(KTSG Online) – Lãnh đạo ngân hàng Sacombank đánh giá khoản vay của FLC là đúng chuẩn và bình thường, nhưng hiện đang thu hồi nợ do dư luận.
Ngày 22-4, tại Đại hội cổ đông thường niên ngân hàng Sacombank, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ thêm về trạng thái các khoản nợ của tập đoàn FLC, trong bối cảnh các cổ đông đặt câu hỏi lo ngại về số nợ này.
Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT của Sacombank, dư nợ tập đoàn FLC là khoảng 3.200 tỉ đồng. Hiện ngân hàng đã thu hồi được 2.600 tỉ đồng và trong vòng một tháng nữa FLC sẽ hoàn tất trả khoản vay.
“FLC thực ra là những khoản vay tốt, nhưng vì dư luận nên chúng tôi thu hồi nợ và họ cũng đang hợp tác. Không có vấn đề gì phức tạp”, ông Dương Công Minh nói.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ thêm tổng dư nợ nhóm này nếu tính cả Bamboo Airways là khoảng trên 5.000 tỉ đồng. Khoản vay này được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank, đảm bảo bằng cổ phiếu và nhiều dự án bất động sản ở Quảng Ninh, Hà Nội.
Vào cuối tháng 3, sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc thao túng chứng khoán và che giấu thông tin, ngân hàng Sacombank đã lên tiếng về khoản vay này.
Theo đó, trong năm 2021, ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính Phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19.
Ngân hàng khi đó cũng cho hay sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định để thu hồi nợ nếu phát sinh rủi ro.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của FLC, Sacombank đang là chủ nợ lớn nhất với dư nợ hơn 1.800 tỉ đồng. Các khoản nợ này đều phát sinh trong năm 2021.
Theo thuyết minh thì dư nợ này được chia làm hai khoản vay là 600 tỉ đồng với kỳ hạn 60 tháng, mục đích cho vay là đầu tư dự án với tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay. Một khoản vay khác là 1.240 tỉ đồng kỳ hạn 10 năm với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.
Bên cạnh khoản vay của FLC, các cổ đông cũng đặt câu hỏi về trạng thái dư nợ cho vay bất động sản. Bà Diễm cho biết tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ hiện nay chiếm 22%. Trong đó tỷ lệ cho vay bất động sản trong dân mua nhà, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp chiếm 20%. Còn dư nợ cho vay bất động sản doanh nghiệp khoảng 30.000 tỉ trên tổng dư nợ gần 400.000 tỉ đồng.
“Phần dư nợ này rất nhỏ. Tôi tự tin Sacombank là ngân hàng kiểm soát cho vay bất động sản tốt”, bà Diễm trả lời cổ đông.
Cho vay đúng quy định; đánh giá khoản vay tốt (phương án kinh doanh tốt, dòng tiền thu ổn định…) thì mắc mớ chi mà vì dư luận nên thu hồi ta ?
Có gì đó sai sai, mâu thuẫn !?!