(KTSG Online) - Tháng trước, chính quyền thành phố Busan (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận với Công ty công nghệ xanh Oceanix (Mỹ) và Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) để triển khai dự án thành phố nổi trên biển, có tên gọi Oceanix City.
Dự án Oceanix City bao gồm các sàn nổi kết nối với nhau, sẽ tạo ra các cụm dân cư với tổng dân số 10.000 người. Nó được kỳ vọng cung cấp một giải pháp lâu dài để chống lại mối đe dọa mực nước biển dâng lên và các thảm họa thiên nhiên khác như sóng thần và siêu bão.
Thành phố nổi, giải pháp cho nguy cơ nước biển dâng
Dự án Oceanix City là sự hợp tác giữa các nhà thiết kế, kiến trúc sư, kỹ sư và được đề xuất từ năm 2019. Kể từ đó, các bên liên quan tìm kiếm một địa điểm để xây dựng các mô hình mẫu đầu tiên của dự án. Chính quyền thành phố Busan và các đối tác sẽ xây dựng mô hình mẫu của dự án Oceanix City ở ngoài khơi bờ biển Busan.
Thị trưởng Busan, ông Park Heong-joon hoan nghênh thỏa thuận này. Ông nói: "Với những thay đổi phức tạp mà các thành phố ven biển đang đối mặt, chúng ta cần một tầm nhìn mới, nơi con người, thiên nhiên và công nghệ có thể cùng tồn tại".
Giám đốc UN-Habitat Maimunah Mohd Sharif mô tả, Busan là địa điểm "lý tưởng" để xây dựng mô hình mẫu của dự án Oceanix City. Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Các thành phố nổi bền vững là một phần của các chiến lược thích ứng với khí hậu có thể sẵn sàng triển khai đối với chúng ta. Thay vì chống chọi với nước biển đang dâng lên, chúng ta hãy học cách sống hòa hợp với điều này”.
Được đúc sẵn ở các nhà máy và sau đó được kéo vào vị trí và neo vào đáy biển, các sàn nổi hình lục giác của dự án Oceanix City có thể trồi lên và hạ xuống theo mực nước biển. Mỗi cụm dân cư ở thành phố nổi này có diện tích 20.200 mét vuông, được thiết kế để có thể làm nơi sinh sống cho 300 người trong các tòa nhà cao tới 7 tầng. Cuối cùng, các cụm dân cư này này được kết nối thành mạng lưới lớn hơn thông qua các lối đi bộ và đường dành cho xe đạp.
Theo Công ty kiến trúc Bjarke Ingels Group (Đan Mạch), đơn vị thiết kế của dự án, các cụm dân cư này có thể tập trung quanh một bến cảng lớn để tạo thành những ngôi làng lớn hơn với 1.650 người sinh sống. Trên lý thuyết, những ngôi làng này có thể liên kết lại để hình thành một thành phố có 10.000 dân sinh sống, với đầy đủ mọi tiện ích từ các nhà hàng cho đến không gian làm việc chung, cơ sở giải trí và các nông trại đô thị.
Các cụm dân cư của Oceanix City có thể tự sản xuất lương thực và năng lượng trong "các hệ thống khép kín không chất thải". Chúng sẽ được thiết kế với các nông trại cộng đồng, các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây theo phương pháp thủy canh và các trang trại hải sản ở các vùng biển xung quanh. Trong các cụm dân này sẽ không có bất cứ xe tải chở rác nào. Thay vào đó, các ống hơi khí nén sẽ vận chuyển rác đến một trạm phân loại rác, nơi rác được phân loại để tái sử dụng.
Trong khi đó, các sàn nổi không có người sinh sống có thể được sử dụng làm nơi đặt hệ thống tuabin gió và tấm pin mặt trời nổi, hoặc được sử dụng để trồng tre để có nguồn vật liệu xây dựng cho các tòa nhà mới.
Dự án thành phố nổi Oceanix City cũng tính đến việc sản xuất nước ngọt, với các nhà máy xử lý nước cũng như hệ thống thu gom và lưu trữ nước mưa tại chỗ. Các kiến trúc sư của Bjarke Ingels Group cũng đặt ra tầm nhìn về việc sử dụng các phương tiện vận chuyển chạy điện, từ taxi cánh ngầm cho đến phà chạy bằng năng lượng mặt trời, để giúp kết nối các cụm dân cư của thành phố nổi Oceanix City cũng như kết nối với đất liền.
Itai Madamombe, người đồng sáng lập Oceanix, cho biết mô hình mẫu của cụm dân cư nổi đầu tiên ở Busan sẽ hoàn thành với những người dân sống trên đó vào năm 2025. Bà cho biết thêm thêm rằng Oceanix đang thảo luận với 10 chính phủ khác để triển khai công nghệ thành phố nổi như ở Busan.
Bờ biển phía nam của Hàn Quốc, nơi thành phố Busan tọa lạc, đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu bao gồm hiện tượng mực nước biển dâng cao. Năm ngoái, Tổ chức Hòa bình xanh Hàn Quốc cảnh báo rằng bãi biển Haeundae nổi tiếng của Busan có thể biến mất vào năm 2030 do bị chìm ngập khi nước biển dâng lên.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thành phố Busan chịu thiệt hại do lũ lụt tồi tệ hơn bất kỳ nơi nào khác ở Hàn Quốc trong 10 năm qua, tính đến năm 2020.
Theo CNN
Good News. Thuận thiên chính là những mô hình như thế này. Hà Lan, một đất nước nổi tiếng với những công trình trị thủy để có thể “sống chìm” dưới nước. Nhưng giờ đây họ đã tỉnh ngộ, bắt đầu chuyển sang thời kỳ mới bằng cách phá bỏ những công trình “chống nước’ chuyển sang “giữ và tích” nước. Nên sớm học hỏi ngay.