Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn ngoại có trở lại thị trường trong năm nay?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhà đầu tư ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng trong năm 2021 với giá trị khoảng 2,7 tỉ đô la Mỹ. Vốn ngoại được kỳ vọng trở lại trong năm nay trong bối cảnh triển vọng thị trường tích cực cùng khả năng nâng hạng, mở room ngoại.

Theo báo cáo cập nhật dòng vốn nước ngoài của Công ty chứng khoán SSI, trong tháng 12, khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ 5 liên tiếp với tổng giá trị 4.920 tỉ đồng, giảm 44,7% so với tháng 11.  Tổng lượng bán ròng trong năm 2021 là 62.600 tỉ đồng, trong đó tháng 3 và tháng 5 là 2 tháng ghi nhận mức bán ròng cao nhất.

Thị trường chứng khoán liên tục phá kỷ lục trong năm ngoái nhưng khối ngoại vẫn rút ròng kỷ lục.

SSI cũng đánh giá các giao dịch quỹ ETF khá mờ nhạt với thanh khoản thấp, các quỹ ngoại đều bị bán ròng. Điểm tích cực là dòng tiền từ các quỹ chủ động đảo chiều trong tháng 12 sau gần 1 năm bán ròng liên tục. Dù vậy, lũy kế cả năm thì các quỹ chủ động cũng ở trong trạng thái rút ròng khoảng 6.900 tỉ đồng.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trong bối cảnh giá trị giao dịch của khối ngoại ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng giao dịch toàn thị trường. Theo báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 12 đạt trên 60.714 tỉ đồng, chỉ chiếm 4,87% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Trong khi đó, gtỷ lệ này thường ở mức gần 20% trong giai đoạn trước năm 2020.

Theo Công ty chứng khoán KB (KBSV), khối ngoại đẩy mạnh xu hướng bán ròng trong hai năm gần đây vì yếu tố quốc tế. Cụ thể là xu hướng rút ròng ở hàng loạt các thị trường cận biên, mới nổi và chảy vào các thị trường phát triển do nền kinh tế suy yếu dưới tác động của Covid-19, áp lực từ việc đẩy nhanh chính sách thắt chặt của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, áp lực bán của khối ngoại còn đến từ việc áp lực chốt lời gia tăng khi thị trường tăng mạnh từ vùng đáy vào đầu quí 2-2020.

Mặt khác, theo đánh giá của SSI, vấn đề còn nằm ở chỗ hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng và bị giới hạn về sở hữu nước ngoài, thiếu vắng những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu toàn cầu trong năm 2021 đa số đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt đỉnh, đồng nghĩa với việc dòng vốn vào Việt Nam gặp nhiều cạnh tranh hơn.

Theo KBSV, khó có khả năng khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong năm 2022 khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì, đặc biệt trong bối cảnh các nước phát triển đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ dưới áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, SSI lại kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại, đặc biệt là các quỹ ETF, trong bối cảnh triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay vẫn được đánh giá là tích cực và xu hướng chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam và thế giới là khác nhau.

Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ thị trường trong kịch bản lạc quan là chuyện nâng cấp công nghệ của sàn giao dịch (triển khai T0, mô hình bù trừ thanh toán trung tâm,…), và khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9-2022, quá trình thoái vốn cổ phần hoá sôi động trở lại và chuyện mở room ngoại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới