(KTSG Online) – Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiệm kỳ III năm 2016-2021 đã tái đắc cử chức danh Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL nhiệm kỳ IV năm 2022-2027.
Ngoài ra, Đại hội Hiệp hội du lịch ĐBSCL cũng bầu 7 phó chủ tịch, bao gồm các ông Lê Thanh Phong (phó chủ tịch thường trực), Phan Văn Hò, Vưu Chấn Hùng, Trần Hữu Hiệp, Lê Minh Sơn, Trần Minh Thanh và Đào Sĩ Tuấn. Ban chấp hành Hiệp hội du lịch ĐBSCL nhiệm kỳ IV năm 2022-2027 có tổng số 33 thành viên.
Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội du lịch ĐBSCL diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, 14-4, ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết, mục tiêu của nhiệm kỳ IV năm 2022-2027, đó là tăng cường liên kết hợp tác; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá; phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19.
Ngoài ra, hiệp hội sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa để thu hút khách đến ĐBSCL trong điều kiện bình thường mới, vừa chống dịch vừa phát triển du lịch.
Song song đó, sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa cụm phía Tây và phía Đông của ĐBSCL; đầu tư nâng cấp hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở du lịch và tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch toàn vùng.
Hiệp hội cũng tăng cường hoạt động hơp tác, liên kết giữa 13 địa phương ĐBSCL với TPHCM cũng như với các tỉnh, thành và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Lâm Đồng…, trong đó, vai trò của doanh nghiệp du lịch là nồng cốt…
Trước đó, đánh giá kết quả của nhiệm kỳ III, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng đất có nhiều tài nguyên du lịch, bao gồm các khu rừng nguyên sinh; khu dự trữ sinh quyển; vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; có biển đảo; có vươn cây ăn tái.
“Đặc biệt, ĐBSCL có ẩm thực dân gian phong phú, có nghệ thuật đờn ca tài tử, đời sống văn hoá của 4 dân tộc..., rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng”, ông Phường cho biết.
Theo ông Phường, giai đoạn 2016-2019 (giai đoạn trong nhiệm kỳ III - PV) là thời kỳ du lịch ĐBSCL tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm, mở rộng liên kết, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá. “Điều này, giúp đưa du lịch ĐBSCL đạt mức tăng trưởng bình quân 15%/năm”, ông cho biết và nói rằng, năm 2019 toàn ngành đón 47 triệu lượt khách du lịch.
Theo ông Phường, năm 2020, ngành du lịch kỳ vọng đón trên 50 triệu lượt, vượt chỉ tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2021, là thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát, làm ảnh hưởng nặng nề đến phát triển du lịch cả nước, trong đó, có ĐBSCL.
“Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa tạm dừng hoạt động, người lao động mất việc, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng”, ông dẫn chứng và cho biết, năm 2020 doanh thu du lịch giảm 47% và năm 2021 giảm trên 80%.
Ông Phạm Văn Thuỷ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho biết, để đạt mục tiêu của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, thì trong năm 2022-2023, ngành du lịch cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng cần triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch.
“Đồng thời, phải xây dựng cơ chế thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch quay lại làm việc cũng như tăng cường đào tạo nhân lực du lịch để bù số lượng lao động bị thiếu hụt do tác động của dịch Covid-19”, ông Thuỷ gợi ý.
Theo ông Thuỷ, cần phải xây dựng sản phẩm du lịch mới, tăng cường xúc tiến quảng bá và từng bước phục hồi thị trường du lịch, thiết lập hạ tầng, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch…