(KTSG Online) – Các chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm đẩy nhanh việc xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành và củng cố trách nhiệm của các đơn vị trung gian nhằm thiểu rủi cho nhà đầu tư tham gia thị trường vốn.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính – cho biết sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu những năm gầy đây đã tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn.
Theo đó, thị trường cổ phiếu và chứng khoán phái sinh xuất hiện hiện tượng thao túng giá với mức giá của nhiều mã chứng khoán được đẩy lên cao, nhưng không gắn với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nghĩa vụ và chất lượng công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát sinh rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ tham gia mua TPDN.
“Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố”, ông Phớc nói tại Hội nghị phát triển thị trường vốn chiều 22-4.
Bên cạnh đó, một số tổ chức kiểm toán và thẩm định giá còn hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng các chuẩn mực nghề nghiệp. Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật.
Đáng lưu ý, có nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, thường có hành vi mua bán theo tin đồn, chạy theo lãi suất cao.
Để giảm thiểu rủi ro của thị trường vốn, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – kiến nghị cải thiện 3 yếu tố,
Thứ nhất, khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành.
“Xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, huy động được vốn với chi phí thấp”, ông Dũng nói và cho biết việc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp, trái phiếu phát là chưa bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 155/2020.
Thứ hai, xây dựng thị trường giao dịch tập trung với TPDN phát hành riêng lẻ để tăng tính minh bạch của thị trường, khả năng giám sát của các cơ quan quản lý và bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư.
Thứ ba, cải thiện cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, cần hoàn thiện các cơ chế quản lý và giám sát, bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư.
Ông Dũng cho rằng công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm với các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tham gia vào quy trình phát hành và giao dịch TPDN phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) - kiến nghị các cơ quan chức năng quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm công bố thông tin.
Với tài sản thế chấp, phải đáp ứng yêu cầu là tài sản có tính thanh khoản cao và được định danh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý những thương vụ sử dụng vốn huy động chệch hướng so với thông tin đã công bố. Đồng thời, củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản.
Ông Zafer Mustafaeglu - Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) - kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách phát triển thị trường dựa trên 3 đối tượng, gồm bên phát hành, nhà đầu tư và tổ chức trung gian.
Với bên phát hành, chính sách cần tạo thuận tiện cho tất cả các loại hình doanh nghiệp có thể huy động vốn trên thị trường vốn thông qua các kênh phù hợp, một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả.
Với nhà đầu tư, cần ưu tiên việc bảo vệ họ trong các quy định về chứng khoán.
“Nhà đầu tư cần được giáo dục, nhưng chúng ta cũng nên ghi nhận rằng không phải tất cả các loại chứng khoán đều phù hợp với mọi nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân”, ông Zafer Mustafaeglu nói và cho rằng sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nên duy trì trong thị trường chuyên nghiệp hoặc đòi hỏi trình độ cao hơn.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ siết chặt định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp để ngăn ngừa các nhà đầu tư thiếu kiến thức và kỹ năng phân tích.
Với tổ chức trung gian, vị này cho rằng Chính phủ nên tiến hành cấp phép và giám sát chặt chẽ.
“Các tổ chức trung gian khác nhau có vai trò khác nhau, ví dụ môi giới chứng khoán không được nhận tiền gửi kỳ hạn, đại diện bán của ngân hàng không thể bán chứng khoán, cổ phiếu hoặc trái phiếu cho khách hàng. Những người này phải được cấp phép hành nghề, họ phải tuân thủ chuẩn mực hành vi tốt và chịu trách nhiệm giải trình về bất kỳ sai phạm nào”, ông Zafer Mustafaeglu đề xuất.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020 theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành.
Bên cạnh đó, thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án.
“Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu”, ông Phớc nói.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, gồm: phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán, các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán và một số nội dung liên quan.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường.
“Bộ Tài chính cũng sẽ tăng nguồn lực thanh tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát chặt chẽ, kịp thời”, ông Phớc nói.
Với các tổ chức trung gian thị trường, người đứng đầu ngành Tài chính yêu cầu tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
“Bộ Tài chính sẽ rà soát, phân loại với từng tổ chức cung cấp dịch vụ. Trường hợp sai phạm sẽ rút giấy phép”, ông Phớc cho biết.
Cũng theo ông Phớc, cơ quan quản lý khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường. Đồng thời, tiếp tục phát triển hoạt động dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích việc cung cấp dịch vụ và nâng cao năng lực của các tổ chức này.
Gần 80% thị trường vốn VN đến từ dòng tiền của dân cư. Sức mạnh của thị trường này không lệ thuộc vào lời nói, lời hứa của các vị lãnh đạo, CEOs… mà là lòng tin của công chúng. Dân vi bản, đúng trong mọi trường hợp, nhưng ở VN thì điều này càng quan trọng hơn, vì lịch sử vĩ đại của dân tộc cho thấy một khi lòng dân đồng thuận thì việc khó nào đến mấy cũng có thể vượt qua. Sức mạnh thị trường trong thời gian đến sẽ trở nên què quặt, hoặc khôi phục mạnh mẽ trở lại, tùy thuộc vào sự quan sát và đánh giá những hành động nhất quán, chuẩn xác của những người có trách nhiệm. Đơn giản vậy thôi.