Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xung đột Nga – Ukraine gia tăng áp lực lên kinh tế châu Âu

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đang lan rộng khắp các nền kinh tế châu Âu, gây sức ép lớn lên chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng.

Sức ép từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng

Mặc dù ở cách Ukraine hơn 2.700 ki lô mét, bà Isabelle Leballeur - một chủ trang trại tại Sarthe, Pháp, vẫn có thể cảm nhận rất rõ tác động từ cuộc xung đột đang làm rung chuyển châu Âu. Giao tranh đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nhiều loại ngũ cốc từ Nga và Ukraine - những trung tâm nông nghiệp lớn, khiến giá cả leo thang, gây khó khăn cho hoạt động chăn nuôi của bà.

Bà Isabelle Leballeur - chủ trang trại tại Sarthe, Pháp đối mặt với áp lực giá cả leo thang do cuộc xung đột tại Ukraine.Nguồn: AP

“Các loại vật nuôi của chúng tôi ăn nhiều ngũ cốc: lúa mì, bắp, hạt cải, hạt hướng dương, và giá của các sản phẩm này đã liên tục tăng trong suốt 15 tháng qua. Cuộc khủng hoảng Ukraine càng khiến mọi thứ đắt đỏ hơn, từ 170 euro/tấn lên 350 euro/tấn”, bà Leballeur cho biết.

Cách đó 15 ki lô mét, tại Chemire Le Gaudin, ông Philippe Dutertre - chủ một trang trại khác cũng không khỏi lo ngại về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Ý, nơi những người chăn nuôi đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thức ăn cho gia súc, sau khi chuỗi cung ứng từ Ukraine đứt đoạn vì giao tranh. Hiệp hội chăn nuôi Assalzoo cảnh báo, lượng nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Ý sẽ chỉ đủ dùng trong chưa đầy một tháng, trong khi các nguồn cung thay thế từ các thị trường khác sẽ đòi hỏi khoảng thời gian chờ đợi từ 5-8 tuần.

Các ngành sản xuất công nghiệp cũng phải hứng chịu sức ép tương tự, khi xung đột tại Ukraine không chỉ làm gia tăng giá nguyên liệu thô, năng lượng, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Điều này buộc các nhà máy phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế trong ngắn hạn. Đây được coi là một nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi các dữ liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, trong năm 2021, EU nhập khoảng 32,6% khí đốt, 26% dầu mỏ và 44,9% than từ Nga. Sự phụ thuộc về mặt nguyên liệu thô cũng rất lớn, với 29% lượng thép nhập khẩu là từ Ukraine và hơn 81% nickel là từ Nga.

Các hãng xe như Volkswagen chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột tại Ukraine. Nguồn: Reuters

S&P Global cho biết, các nhà sản xuất ô tô của châu Âu là một trong số các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong những tuần đầu của cuộc chiến. Xung đột đã gây ra tình trạng thiếu hụt một số phụ tùng được sản xuất tại Ukraine, dẫn đến việc ngừng sản xuất tại một số nhà máy của Volkswagen, BMW và Renault trên khắp châu Âu.

Những sự đứt gãy này, đang khiến các doanh nghiệp tại Eurozone phải đối mặt với mức tăng chi phí mạnh nhất kể từ khi các số liệu này được khảo sát hồi năm 1998. Cụ thể, chỉ số đo lường chi phí đã tăng từ mức 74,8 hồi tháng 2 lên 81,6 trong tháng 3 - cao hơn mức cao kỷ lục trước đó là 76 được thiết lập hồi tháng 11-2021.

Để ứng phó với tình trạng này, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải đẩy quả bóng chi phí sang phía người tiêu dùng. Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global dự báo “Chiến tranh đã làm trầm trọng thêm áp lực giá cả liên quan đến đại dịch, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn trong những tháng tới”.

Bầu không khí lo lắng bao trùm

Trước áp lực giá cả tăng cao từ cuộc xung đột Ukraine, kinh tế châu Âu đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu giảm tốc đầu tiên. Theo công ty dữ liệu S&P Global, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - thước đo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đạt mức 54,5 điểm trong tháng 3. Kết quả này vẫn cao hơn so với mức dự báo 53,9 của giới chuyên gia và ở trên ngưỡng 50 điểm - ngưỡng xác nhận sự mở rộng hoặc thu hẹp của hoạt động kinh tế, nhưng lại giảm nhẹ so với mức 55,5 của tháng 2.

