định bộ máy sản xuất vừa phục hồi các chỉ tiêu kinh doanh. Hiện có hai vấn đề các doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục là nhân lực và vật tư. Song song với đó nhiều doanh nghiệp dịch vụ cũng đang chờ đợi lộ trình cụ thể từ chính quyền để có phương án tối ưu.

Thiết kế lại các tiêu chí an toàn

Các tiêu chí an toàn trong doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định việc duy trì sản xuất không bị gián đoạn trọng thời gian tới. Do vậy, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung xây dựng lại hệ thống sản xuất, thiết kế, phân chia lại nhà xưởng, tăng cường y tế tại chỗ để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Điều cần thiết là doanh nghiệp cần được trao quyền chủ động nhiều hơn trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN

Nói về kế hoạch phục hồi, ông Trịnh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng, cho biết việc sản xuất “3 tại chỗ” của đơn vị đã đi vào ổn định và có thể tiếp tục duy trì phương án này trong thời gian đầu. Doanh nghiệp vẫn duy trì một khu vực cách ly riêng biệt và thiết bị y tế cần thiết để xử lý tình huống có F0 cần cách ly, điều trị tại chỗ.

Để đảm bảo sự an toàn trong giai đoạn đầu nhiều doanh nghiệp vẫn chưa vội vàng bỏ 3 tại chỗ nếu có được sự đồng thuận của người lao động. Doanh nghiệp tiếp tục tăng cường y tế tại chỗ để chủ động xử lý nhanh chóng các sự cố mà không làm đứt đoạn sản xuất.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), thông tin rằng nhiều hội viên xác định đến ngày 15-10 vẫn duy trì “3 tại chỗ”, cùng với tăng cường y tế tại chỗ.

Củng cố y tế tại chỗ sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động sàng lọc nguồn lao động sạch trong quá trình sản xuất và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Do vậy Hawa đã tổ chức các hội thảo trực tuyến để phổ biến y tế tại chỗ cho các hội viên với sự hướng dẫn của các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ điều trị.

Một số doanh nghiệp hội viên đã mua máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong khi chờ địa phương xử lý. Việc này nhằm xây dựng một mô hình trạm y tế cấp xã, phường để có thể xử lý các tình huống phát sinh. Đây là cách doanh nghiệp hình thành tầng 1 trong tháp điều trị Covid-19 ngay tại cơ sở.

Ngoài việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” nhiều doanh nghiệp cũng phải xây dựng thêm cho mình những phương án hoạt động tối ưu nhất trong bối cảnh bình thường mới. Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cho rằng việc áp dụng phân loại người lao động qua thẻ xanh, thẻ vàng là cách thức hợp lý. Sau đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án sản xuất, bố trí phân xưởng phù hợp để đề phòng trường hợp phát sinh F0 sẽ dễ dàng khoanh vùng.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần  thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất sắp tới khi lượng lao động tăng lên, ngoài tăng cường y tế tại chỗ doanh nghiệp đã chủ động chia ra các khu sản xuất riêng biệt. Phân luồng các bộ phận nhân lực từ trong nhà máy đến các lực lượng giao nhận, đảm bảo có giữ được khoảng cách an toàn và hạn chế tiếp xúc. Nếu một bộ phận có ca nhiễm thì dễ khoanh vùng và không ảnh hưởng đến các bộ phận khác.

Kế hoạch để phục hồi kinh doanh

Sau một thời gian dài giãn cách, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang phần nào bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng đứt gãy, các đơn hàng đình trệ. Bên cạnh kế hoạch ổn định cơ sở sản xuất thì kế hoạch khôi phục kinh doanh cũng được doanh nghiệp quan tâm. Hiện có hai vấn đề các doanh nghiệp đang tập trung chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục là nhân lực và vật tư.

Nhiều doanh nghiệp gỗ đang xây dựng kế hoạch kết nối trở lại với chuỗi cung ứng nguyên liệu. Ảnh minh họa: DNCC

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết, đơn hàng của các doanh nghiệp đồ gỗ vẫn còn, nhưng trong hoàn cảnh như hiện nay cần truyền thông cho đối tác biết rõ kế hoạch phục hồi để họ không dịch chuyển sang thị trường khác. Do vậy, các doanh nghiệp ngành đồ gỗ đang rốt ráo chuẩn bị một hội thảo trực tuyến ngay trong tháng 9 nhằm kết nối với những người mua lớn (buyer) trên thế giới.

“Nhưng việc này đang trông vào kế hoạch mở cửa chính thức của các địa phương. Hawa đã có khung kế hoạch phục hồi, trong đó nêu rõ các yếu tố trong từng giai đoạn. Trong đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hawa nêu rõ, để đạt được các khung mục tiêu phải có các yếu tố dữ liệu, như độ phủ vaccine, từ dữ liệu như vậy mới tính toán sơ bộ kết quả đầu ra”,  ông Phương cho hay.

Hawa chia thành 3 giai đoạn cho lộ trình mở cửa, đó là duy trì, phục hồi và tăng tốc. Theo đánh giá, mỗi giai đoạn cần 3-6 tháng và hướng đến mục tiêu cụ thể, phục hồi bao nhiêu phần trăm công suất so với trước đây. Năng lực của doanh nghiệp có thể đáp ứng được bao nhiêu, từ đó người mua quốc tế lên được kế hoạch chung. Trước khi kết nối với người mua quốc tế, các doanh nghiệp hội viên sẽ tham gia tọa đàm trực tuyến để chuẩn bị nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho ngành đồ gỗ phục hồi.

Doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó kết nối lại với chuỗi cung ứng là rất quan trọng. Vì vậy muốn trở lại sớm, ngoài việc chủ động nguồn nhân lực thì việc kết nối với đối tác cung ứng nguyên vật liệu cần được đẩy nhanh

Theo ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may mặc Dony, công ty đã chấp nhận lỗ những đơn hàng sản xuất trong dịch để đổi lại việc giữ được chữ tín và mối quan hệ làm ăn với đối tác lâu dài. Tuần trước có khách hàng muốn ký hợp đồng và đặt ngay đơn hàng đi Trung Đông nhưng công ty buộc phải từ chối vì không biết tình hình mở cửa trở lại sẽ được thực hiện lúc nào.

“Tôi trao đổi với đối tác là theo dự tính, TPHCM có thể mở từ đầu tháng 10 và mở lúc nào sẽ hạ bút ký ngay lúc đó và nhận cọc luôn. Tương tự kế hoạch với phía cung cấp nguyên vật liệu cũng vậy. Chỉ cần sau 2 ngày TPHCM có lệnh tái mở cửa, chúng tôi có thể đánh giá tình hình và vài ngày sau đó ký hợp đồng, nhận cọc làm luôn”, ông Quang Anh chia sẻ

Tìm phương án ổn định nguồn lao động

Kế hoạch khó khăn nhất của doanh nghiệp vẫn là ổn định nguồn lao động trong giai đoạn tiếp theo. Thực tế, nhiều người lao động đã về quê tránh dịch, một số e ngại dịch bệnh nên chưa muốn trở lại đi làm ngay sau thời gian "mở cửa". Doanh nghiệp bị động trong việc tuyển dụng nên chỉ lên phương án hoạt động tối ưu cho đến thời điểm độ phủ vaccine được hoàn thiện.

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), với những nhà máy có thể thực hiện sản xuất, thì cũng chỉ huy động được 10-50% số lượng công nhân, nhưng số doanh nghiệp huy động được 50% lao động là rất ít, chủ yếu chỉ huy động được khoảng 20-30% công nhân, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.

Với tình hình như vậy, chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Vasep dự báo, trung bình để khôi phục được 50% công suất cần đến 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất phải mất đến khoảng 1,5-2 năm. Tất cả tùy thuộc vào độ phủ vaccine.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group, nhận định khi nền kinh tế mở cửa trở lại, việc tuyển lao động sẽ rất khó. Bởi lao động đã về quê sẽ không thể quay trở lại nhà máy 100%. Nếu các nhà máy tiếp tục làm theo cách cũ thì sẽ thiếu lao động hoặc đẩy chi phí lao động lên cao hơn trước đây.

"Doanh nghiệp nên đẩy mạnh đầu tư để tự động hoá. Ngay tại các nhà máy của chúng tôi, công đoạn nào có thể thay bằng máy móc thì đều đang có sự tính toán, chuẩn bị để đưa robot vào, chi phí cũng không quá cao”, ông Tín nhấn mạnh.

Thực ra lâu nay chuyện đầu tư công nghệ, tự động hoá không phải các doanh nghiệp không nhìn ra, nhưng có một vài yếu tố khiến việc này chưa được đẩy nhanh. Cụ thể, chi phí lao động còn tương đối thấp và chi phí vốn lại khá cao. Nhưng lần dịch này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, đi nhanh hơn.

Doanh nghiệp cần lộ trình mở cửa cụ thểThực tế việc xây dựng kế hoạch trở lại sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất thường chủ động hơn khối dịch vụ. Bởi các doanh nghiệp dịch vụ như du lịch, ẩm thực vẫn phải chờ chính quyền đưa kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm mới có thể chuẩn bị.Đại diện công ty lữ hành Fiditour cho biết, doanh nghiệp có thể áng chừng xây dựng kế hoạch riêng nhưng không thể tự đặt ra tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời  không thể tự rủ nhau hoạt động, chọn thị trường mà vẫn phải thực hiện theo các tiêu chí, lộ trình của từng địa phương.Các nhà cung cấp tại các điểm, địa phương hiện hầu như đã đóng cửa toàn bộ, muốn quay lại cần thời gian để họ huy động nhân lực, bảo trì, bảo dưỡng, sắp xếp lại cơ sở vật chất. Như vậy chính quyền có lộ trình cụ thể càng sớm thì doanh nghiệp càng có nhiều thời gian chuẩn bị đáp ứng đầy đủ tiêu chí, khôi phục hạ tầng, xây dựng các gói sản phẩm tốt nhất để đón đầu cơ hội mở cửa.Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng Thủ tướng đã sớm đưa ra quan điểm phải mở cửa kinh tế gắn liền với phòng chống dịch Covid-19 thì bộ tiêu chí đánh giá vùng an toàn để cho phép mở cửa của Bộ Y tế lại chưa thay đổi. Nếu Bộ Y tế không thay đổi thì thành phố cũng khó để công bố vùng an toàn và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới