Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đà tăng trở lại của bất động sản sẽ góp phần vào phục hồi kinh tế?

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản vẫn cho thấy nhiều chỉ số khả quan cho tăng trưởng như giá bất động sản không giảm, nhu cầu cao, thu hút vốn đầu tư lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản như một chiếc lò xo đang bật tăng trở lại và đó được xem là cú hích để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đó là những nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp tại hội thảo “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng” tổ chức ngày 28-10 tại TPHCM.

Dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào trong thời gian này. Ảnh minh họa: V.Dũng

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại. Vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực bất động sản đạt 1,74 tỉ đô la, chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau nhóm chế biến, chế tạo… Phát hành trái phiếu bất động sản cũng rất sôi động với 148.000 tỉ đồng, chiếm 37% toàn bộ doanh nghiệp, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng. Giá cổ phiếu bất động sản niêm yết cũng tăng.

Những yếu tố trên cho thấy người dân vẫn đầu tư vào bất động sản, vẫn mua nhà. So với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt. Trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, nhu cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở… vẫn phát triển tốt.

Giao dịch bất động sản trong những tháng giãn cách xã hội giảm rất mạnh nhưng giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cho biết, đang kiến nghị với TPHCM trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế. Qua đó nhấn mạnh việc xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TPHCM nói riêng.

Để làm được việc này, đối với TPHCM, bất động sản là 1 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp khởi động trở lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ tất cả nút thắt, thông qua đại dịch lần này thì thấy thắt chỗ nào phải gỡ chỗ đó để doanh nghiệp bung lên. Hiện TPHCM có tới hơn 170 dự án tồn đọng, cần tháo gỡ nhanh những dự án này để cho họ khởi động.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, khó khăn là mỗi dự án lại có một vướng khác nhau nên không để gom chung tất cả vào để xử lý mà phải có hướng xử lý khác nhau cho từng dự án. Dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường bất động sản kích hoạt.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản hoàn toàn có khả năng tự phục hồi. Doanh nghiệp không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách, chỉ cần những nút thắt về mặt chính sách được giải quyết thì thị trường địa ốc sẽ bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt.

Ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng quản lý nhà - thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường bất động sản nhìn chung gặp khó khăn trong vài tháng qua, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tổng nguồn cung chỉ đạt 60-70%, lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ 40-50% so với quý 2-2021.

Tuy nhiên, thị trường giảm phát không phải do nhu cầu mà chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động dịch bệnh tạo nên. Nguồn cung giảm nhưng lực cầu không giảm, đặc biệt giá không giảm. Chỉ có giá cho thuê mặt bằng dịch vụ thương mại giảm tại các địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh lớn.

Năm 2020 và đầu năm 2021 có nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. “Chưa có giai đoạn nào mà thời gian ngắn vậy mà hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tháo gỡ một số cơ chế, chính sách khác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản", ông Dũng cho biết.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng của kinh tế nói chung và thị trường bất động sản là tích cực khi Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 - 2023, đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Kỳ vọng với những chương trình này cộng với khả năng nền kinh tế sẽ bật lại sau đại dịch, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5 - 7% là tương đối khả quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới