Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các tỉ phú công nghệ nơi Thung lũng Silicon

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo của các "đế chế" công nghệ như Intel, Apple, Google, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt cho các doanh nghiệp để họ yên tâm, đầu tư ngày càng hiệu quả hơn tại Việt Nam, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc, ngày 17-5 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới gồm Intel, Apple, Google.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Trụ sở Tập đoàn Google. Ảnh: TTXVN

Thăm Tập đoàn Intel, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng doanh nghiệp đã kinh doanh rất thành công trong thời gian vừa qua với doanh thu lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam; cảm ơn Intel đã tin tưởng chọn Việt Nam để đầu tư và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ông chia sẻ, năm 2021 vừa qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều mặt, Intel không bị đứt gãy chuỗi cung ứng; sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng trên nền tảng quan hệ hai nước Việt Nam-Mỹ và thực tế sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó cho thấy đầu tư của Intel vào Việt Nam là sự lựa chọn thông minh.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt, nhất là về thủ tục hành chính, giảm thời gian, công sức cho các doanh nghiệp, trong đó có Intel để các doanh nghiệp yên tâm, đầu tư ngày càng hiệu quả hơn tại Việt Nam, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đây là minh chứng cho thấy sự cam kết và hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và tập đoàn Intel cho triển vọng lâu dài và phát triển của Intel trong tương lai.

Thủ tướng chúc và mong muốn Intel thành công hơn nữa trong kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội tại địa phương mà Intel đầu tư; đồng thời góp phần cùng Việt Nam đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn là ông Ketvan Esfarjani đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đến thăm và gửi lời mời của Tổng giám đốc Pat Gelsinger tới Thủ tướng cho cuộc gặp tiếp theo tại trụ sở Intel Việt Nam vào tuần cuối tháng 5.

Tập đoàn Intel thành lập năm 1968 tại California, Mỹ, là một trong những nhà sản xuất chip xử lý và thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn lên sự phát triển của Thung lũng Silicon.

Năm 2020, Intel được xếp hạng 45 trong danh sách Fortune 500. Hiện Intel có hơn 121.000 nhân viên, doanh thu năm 2021 đạt 79 tỉ đô, lợi nhuận đạt 19,9 tỉ đô la. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư nhà máy lắp ráp và kiểm định chip. Đến nay, Intel đã hoàn thành cam kết đầu tư giai đoạn 1.

Thăm Tập đoàn Apple, trao đổi với Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính là trọng tâm và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các sản phẩm của Apple đã trở nên rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam; người dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là ở khu vực thành thị, rất ưa chuộng các sản phẩm công nghệ của Apple. Với bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, chắc chắn rằng sản phẩm của Apple sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam đang tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có việc lắp ráp một số thiết bị của Apple.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn Apple chú trọng đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đưa các sản phẩm của Apple tới đông đảo phân khúc khách hàng, và Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu biểu của Apple ở khu vực châu Á.

Tại Việt Nam, Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam với khoảng 160.000 lao động; chuyên sản xuất các cấu phần điện tử (như bảng điện, camera, màn hình…) cho sản phẩm Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.

Ông Tim Cook cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Apple kinh doanh tại Việt Nam, tham gia ngày càng sâu vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

Ông Tim Cook khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới.

Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ phát triển kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp mặt lãnh đạo Tập đoàn Google, Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động hợp tác của Google với phía Việt Nam thời gian qua, hoan nghênh các kế hoạch hợp tác mới của Google tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện và xác định đây là một lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề nghị Google tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, đóng góp vào quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.

Google là một công ty công nghệ đa quốc gia thuộc Tập đoàn Alphabet. Tổng số nhân viên trên toàn cầu là hơn 139.000 người. Năm 2020, doanh thu của Google đạt 147 tỉ đô la.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh Covid-19, Google đã hợp tác với các cơ quan Chính phủ để đưa thông tin chính thức về đại dịch tới người dân, doanh nghiệp và những thông tin về sự chuẩn bị của Chính phủ cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Google mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững.

Buổi trưa cùng ngày (theo giờ địa phương), tại San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Asia Society tổ chức.Đối với chủ đề chính của buổi đối thoại là bàn về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng khẳng định Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là động lực quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Cả 3 đột phá chiến lược mà Việt Nam xác định (thể chế, hạ tầng và nhân lực) đều liên quan đến khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.Thủ tướng mong muốn các đối tác Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Hợp tác khởi nghiệp giữa hai bên cần tập trung các vấn đề mà thế giới đang quan tâm và hai nước đang thúc đẩy hợp tác, như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, đa dạng hoá chuỗi cung ứng…Trong phần hỏi đáp diễn ra ngay sau đó, Thủ tướng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục đề cập đến cơ hội hợp tác trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.Bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, lãnh đạo Tập đoàn năng lượng-tài chính Chevron mong muốn các sáng kiến về công nghệ không nằm riêng lẻ mà cần được tích hợp, liên kết để mang đến sự hiểu biết nhiều hơn cho mọi người cũng như gia tăng cơ hội vươn lên cho người dân nhờ vào đổi mới công nghệ.Đại diện cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng công nghệ Silicon cho hay, quỹ này vừa hợp tác để làm pin ô tô điện cùng Vinfast và mong muốn được tìm hiểu một cách có hệ thống về các chính sách Chính phủ trong khuyến khích các doanh nghiệp từ Silicon tới Việt Nam hợp tác.Thủ tướng cho hay, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các startup. Cùng với đó, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam."Chúng tôi cũng có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực cần đầu tư sớm. Cũng như tăng cường năng lực y tế, giáo dục để hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, lâu dài", Thủ tướng chia sẻ.

Tổng hợp từ TTXVN, Baochinhphu.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới