(KTSG Online) - Hôm nay (18-1), Tổng cục Du lịch, Ban IV, TAB và một số đơn vị liên quan công bố Chỉ số cạnh tranh Du lịch Việt Nam 2021. Trong số 15 tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch được đánh giá về chỉ số này, Đà Nẵng xếp hạng nhất, TPHCM đứng thứ tám.
- Chuẩn bị trình Thủ tướng việc mở cửa du lịch hoàn toàn vào ngày 30-4 tới
- Tham khảo ý kiến đơn vị nghiên cứu kinh tế tư nhân trong kế hoạch phục hồi, mở cửa du lịch
- Thêm một tỉnh đề xuất được đón khách du lịch quốc tế
Theo kết quả được công bố vào chiều nay, thứ hạng cạnh tranh du lịch của 15 địa phương được xếp theo thứ tự là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Quảng Bình, TPHCM, Kiên Giang, Ninh Bình, Bình Định, Lâm Đồng, Lào Cai, Bình Thuận và Cần Thơ.
Các địa phương được đánh giá, so sánh trên các trụ cột, gồm môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, sức khỏe và vệ sinh, nhân lực và lao động du lịch, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin, mức độ ưu tiên cho du lịch, sức cạnh tranh về giá.
Thêm vào đó là tính bền vững về môi trường, hạ tầng giao thông du lịch, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa.
Theo Kai Partale, chuyên gia marketing du lịch và phát triển vùng, dự án EU, Đà Nẵng được xếp hạng cao là nhờ đạt chỉ số cao về an toàn an ninh, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ sẵn sàng cho công nghệ thông tin, có tính bền vững cao, hạ tầng - giao thông tốt vì có thể tiếp cận đường hàng không.
Về TPHCM, theo so sánh, phân hạng của dự án này, thành phố có khả năng cạnh tranh cao về mức độ sẵn sàng cho công nghệ thông tin, sức cạnh tranh về giá, tính bền vững về môi trường, hạ tầng dịch vụ du lịch và tài nguyên văn hóa.
Tuy nhiên, TPHCM lại có khả năng cạnh tranh thấp trong nhiều tiêu chí, gồm môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, nhân lực và lao động du lịch, mức độ ưu tiên cho du lịch, hạ tầng giao thông du lịch và tài nguyên tự nhiên.
Chỉ số Cạnh tranh Du lịch Việt Nam 2021 là kết quả của Dự án hỗ trợ Hội đồng Tư vấn Du lịch xây dựng Quỹ phát triển Du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến do Phái đoàn Liên Minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ.
Dự án được thực hiện từ tháng 2-2019 đến tháng 1-2022, với mục tiêu xây dựng các kiến nghị về quản lý, vận hành Quỹ phát triển Du lịch và cơ cấu quản trị hiệu quả dựa trên quan hệ đối tác công - tư thông qua việc xây dựng, thí điểm mô hình chỉ số năng lực cạnh tranh xếp hạng các điểm đến du lịch.
Theo ông Partale, bộ chỉ số năng lực cạnh tranh giúp so sánh năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành Việt Nam nhằm để các nhà hoạch định chính sách có thêm thông tin tham khảo khi hoạch định phát triển ngành du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết 15 địa phương này đều những tỉnh, thành có thế mạnh vượt trội về du lịch. Trong đó, Hà Nội, TPHCM là hai đầu tàu để kết nối, phân tuyến du lịch, có lợi thế về du lịch MICE (du lịch kết hợp tham gia sự kiện) còn những địa phương khác lại có lợi thế về tài nguyên về văn hóa, lịch sử...
Sau kết quả đánh giá trên, các địa phương cần xem lại bộ tiêu chí đánh giá để thấy đâu là điểm mạnh, điểm yếu để có giải pháp căn cơ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh điểm đến.
Về năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung, chuyên gia của dự án trên cho biết, tính đến năm 2019, khi du lịch chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năng lực cạnh tranh của điểm đến đã tăng rõ rệt, nhờ vào những chính sách giảm thiểu tác động đến môi trường trong hoạt động du lịch và nới lỏng chính sách thị thực.