Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp trong mùa dịch: quá nhanh, quá chậm đều nguy hiểm

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tùy vào lĩnh vực ngành nghề mà giới hạn hoạt động của doanh nghiệp trong mùa dịch khác nhau. Có doanh nghiệp "chạy" quá nhanh, cũng có doanh nghiệp "đi" rất chậm hoặc "đứng im". Tuy vậy, theo các lãnh đạo doanh nghiệp, dù ở trạng thái nào họ cũng đối diện với nguy hiểm.

Trong chuỗi hội thảo trực tuyến với chủ đề "Đâu là trận cuối" mới đây,  đại diện các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề chia sẻ về hoạt động trong giai đoạn giãn cách với nhiều trạng thái khác nhau. Bán lẻ thì vận động với cường độ cao nhưng chênh vênh với nhân sự mỏng, chi phí tăng, tỷ suất lợi nhuận thấp và luôn trong tình cảnh nguy hiểm. Trong khi đó, khối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hàng không hay cả sản xuất, gia công… thì phần lớn dừng lại đột ngột và một số trường hợp rơi vào tình cảnh nguy kịch.

Bán lẻ quá nhanh, quá nguy hiểm

Bán lẻ là lĩnh vực hoạt động xuyên suốt trong mùa dịch nhưng cũng chuyển trạng thái nhiều nhất theo sự điều chỉnh của các chính sách chống dịch. Nhưng ở trạng thái nào, khối doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng vận động với cường độ rất cao khiến cho việc kiểm soát về chất lượng cũng như vận hành hệ thống rất khó. Thậm chí những nghịch lý về tình hình kinh doanh cũng đã xuất hiện.

Doanh nghiệp bán lẻ vận hành với tốc độ cao trong đại dịch nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro. Ảnh minh họa: DNCC

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, ngành bán lẻ thường bị nhầm là không thể chết, dù có rủi ro. Nhưng trên thực tế, thương mại hiện đại chỉ chiếm 1/4 thị phần. Khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại sẽ gồng gánh.

Trong thời gian qua, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải, nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt...

Ông Đức cho rằng thời gian qua ngành bán lẻ - dịch vụ đã "chạy với tốc độ quá nhanh và quá nguy hiểm". Chỉ thị của chính quyền thay đổi hàng ngày nên đòi hỏi doanh nghiệp cần phải biết cách "lấy hơi", điều đó ảnh hưởng đến "lá phổi" của doanh nghiệp. Các nhà bán lẻ phải tìm giải pháp để hài hòa, giữ nhịp thở thấp nhưng thở đều và cũng phập phồng lo lắng.

Cũng chính vì phải chạy quá nhanh nên sau thời gian giãn cách sẽ có những khó khăn mà các nhà bán lẻ như Saigon Co.op phải đối mặt. Theo ông Đức, có thể mọi người nhìn vào sẽ nói thời gian qua Saigon Co.op bán được nhiều, và thu hút được một lượng lớn khách hàng cho tương lai. Đó là tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp cũng ghi nhận sự tích cực đó, nhưng nó dẫn đến một số rủi ro cho tương lai.

"Thời gian qua Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao khiến chúng tôi có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách. Đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ. Hay chạy nhanh khiến những nỗi lo chống dịch lại càng lớn hơn và thực tế là chúng tôi cũng va phải rủi ro khi đóng cửa gần 1/4 chuỗi cửa hàng", ông Đức bày tỏ.

Đứng im, kiên nhẫn và sự nguy kịch

Nếu ngành bán lẻ như Saigon Co.op phải chạy với tốc độ quá nhanh và quá nguy hiểm, thì ngành hàng không - du lịch, ẩm thực lại rơi vào thế trận dừng quá đột ngột và nguy kịch. Thực tế hàng không và du lịch bỏ lỡ hoàn toàn các mùa cao điểm trong năm để khắc phục những di chứng từ năm ngoái. Các hãng bay gần như không khai thác thương mại trong 3 tháng hè, du lịch chỉ có 10% doanh nghiệp duy trì hoạt động mà chủ yếu là đón khách hồi hương cách ly.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, nói rằng nếu ví ngành du lịch - hàng không như một bệnh nhân Covid-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO. Ông nhận định ngành hàng không nói riêng và du lịch nói chung đang “đóng băng”, có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước.

Các doanh nghiệp hàng không đang gặp nhiều khó khăn khi tạm dịch đột ngột. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Kỳ, doanh nghiệp không có nguồn thu lại tổn thất rất lớn về cơ sở vật chất, riêng trong ngành hàng không quy mô càng lớn thì tổn thất càng nhiều. Mỗi ngày chi phí duy trì khoảng vài tỉ đồng mà không tạo ra giá trị, điều này đẩy lùi ngành hàng không trở lại rất sâu, có thể là cả chục năm.

Khi trở lại cũng rất là khó để hồi phục sớm bởi cả du lịch và hàng không đều sử dụng lao động rất nhiều nhưng nay đội ngũ bị xô lệch. Đặc biệt là hàng không phần lớn là lao động chất lượng cao mà khi sứt mẻ rồi thì không dễ để lắp vào ngay trong một sớm một chiều.

“Thậm chí để khởi động lại thôi cũng phải mất một số tiền rất lớn, máy bay nằm cảng mấy tháng và khi có kế hoạch hoạt động trở lại thì không phải tháo bạt là bay được. Những chi phí kiểm tra đảm bảo hệ số an toàn bay là rất lớn, du lịch cũng có hệ số an toàn riêng để khôi phục. Hai ngành này đang chịu những vết thương rất sâu và để lại di chứng lớn sau này”, ông Kỳ chia sẻ.

Du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vaccine có hiệu quả. Tuy nhiên hành khách sẽ thận trọng hơn. Họ sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại. Với hàng không, ông Kỳ nhận định phải đến tháng 6-2024 thì mới quay trở lại được như giai đoạn 2018-2019, với điều kiện phải được nối lại các đường bay quốc tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cho biết với việc dừng đột ngột, các doanh nghiệp cho rằng để tồn tại đòi hỏi sự kiên nhẫn. Bởi vì doanh nghiệp luôn ở trong tình thế bị động với sự thay đổi của chính sách nên mọi sự nóng vội đều có thể phải trả giá rất đắt.

“Sự kiên nhẫn không phải là đứng im nghỉ ngơi mà là kiên nhẫn trong việc tìm kiếm những giải pháp tối ưu để tái cấu trúc ra sao cho doanh nghiệp gọn gàng nhất và xuất phát nhanh khi trở lại. Mặc dù chi phí cho sự kiên nhẫn này là rất lớn nhưng nếu doanh nghiệp nào chịu được ngưỡng vừa qua thì cơ hội sẽ trở lại nhanh hơn. Đây là bài toán khó nhưng ông chủ doanh nghiệp buộc phải tính hơn là buông xuôi và rơi vào trạng thái nguy kịch”, ông Mỹ nhận định.

Trước câu hỏi đợt Covid-19 này có phải là trận cuối, các lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng những biến cố luôn là những trận cuối nối tiếp nhau. Theo các doanh nghiệp điều quan trọng là từ trận này rút kinh nghiệm cho trận sau, ai cũng phải nâng cao năng lực dự báo của chính mình. Hầu hết các doanh nhân cho rằng đừng bao giờ lãng phí những cái “khôn” đã ló ra được trong thời khó.

Giai đoạn vừa qua là một bài học lớn cho doanh nghiệp trong việc ứng phó với những rủi ro bất ngờ. Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng tinh thần của doanh nhân là không ngừng chiến đấu và qua mỗi khó khăn lại học hỏi được nhiều hơn lên.

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin các Doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm tồn tại, vượt đợt dịch vừa qua, và các bài học cụ thể để thế hệ sau được tích lũy kinh nghiệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới