(KTSG Online) – Cuộc khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) cho thấy hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 trên tổng số 5 điểm ở tất cả các khía cạnh.
- Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội vẫn là cơ hội nếu…
- Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nguy cơ an ninh mạng
Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương – đưa ra tại hội thảo “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) tổ chức sáng 9-11.
Ông Hải cho biết đa số doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0). Trong đó, các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.
Còn các ngành công nghiệp Việt Nam đều có mức độ sẵn sàng thấp trước CMCN 4.0 với điểm số dưới 2,5 trên tổng số 5 điểm ở tất cả các khía cạnh, theo khảo sát của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm 16,7% trong GDP năm 2020. Trong đó, tỷ trọng các ngành công nghiệp, công nghệ trung bình và cao chiếm 40% về giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành chế biến chế tạo.
Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, ông Hải cho biết Việt Nam đang dần cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng cạnh tranh công nghiệp khi chuyển từ nhóm “các nước phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. Nhưng giá trị gia tăng ngành chế biến chế tạo (MVA) bình quân đầu người của nước ta mới chỉ đạt mức 394 đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia (2.473 đô la), Thái Lan (1.728 đô la), Indonesia (774 đô la), Philippines (680 đô la).
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – cho biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp.
Vì vậy, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu. Trong đó, có nhiều tiêu chí không đạt như GDP bình quân đầu người, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.
Ngoài ra, nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn - PV) quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ. Còn việc phát triển công nghiệp chủ yếu hướng tới các mục tiêu ngắn hạn và thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá
Lý giải thực trạng này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, có 4 điểm nghẽn và 3 thiếu sót về chính sách vĩ mô khiến quá trình chuyển đổi trong 3 năm vừa qua tương đối chậm chạp, ít thay đổi.
Về điểm nghẽn, ông Hải cho biết điểm nghẽn đầu tiên là nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu. Cụ thể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ hai, nguồn nhân lực công nghiệp yếu với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp. Ngoài ra, tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo còn thiếu.
Thứ ba, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp.
Thứ tư, nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.
Về chính sách vĩ mô, ông Hải cho biết hiện thiếu khung pháp lý, cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ và hấp dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, thiếu tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thị trường thế giới để tận dụng cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại, hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chính sách cũng thiếu tính định hướng về phân bổ nguồn lực xã hội từ trung ương đến địa phương và khu vực tư nhân khiến các dòng vốn đầu tư không đi vào khu vực sản xuất, không tạo ra được của cải vật chất.
Khó khăn nhất về mặt lập pháp đối với lĩnh vực công nghệ 4.0 là tính toàn cầu hóa tuyệt đối. Nghĩa là ta phải tham gia một cách chủ động và tích cực vào sân chơi chung của quốc tế trên lĩnh vực nhạy cảm này, đòi hỏi phải hy sinh một số quyền năng đặc biệt về lợi ích an ninh, an toàn, kể cả chủ quyền quốc gia. Để làm được điều này ngoài việc phải nâng tầm/ nâng hạng các hạ tầng công nghệ, cần thiết phải có trình độ công nghệ tương ứng thế giới, kể cả trình độ lập pháp công nghệ. Đây hoàn toàn không dễ.