Theo WSJ, việc các nước châu Âu tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế thời đại dịch đối với ngành dịch vụ đã góp phần làm dịu bớt tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tác động tích cực này sẽ dần mất đi, trong khi xung đột gia tăng sẽ dẫn tới chi phí năng lượng cao hơn, đẩy giá tiêu dùng leo thang và ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Nỗi lo ngại hiện đang bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế. Khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Ifo (Đức) cho thấy, chỉ số môi trường kinh doanh tại nền kinh tế số 1 châu Âu đã giảm từ mức 98,5 của tháng 2 xuống còn 90,8 trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với dự kiến của giới chuyên gia. Chủ tịch Ifo, ông Clemens Fuest nhận định “mặc dù tình hình của các doanh nghiệp vẫn tương đối ổn, nhưng kỳ vọng cho những tháng tới đã xấu đi đáng kể”.

Cuộc xung đột cũng giáng một đòn mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng Eurozone. Kết quả khảo sát được EC công bố hồi tuần trước cho thấy, tâm lý người tiêu dùng châu Âu đã suy giảm trong giai đoạn đầu tháng 3, xuống mức tương đương với thời điểm đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.

Kịch bản nào cho kinh tế châu Âu

Các chuyên gia hiện đang đưa ra những đánh giá khác nhau về tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine đối với nền kinh tế châu Âu.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển hôm 24-3 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay từ mức 3,6% xuống còn 2,6% do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Trong đó, Eurozone là một trong những khu vực ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất, với mức tăng trưởng được dự báo chỉ đạt 1,7% - bằng một nửa so với dự kiến đưa ra trước đây.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại tỏ ra lạc quan hơn, khi chỉ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm 2022 từ mức 4,2% xuống 3,7%, với giả định rằng sự gián đoạn nguồn cung năng lượng và suy giảm niềm tin hiện nay chỉ mang tính tạm thời, và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Phát biểu trước báo giới hôm 21-3, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn đánh giá thấp khả năng xảy ra đình lạm - hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi tỷ lệ lạm phát ở mức cao, tại Eurozone. Bà nhấn mạnh với đà phục hồi kinh tế hiện nay, kinh tế khu vực có thể sẽ không bị chững lại trong năm 2022, cũng như trong năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, các chuyên gia của ECB cũng lưu ý rằng, thiệt hại do cuộc chiến tại Ukraine gây ra có thể lớn hơn nữa. Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga có thể khiến tăng trưởng kinh tế của khối chậm lại từ 2,3-2,5%.

Trong một kịch bản tồi tệ hơn cả, công ty tư vấn McKinsey dự báo, xung đột leo thang và một cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể khiến nền kinh tế châu Âu đối mặt với nhiều thách thức. Giá xăng sẽ tăng hơn gấp đôi trong khi tỷ lệ lạm phát vượt mức 7%. Điều này sẽ đẩy nền kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái trong các năm 2022 và 2023. Áp lực lạm phát sẽ chỉ lắng dịu vào giữa năm 2023, trong khi tăng trưởng và việc làm phải đến năm 2024 mới phục hồi hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì sự ổn định cho nền kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến đà tăng trưởng sẽ là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với ECB. Hồi đầu tháng 3, cơ quan này cho biết sẽ giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ trong ba tháng tới, và có thể kết thúc hoàn toàn chương trình này trong tháng 9, để kiềm chế tỷ lệ lạm phát vốn đã đạt mức 5,9% trong tháng 2. ECB cũng tuyên bố, có thể tăng lãi suất cơ bản “một thời gian” sau khi ngừng việc mua trái phiếu.

Các nhà hoạch định chính sách tại ECB cũng nhấn mạnh rằng, họ sẽ linh hoạt trong việc phản ứng với những diễn biến kinh tế trong những tháng tới, thay vì tuân thủ chặt chẽ theo một lộ trình đã định trước. “Tình hình bất ổn hiện nay đồng nghĩa với việc chúng ta cần thận trọng về mức độ chính xác trong các dự đoán về tình trạng tương lai của nền kinh tế”, Frank Elderson, chuyên gia của ECB cho biết.

Nguồn: WSJ, AP, Reuters, Business Insider, EU, Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới