Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mối đe dọa kép cho các ngân hàng trung ương: tăng trưởng chậm, lạm phát cao

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc chiến ở Ukraine đang đặt các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á, vào tình thế khó khăn: kiềm chế lạm phát nhưng không gây đổ vỡ cho nền kinh tế.

Giới lãnh đạo của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới ghi nhận cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã làm gia tăng trạng thái không chắc chắn mà họ phải đối mặt giữa lúc họ tìm cách kiềm chế đà tăng giá cả tiêu dùng mà không chặn đứng đà phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Nếu tích cực sử dụng các công cụ chính sách để hạ nhiệt lạm phát, họ sẽ đối mặt với rủi ro bóp nghẹt nền kinh tế và đẩy tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Khách thanh toán tiền mua trái cây ở một khu chợ tại Nice, Pháp. Lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong tháng 2 tăng 5,9%, cao gấp 3 lần so với mức lạm phát mục tiêu 2% của ECB. Ảnh: China Daily

Anh, Mỹ quyết liệt chống lạm phát

Hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã quyết liệt hành động hạ nhiệt lạm phát bằng một loạt các quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng với các mẫu hình chính sách kinh tế trước đây ít còn phù hợp trong môi trường hiện tại, họ đang phải dò dẫm hướng đi, thay vì đặt ra một lộ trình rõ ràng.

Klaas Knot, nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và là Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan, cảnh báo: “Chúng ta chắc chắn đang đối mặt với một môi trường rất phức tạp và không chắc chắn. Điều quan trọng của một ngân hàng trung ương lúc này là không làm tăng thêm tình trạng không chắc chắn”.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cuộc chiến ở Ukraine có khả năng làm giảm hơn 1 điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời đẩy lạm phát lên thêm 2,5 điểm phần trăm trên toàn thế giới.

Panicos Demetriades, cựu quan chức của ECB, nói: “Các ngân hàng trung ương cần hành động chống lạm phát nhưng họ phải làm gì để ứng phó đà tăng trưởng đang chậm lại? Họ không thể giải quyết hai vấn đề này cùng một lúc”.

Hồi giữa tháng này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và lên kế hoạch cho 6 đợt tăng nữa trong thời gian còn lại của năm nay, tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong hơn 15 năm qua sau khi lạm phát của Mỹ leo lên mức 7,9% trong tháng 2, cao nhất trong 40 năm qua. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì phải làm để hạ nhiệt lạm phát.

Một số nhà đầu tư vẫn hoài nghi khả năng Fed sẵn sàng hành động mạnh mẽ để giảm lạm phát. "Chúng tôi nghĩ rằng một khi lạm phát bắt đầu sôi trào, Fed cuối cùng sẽ chọn sống chung với mức lạm phát cao hơn một chút so với mục tiêu 2%/năm, thay vì ghìm lạm phát xuống dưới mức 2%, có thể gây tổn thất lớn cho hoạt động kinh tế và thị trường lao động”, Elga Bartsch, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế tại Công ty quản lý tài sản BlackRock, nói.

Theo Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn Capital Economics, trong số 16 đợt tăng lãi suất kể từ cuối những năm của thập niên 1970, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất ở Mỹ, Anh và khu vực đồng sử dụng đồng euro đã có đến 13 đợt tăng đã kết thúc với nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Hôm 17-3, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất cơ bản lần thứ 3 kể từ tháng 12 năm ngoái sau khi dự báo lạm phát của Anh có thể tăng lên mức đỉnh 8% vào quý 2 năm nay do một phần tác động của chiến sự tại Ukraine.

BoE thừa nhận rằng thu nhập của các hộ gia đình ở Anh sẽ bị siết chặt hơn nữa do giá năng lượng cao hơn, nhưng cho biết cần phải tập trung vào việc kiềm chế lạm phát.

Châu Âu đối mặt nguy cơ lạm phát đình trệ

Đầu tháng này, ECB bất ngờ tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào tháng 9 tới, mở đường cho khả năng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu đang phải đối mặt với một lựa chọn đặc biệt khó khăn do triển vọng kinh tế châu Âu sa sút nhanh chóng vì khu vực này có vị trí địa lý gần với điểm nóng Ukraine và phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu ngày càng đắt đỏ phần lớn đến từ Nga.

Giá cả năng lượng ở châu Âu tăng mạnh trong thời gian gần đây đã đẩy chi phí năng lượng của khu vực này tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội lên mức cao hơn so với những năm đầu của thập niên 1970, theo ước tính của BlackRock.

Lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong tháng 2 tăng 5,9%, cao gấp 3 lần so với mức lạm phát mục tiêu 2% của ECB. Các ngân hàng trung ương khác lo lắng hơn về đà tăng trưởng chậm lại của khu vực eurozone vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Yannis Stournaras, nhà hoạch định chính sách của ECB và là Thống đốc ngân hàng trung ương Hy Lạp, cho biết cuộc chiến ở Ukraine sẽ đẩy lạm phát lên cao trong ngắn hạn, nhưng cũng làm suy giảm các hoạt động kinh tế, do đó, gây sức ép lạm phát trong trung hạn.

Katharine Neiss, cựu chuyên gia kinh tế của BoE, nói: “Không có một cẩm nang nào có sẵn để các ngân hàng trung ương tham khảo. Tôi lo ngại tăng trưởng của châu Âu chậm lại trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Đó là một viễn cảnh của hiện tượng lạm phát đình trệ (stagflation)”.

Các ngân hàng trung ương đã nhiều lần bị bất ngờ bởi đà tăng của lạm phát. Tại cuộc họp đầu tháng 2, các nhà hoạch định chính sách của ECB đã tranh luận về những sai sót gần đây trong công tác dự báo của đội ngũ chuyên gia kinh tế ở ngân hàng này.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo, Robert Holzmann, nhà hoạch định chính sách của ECB, nói: “Với tình hình cực kỳ không chắc chắn hiện nay, hành động khôn ngoan lúc này là phải duy trì tâm thế cởi mở và chờ xem mọi thứ diễn ra như thế nào”.

Châu Á rục rịch tăng lãi suất

Các ngân hàng trung ương ở Hàn Quốc, New Zealand và Singapore đã bắt đầu tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát và phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong thời gian tới. Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã quyết định giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp trong tháng 3, nhưng giới đầu tư dự báo RBA sẽ tăng chi phí vay trong vài tháng tới.

Hồi giữa tháng 3, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đã tăng lãi suất để duy trì tỷ giá giữa đồng đô la Hồng Kông và đồng đô la Mỹ. Ngân hàng trung ương Đài Loan cũng đã tăng lãi suất trong tháng này để ứng phó lạm phát và động thái tăng lãi suất của Fed.

Các ngân hàng trung ương khác ở châu Á có thể chịu sức ép thắt chặt chính sách ngay cả khi nền kinh tế của họ suy yếu. Philippines và Ấn Độ đang vật lộn với mức lạm phát tăng nhanh và dự báo triển vọng tăng trưởng ảm đạm hơn. Thái Lan cũng đang đối mặt với lạm phát gia tăng khi các kỳ vọng cải thiện doanh thu du lịch nhờ du khách từ Nga và Trung Quốc tan biến. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn hạ dự báo tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2022 từ 3,9% xuống mức 2,5% do tác động của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine có thể kéo dài dai dẳng trong suốt năm nay. Trung tâm này dự báo lạm phát của Thái Lan có thể tăng lên mức 4,5%, và sẽ gây áp lực lên Ngân hàng trung ương Thái Lan, vốn vẫn đang duy trì mức lãi suất 0,5% kể từ tháng 5-2020.

Tại Ấn Độ, lạm phát đã vượt quá mức mục tiêu 6% của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) trong hai tháng liên tiếp. Hiện tại, các quan chức RBI cho biết họ tập trung hơn vào rủi ro đối với tăng trưởng hơn là lạm phát.

Chiến tranh, các lệnh trừng phạt và rủi ro thị trường tài chính hỗn loạn có nghĩa là “nền kinh tế toàn cầu đang bị kéo đến bờ vực thẳm”, Michael Debabrata Patra, Phó thống đốc RBI, nói trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 3.

Nhưng ở một số nơi khác ở châu Á, các ngân hàng trung ương cảm thấy ít áp lực hơn trong việc tăng lãi suất. Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, có thể sẽ không thắt chặt chính sách tiền tệ sớm. Lạm phát ở hai nước này vẫn ở mức thấp, cho phép ngân hàng trung ương của họ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo Wall Street Journal

1 BÌNH LUẬN

  1. Tăng trưởng chậm, lạm phát cao không chỉ là đòn roi, mà còn là món quà đặc ân mà Thượng đế muốn gởi gắm đến nhân loại, nhất là đối với giới tinh hoa, các chính trị gia và kinh tế gia, những người lâu nay chỉ biết hoạch định chính sách theo kiểu “tra tấn/ hành hạ” môi trường, khí hậu, đang dần phá hủy hệ sinh thái quả đất. Có nhiều phân tích tính toán có căn cứ khoa học rằng, với sản lượng GDP hiện nay, đủ nuôi sống gấp 3 lần nhu cầu phổ thông của loài người. Vì vậy, thực ra không có gì phải lo lắng, mà chỉ rất tiếc là tại sao ta lại chậm nhận thức vấn đề như vậy ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới