Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu của ĐBSCL trên đà phục hồi nhằm bắt kịp cơ hội cuối năm

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất thì hoạt động xuất khẩu của vùng này cũng hồi phục và có sự tăng trưởng so với trước đó.

Xuất khẩu vùng ĐBSCL phục hồi mạnh sau khi các biện pháp giãn cách xã hội nới lỏng. Ảnh minh họa: TTXVN

Số liệu kinh tế vùng ĐBSCL vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng trong tháng 10-2021 đạt 2,14 tỉ đô la Mỹ, tăng 420 triệu đô la Mỹ so với tháng trước đó. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 39% so với tháng 9-2021 và nhập khẩu đạt khoảng 713 triệu đô la Mỹ, tăng 3%.

Thực tế, một số sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như lúa gạo, thuỷ sản (tôm, cá tra) cũng có kim ngạch xuất khẩu được cải thiện rõ nét trong tháng 10 so với tháng trước đó.

Cụ thể, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 10-2021, xuất khẩu gạo đạt trên 618.000 tấn với trị giá đạt gần 322 triệu đô la Mỹ, tăng 4,1% về lượng và 9,8% về giá trị so với tháng trước đó.

Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 10-2021 đạt 918 triệu đô la Mỹ, tăng 290 triệu đô la Mỹ so với tháng trước đó.

Kết quả nêu trên có được nhờ vào việc các địa phương trong vùng thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất gia tăng.

Theo đó, VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, trong tháng 10, tiếp tục có 895 doanh nghiệp của vùng ĐBSCL gia nhập thị trường, cao hơn 5 lần so với số doanh nghiệp rút lui trong khoảng thời gian này.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp ngành may mặc ở tỉnh Tiền Giang (xin không nêu trên) dự báo, tháng 11 và 12 này, kim ngạch xuất khẩu của vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục gia tăng. Bởi, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động của ngành may mặc, da giày, thì đa phần chỉ mới khôi phục hoạt động sản xuất từ nửa cuối tháng 10-2021 đến nay. "Do đó, từ tháng 11 trở đi xuất khẩu mới gia tăng mạnh trở lại được", vị này dự báo.

Thực tế, tại tỉnh Tiền Giang, hàng chục doanh nghiệp FDI của ngành da giày, may mặc được địa phương này cho phép mở cửa trở lại từ đầu tháng 11-2021 khi các phương án phòng, chống dịch theo tình hình mới cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 được đảm bảo theo quy định.

Theo VCCI chi nhánh Cần Thơ, trong tháng 10-2021, các địa phương vùng ĐBSCL cũng thu hút được 7 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 40 triệu đô la Mỹ. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp thu hút được 2 dự án với tổng vốn  35,7 triệu đô la Mỹ; tỉnh Long An 2 dự án với tổng vốn 2,1 triệu đô la Mỹ; tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ mỗi địa phương thu hút được 1 dự án với tổng vốn đầu tư cũng bằng nhau là 0,9 triệu đô la Mỹ; tỉnh Trà Vinh thu hút được 1 dự án với tổng vốn là 0,3 triệu đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới