Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thành phố nổi, giải pháp cho nguy cơ nước biển dâng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thành phố nổi, giải pháp cho nguy cơ nước biển dâng

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Liên hợp quốc (LHQ) vừa lên tiếng ủng hộ đề án xây dựng thành phố nổi chi phí rẻ, có thể giúp người dân ở các thành phố lớn ven biển ứng phó nguy cơ mực nước biển dâng trong tương lai cũng như có thể chống chọi các thảm họa thiên nhiên bao gồm các siêu bão.

Miền Tây trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm

20% diện tích TPHCM bị ngập nếu nước biển dâng 1 mét

Thành phố nổi, giải pháp cho nguy cơ nước biển dâng
Thành phố nổi Oceanix City là một tập hợp các mô-đun nổi hình lục giác có diện tích 1,8ha, được neo vào đáy biển, đủ sức chứa 300 cư dân và nằm cách bờ biển khoảng 1,6km. Ảnh: Oceanix

Thành phố 10.000 dân sống trên các mô-đun nổi

Tại một hội nghị bàn tròn ở New York do Chương trình Định cư con người LHQ (UN-Habitat) tổ chức hôm 3-4, Công ty xây dựng các kiến trúc nổi Oceanix (Mỹ), Công ty kiến trúc Bjarke Ingels Group (Đan Mạch) và Trung tâm Kỹ thuật đại dương của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã đề xuất đề án xây dựng thành phố nổi có tên gọi Oceanix City.

Kết cấu của thành phố nổi Oceanix City được thiết kế để có thể chống chọi lại mọi thảm họa thiên tai bao gồm sóng thần và siêu bão cấp 5 (có sức gió từ 250km/giờ trở lên). Đề án này là một phần của Chương trình đô thị mới của UN-Habitat.

Bjarke Ingels, người sáng lập công ty Bjarke Ingels Group đồng thời là kiến trúc sư đứng đầu đề án Oceanix City cho biết thành phố nổi Oceanix City về cơ bản là một tập hợp các mô-đun nổi hình lục giác có diện tích 1,8ha, được neo vào đáy biển, đủ sức chứa 300 cư dân và nằm cách bờ biển khoảng 1,6km.

Kết cấu hình lục giác được xem là một trong những kết cấu vững chắc nhất, tương tự như kết cấu của tổ ong. Các nhà thiết kế sẽ tập hợp sáu mô-đun nổi như vậy vào thành một “ngôi làng”. Một thành phố nổi sẽ bao gồm sáu “ngôi làng” với tổng dân số 10.000 người.

Các ngôi làng này sẽ không cho phép các xe cộ hoạt động và cũng sẽ không có bất cứ xe tải chở rác nào. Thay vào đó, các ống hơi khí nén sẽ vận chuyển rác đến một trạm phân loại rác, nơi rác được phân loại để tái sử dụng.
Tuy nhiên, thành phố nổi Oceanix City có thể cho phép xe không người lái hoạt động và có thể thử nghiệm các công nghệ mới như giao hàng bằng máy bay không người lái (drone).

Công ty Bjarke Ingels Group cho rằng với 90% thành phố lớn của thế giới dễ tổn thương trước tình trạng ngập lụt khi băng hà tan chảy và nước biển dâng do nhiệt độ trái đất ấm dần lên vào năm 2050, các mô-đun nổi được neo vào đáy biển có thể kết nối với nhau sẽ là giải pháp cung cấp nơi cư trú trên các đại dương cho các cộng đồng.

Nhà cửa sẽ làm bằng gỗ và tre

Đề án Oceanix City chỉ cho phép xây dựng các tòa nhà cao nhất là từ bốn đến bảy tầng với các kết cấu làm bằng các vật liệu bền vững như gỗ và tre.

Phối cảnh quanh cảnh đường phố của thành phố nổi Oceanix City theo phong cách châu Á. Ảnh: Oceanix

Ngoài các nhà cửa dân sinh, thành phố sẽ còn có một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo, một trung tâm văn hóa và một thư viện cộng đồng, nơi người dân có thể thuê sách, máy tính cũng như xe đạp. Đề án Oceanix City kêu gọi “canh tác đại dương” (ocean farming), tức trồng thực phẩm bên dưới mặt nước biển.

Các lồng ở bên dưới các nền tảng lục giác nổi có thể nuôi trồng sò điệp, trai, hàu, tảo bẹ… Các hệ thống aquaponic sẽ sử dụng chất thải từ cá để bón cho cây trồng. Aquaponic là một hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường với thủy canh trong một môi trường cộng sinh.

Trong khi đó, các nông trại thẳng đứng (trồng cây trong các khay được xếp theo chiều thẳng đứng và thường không cần sử dụng đất và ánh sáng tự nhiên) sẽ cung cấp nông sản quanh năm cho các người dân sống trên thành phố nổi Oceanix City.

Tất cả các công nghệ này có thể giúp Oceanix City tự cung tự cấp trong suốt thời gian thành phố hứng chịu một thảm họa thiên nhiên. Đề án Oceanix City cũng có thể bao gồm một hệ thống thu nước sạch từ không khí.

UN-Habitat sẽ phối hợp với công ty Oceanix, Trung tâm kỹ thuật đại dương của Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) và The Explorers Club, một tổ chức thúc đẩy nghiên cứu hiện trường và khám phá khoa học có trụ sở ở New York, để thúc đẩy đề án.

Liên minh này đang lên kế hoạch xây dựng một mô hình thử nghiệm thành phố nổi Oceanix City trong vài tháng tới ở sông Đông, cạnh trụ sở LHQ ở New York. Mô hình thử nghiệm sẽ hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp thực phẩm và năng lượng.

Rào cản tâm lý

Dĩ nhiên, không phải ai cũng muốn sống trên nước nhưng đối với những người không đủ sức thuê nhà ở giá cao ở các thành phố lớn và những người muốn sống ở một môi trường ít bị tổn thương trước các thảm họa thiên tai, thành phố nổi Oceanix City sẽ là sự lựa chọn đáng cân nhắc của họ.

Đề án Oceanix City chỉ cho phép xây dựng các tòa nhà cao nhất là từ bốn đến bảy tầng với các kết cấu làm bằng các vật liệu bền vững như gỗ và tre. Ảnh: Oceanix

Thực hiện đề án thành phố nổi là điều khó khăn nhưng trong tầm khả năng của con người. Nó giống như việc đưa các nhà du hành vũ trụ lên mặt trăng.

“Tôi thấy trên nhiều phương diện, đề án giống như cuộc diễn tập hạ cánh trên mặt trăng của tàu vũ trụ Apollo 10”, Victor Kisob, Phó Giám đốc UN-Habitat, nói.

Các tác giả của đề án Oceanix City nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của dự án là ứng phó nguy cơ nước biển dâng đang đe dọa các cộng đồng dân cư sống ven biển. Họ tin rằng dự án này không vấp phải các thách thức công nghệ nhưng sẽ đối mặt với tâm lý nghi ngại.

Marc Collins Chen, Giám đốc điều hành Oceanix, nói: “Vấn đề lớn nhất trong tâm trí của mọi người là liệu những thành phố như thế này có thực sự nổi được hay không”.

Richard Wiese, Chủ tịch The Explorers Club, nói: “Rào cản lớn nhất vào thời điểm này là tâm lý chứ không phải kỹ thuật. Mọi người thường có tâm lý lo lắng với khái niệm thành phố nổi. Khi tôi nói với vợ tôi về khái niệm này, phản ứng tức thời của cô ấy là không thích ý tưởng về một thành phố có thể bị trôi dạt”.

Tuy nhiên, công ty Oceanix tin rằng đề án thành phố nổi sẽ giải quyết được hai vấn đề cơ bản: tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ nghiêm trọng và mối đe dọa mực nước biển dâng cao.

Marc Collins Chen, Giám đốc điều hành Oceanix, cho biết thành phố nổi Oceanix City sẽ được phát triển bền vững, an toàn với chi phí thấp, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Đại hội đồng LHQ.

Maimunah Mohd Sharif, Giám đốc UN-Habitat, nói LHQ sẽ ủng hộ và chủ trì dẫn dắt đề án này đi đến kết quả. Bà cho rằng khi biến đổi khí hậu diễn tiến nhanh và ngày càng có nhiều người dân co cụm vào các khu ổ chuột thì thành phố nổi là một trong những giải pháp khả dĩ.

Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed nhận định các thành phố nổi là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vì các tòa nhà có thể “dâng lên” cùng với mực nước biển. Bà gợi ý nên sử dụng nguồn gió và sóng để cung cấp năng lượng cho TP. Oceanix City.

Vì Oceanix City là thành phố nổi nên các mô-đun để tạo nên thành phố này thực sự được neo xuống đáy biển và có thể kéo đi đến những khu vực biển an toàn trong trường hợp các thảm họa nhiên nhiên lớn xảy ra.

Các mô-đun nổi này sẽ được gia cố bằng đá sinh học (biorock) hay còn gọi là bê tông biển, một loại vật liệu được tạo ra bằng cách cho dòng điện một chiều công suất thấp chạy qua một kết cấu để giúp tích tụ khoáng chất trong nước biển.

Kết cấu này sẽ dần được vôi hóa bề mặt và có độ cứng gấp ba lần bê tông nhưng vẫn có thể nổi. Kết cấu này sẽ ngày càng cứng cáp và thậm chí có thể tự “phục hồi” chừng nào còn được kết nối với dòng điện. Điều này cho phép kết cấu có thể chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Theo dunyanews.tv, BBC, Reuters

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới