(KTSG Online) – Sau thời gian trì hoãn vì đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh cuối năm ngoái, Đà Nẵng bắt đầu khởi động các hợp phần của dự án đầu tư cảng Liên Chiểu, nằm trong quy hoạch trở thành cảng nước sâu đón tàu có trọng tải lớn và dần thay thế cảng Tiên Sa hiện hữu sẽ trở thành cảng chuyên đón tàu du lịch.
- Đầu tư cảng Liên Chiểu: Những thách thức trước mắt về kết nối hạ tầng
- Đà Nẵng phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp không có lưu trú
HĐND thành phố Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp 1, diện tích sử dụng đất 23,5 ha. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.203 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên làm chủ đầu tư kiêm điều hành, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 chuẩn bị đầu tư, giai đoạn 2022 - 2025 triển khai thực hiện.
Dự án nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập, kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi đường tránh Nam Hải Vân. Dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95 km, bao gồm nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700 m, mặt cắt ngang 30 m, quy mô sáu làn xe.
Dự án cũng có hai nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm một nút giao đầu tuyến với quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, một nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu.
Bên cạnh đó, đường vào Suối Lương sẽ được xây dựng hầm chui. Dự án cũng có hợp phần mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ vị trí cách đầu cầu Liên Chiểu khoảng 200 m về phía trung tâm thành phố) và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước có khẩu độ cống phù hợp với tính toán thủy văn, thủy lực…
Về đầu tư cảng Liên Chiểu, theo UBND thành phố Đà Nẵng, thành phố sẽ hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công các gói thầu dự án trong tháng 9-2022.
Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm xây dựng cảng ở một số địa phương, đề xuất hình thức đầu tư dự án bến khởi động để làm cơ sở triển khai các bước kêu gọi đầu tư. Trong đó, lưu ý xúc tiến các hãng tàu lớn trong nhóm 10 hoặc 15 hãng tàu lớn nhất thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng cảng Liên Chiểu.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3-2021. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã bố trí vốn trung ương 200 tỉ đồng.
Theo phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung. dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu góp phần tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu. Trong đó, giai đoạn đầu đáp ứng lượng hàng hóa thông qua cảng đến 5 triệu tấn/năm.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 3.426 tỉ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 hỗ trợ dự án là 2.994,59 tỉ đồng (vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án kết nối, có tác động liên vùng mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bên vững là 2.000 tỉ đồng; vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực là 994,59 tỉ đồng). Còn lại sử dụng vốn ngân sách địa phương của Đà Nẵng.
Quy mô của dự án gồm các hạng mục chính, như: kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Theo nghiên cứu của phía Nhật, cát ở vịnh Liên Chiểu là “cát sét” nên độ sâu cảng LC không phải là vấn đề vì nạo vét sâu cát vẫn giữ ổn định.
Hai việc cần làm ngay là: một, cải tạo QL 14D đường hẹp cầu yếu nên chạy như rùa bò, đây là phần duy nhất còn lại của hành lang kinh tế đông tây từ cảng Đà Nẵng – cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Q.Nam) – Lào – Băng Cốc – Ấn Độ Dương, nếu lên cao tốc càng tốc, về lâu dài sẽ là đường sắt xuyên núi cầu vượt núi; hai, làm ngay cao tốc bắc – nam nhánh tây đường 14B/HCM đoạn đèo Lò Xo nguy hiểm.
Đã làm thì nên làm tới nơi tới chốn, chuẩn hóa. Không chắp vá, không tới đầu tới đuôi, tốn kém mà không phát huy hiệu quả. Tránh lặp lại tình trạng như đường “cao tốc” nhưng lại không có làn an toàn? Cần phải đặt cảng LC trên tầm quốc tế hóa, chứ không thể là địa phương/ khu vực hóa thì mới phát triển lâu dài được.