Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phát triển kinh tế số tại TPHCM: các nhận định ban đầu

Trần Hùng Sơn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - TPHCM đã thông qua đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và chiếm 40% GRDP vào năm 2030. TPHCM thuộc nhóm ba địa phương dẫn đầu về chỉ số kinh tế số (thuộc Bộ Chỉ số chuyển đổi số - DTI). Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai” diễn ra từ ngày 14 đến 16-4-2022 nhằm tìm kiếm các mô hình, giải pháp, nguồn lực để hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả của thành phố, làm tiền đề cho phát triển kinh tế số.

Trong phạm vi bài viết này, người viết có một số đánh giá ban đầu về các yếu tố cấu thành kinh tế số của TPHCM thông qua chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và các yếu tố khác.

Hạ tầng số

Trong Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, hạ tầng số của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương được xếp hạng trên cơ sở tính trung bình cộng của (1) hạ tầng kỹ thuật (HTKT) hiện có, (2) hạ tầng nhân lực (HTNL) và (3) khả năng ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực chuyên môn. Bảng 1 cho thấy, xếp hạng chung về hạ tầng số của TPHCM mặc dù có giảm từ xếp hạng 2 (năm 2018) xuống hạng 5 (năm 2020) nhưng vẫn thuộc nhóm dẫn đầu trên toàn quốc.

Nhân lực số

Về hạ tầng nhân lực xã hội, TPHCM có lợi thế hơn các tỉnh về cung số lượng nguồn nhân lực được đào tạo qua nhiều nguồn khác nhau (tại chỗ, nhập cư, từ nước ngoài về và qua đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực và cơ cấu đào tạo vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế theo nhu cầu hiện tại (năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo của TPHCM là 37,3%, trong đó có 5,3% có trình độ sơ cấp; 3,6% có trình độ trung cấp; 5,1% có trình độ cao đẳng; 20,6% có trình độ đại học trở lên), chưa nói đến yêu cầu cho phát triển kinh tế số.

Việc xây dựng các chính sách liên quan đến việc phát triển kinh tế số vẫn còn những hạn chế, phương thức làm luật truyền thống không còn phù hợp. Do đó cần có những những thay đổi trong việc trong việc xây dựng chính sách theo tư duy của kinh tế số.

Hạ tầng nhân lực số của các cơ quan nhà nước được đánh giá dựa trên (1) tỷ lệ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, (2) tỷ lệ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, (3) tỷ lệ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có trình độ đại học; (4) tỷ lệ cán bộ được hướng dẫn về phần mềm nghiệp vụ, (5) tỷ lệ cán bộ được tập huấn về an toàn thông tin. Trong giai đoạn 2018-2020, TPHCM đã cải thiện trong xếp hạng về hạ tầng nhân lực số tại của các cơ quan nhà nước, xếp hạng 10 trong năm 2020, tuy nhiên tỷ lệ cán bộ được tập huấn về an toàn thông tin lại ở mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (bảng 2).

Thương mại điện tử

Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử năm 2021 (theo Hiệp hội Thương mại điện tử, 2021), cho thấy TPHCM tiếp tục dẫn đầu trong cả nước về phát triển thương mại điện tử (xếp hạng 1), Hà Nội xếp thứ 2 và Đà Nẵng xếp thứ 3. Xếp hạng này cho thấy sự vượt trội của TPHCM trong việc phát triển thương mại điện tử - một trong những trụ cột của kinh tế số - so với cả nước.

Dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến là một phần của chính phủ điện tử, xếp hạng dịch vụ công trực tuyến của TPHCM cho thấy TPHCM bị tụt hạng và hiện ở mức xếp hạng khá thấp (hạng 27 trong năm 2020). Chỉ số tổng hợp ở mức hơn 60%, điều này nghĩa là việc sử dụng các giao dịch trực tiếp vẫn còn nhiều.

Thể chế cho kinh tế số

Ngày 18-2-2022, TPHCM ban hành Quyết định 503/QĐ-UBND, theo đó đã phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Kế hoạch 593/KH-UBND ngày 28-2-2022 của TPHCM triển khai chương trình “Chuyển đổi số của TPHCM” và đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” với mục tiêu kinh tế số đóng góp 15% GRDP thành phố trong năm 2022. Dù thành phố đã có các chính sách phát triển kinh tế số trong thẩm quyền của mình, nhưng việc phát triển kinh tế số vẫn chịu sự chi phối của các quy định thể chế thuộc phạm vi quốc gia.

Xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, việc xây dựng các chính sách liên quan đến việc phát triển kinh tế số vẫn còn những hạn chế, phương thức làm luật truyền thống không còn phù hợp. Do đó cần có những những thay đổi trong việc xây dựng chính sách theo tư duy của kinh tế số.

Tóm lại, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế số đã đề ra, một số hàm ý về chính sách ban đầu cho TPHCM được đề xuất như sau:

Thứ nhất, nguồn nhân lực có kỹ năng số là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, và TPHCM đang gặp những thách thức cho phát triển nhân lực số, vì vậy cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực số. Với lợi thế là trung tâm khoa học, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, TPHCM có thể đặt hàng các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực số cho các ngành nghề ưu tiên phát triển kinh tế số, cũng như lực lượng lao động có trình độ, hiểu biết và thích ứng kỹ thuật số.

Thứ hai, phát triển kinh tế số, hạ tầng số cần cả khung pháp lý và nguồn lực. Khung pháp lý là các quy định thể chế cho phát triển kinh tế số thuộc phạm vi quốc gia, do vậy cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo tư duy kinh tế số và TPHCM có thể tiên phong trong việc thực hiện các chương trình mang tính đột phá giúp hoàn thiện thể chế ở tầm quốc gia. Trong thẩm quyền của mình, TPHCM cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng với các quy định thu hút các nguồn lực vào các dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng các dịch vụ công.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới