(KTSG Online) – Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong quí 3, lũy kế 9 tháng đầu năm, đang dần mở ra. Nhóm ngân hàng công bố lợi nhuận đầu tiên cho thấy lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng tốt.
- Lợi nhuận ngân hàng: năm nay khả quan, năm sau khó nói
- Ước tính lợi nhuận quí 3 các ngân hàng chững lại đáng kể
Mở đầu mùa báo lợi nhuận quí 3, lũy kế 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cho biết lợi nhuận tiếp tục đà tăng mạnh. Chẳng hạn, Ngân hàng SHB mới đây công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 5.055 tỉ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 86% kế hoạch.
Tương tự, Ngân hàng HDBank cho biết lợi nhuận trước thuế đạt gần gần 6.000 tỉ đồng, tăng 36% cùng kỳ và vượt mức lợi nhuận cả năm 2020 và hoàn thành 82% kế hoạch.
TPBank, ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh trong quí 3, trước đó cũng công bố đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4.350 tỉ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý là có ngân hàng có quy mô nhỏ ghi nhận mức tăng trước rất cao, một phần do mặt bằng ở mức thấp trong những năm trước.
Cụ thể, tại KienlongBank, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quí 3 đạt gần 57,5 tỉ đồng, tăng hơn 72%. Trong quí vừa qua, tổng thu nhập tăng 80%, trong đó thu nhập lãi thuần tăng gần 92%, còn thu nhập từ dịch vụ tăng đến gần 227%. Còn lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của KienlongBank tăng gần 734 tỉ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ.
Theo giải trình của ngân hàng, lợi nhuận trong quí 3 chủ yếu tăng từ thu nhập trong các mảng hoạt động, còn lũy kế 9 tháng đầu năm tăng mạnh vì đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản đảm bảo, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu ngân hàng Sacombank.
Tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), lợi nhuận trước thuế trong quí 3 bất ngờ đạt gần 80 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 5,3 tỉ đồng trong cùng kỳ. Đóng góp đáng kể là từ thu nhập thuần tăng mạnh trong quí 3 khi tăng trưởng 25%, còn thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 5,3 lần. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của NCB đạt hơn 205 tỉ đồng, cao hơn gấp 7,2 lần so với cùng kỳ.
Có thể nhận thấy điểm chung trong báo cáo 9 tháng đầu năm là các ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng cao chủ yếu khoản mục thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ và chi phí hoạt động giảm đáng kể.
Chẳng hạn, HDBank cho biết tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỉ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập thuần dịch vụ tăng 88,6%. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước, nhờ mảng bancassurance và dịch vụ thanh toán.
Ở phía ngược lại, nhiều dự đoán trước đó cho rằng lợi nhuận quí 3 của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi chi phí trích lập dự phòng tăng cho các khoản nợ xấu vì Covid-19, đồng thời cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.
Chẳng hạn, theo Fiingroup, Vietcombank và VietinBank, hai ngân hàng đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quí vừa qua, sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt gần 1% và 5% so với quí trước.
Dù vậy, quí 3 cũng ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại đáng kể của các nhà băng trong bối cảnh làn song dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở khu vực phía Nam. Nếu xét riêng quí vừa qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TPBank đạt khoảng 36%, thấp hơn so với mức 48% trong nửa đầu năm, còn HDBank chỉ đạt khoảng 20% so với con số 44%.
Theo đánh giá của khối phân tích Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, việc các ngân hàng tăng trưởng chậm lại trong quí 3 là điều bình thường, nhưng ước tính vẫn khả quan trong năm nay, nhờ nền tảng tăng trưởng trong nửa đầu năm, sự tăng tốc của nền kinh tế trong quí 4, sự hỗ trợ của chính sách cơ cấu giãn nợ và trích lập dự phòng vì Covid-19.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, ước tính lợi nhuận ngân hàng trong quí 3 giảm 19% so với quí 2, vì tăng trưởng tín dụng thấp, chi phí dự phòng tăng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quí 3-2021 ước sẽ giảm 2% so với quí 2, chi phí trích lập dự phòng lại dự kiến tăng lên 20% so với quí trước, đặc biệt là ở các ngân hàng hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (chi phí dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ xấu- LLR) tương đối thấp.