Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán châu Á ‘sốc’ trước viễn cảnh đình lạm

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán châu Á hôm 19-5 trượt mạnh khi lạm phát toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn thu của các công ty ở Mỹ, khiến mọi người càng thêm lo ngại về nạn đình lạm (stagflation) – nền kinh tế bị đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao.

Giá sinh hoạt tăng cao, cùng với lạm phát phi mã trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai là Trung Quốc đang mất tốc tăng trưởng khiến nguy cơ này càng rõ ràng.

Thị trường châu Á nối đuôi Mỹ tràn sắc đỏ

Đợt sụt giảm trong ngày 18-5 trên thị trường Mỹ khiến các thị trường châu Á tràn sắc đỏ trong ngày hôm sau. Ảnh: Reuters

Chỉ số trung bình chứng khoán blue-chip Nikkei tại Nhật Bản đã giảm hơn 760 điểm, tương đương 3% tại một thời điểm và trước khi đóng cửa giảm 1,9% xuống còn 26.402 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,3%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 3,5% trong ngày.

Sự sụt giảm trên toàn khu vực nối đuôi đà tuột dốc trên thị trường Mỹ hôm 18-5 sau khi các nhà bán lẻ lớn công bố kết quả thu nhập rất mờ nhạt. Chỉ số Nasdaq Composite của nhóm cổ phiếu các hãng công nghệ cao giảm mạnh 4,7% trong ngày hôm qua. Chỉ số trung bình Dow Jones giảm hơn 1.100 điểm, giảm 3,6% và chỉ số S&P 500 cũng giảm gần 5% khi các tập đoàn siêu thị như Walmart và Target công bố những số liệu không lạc quan.

Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners, nhận định: “Chứng khoán châu Á đang hứng chịu hậu quả của đà sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của các hãng bán lẻ lớn như Walmart và Target. Các đại gia bán lẻ đang chịu áp lực của lạm phát đầu vào và biên lợi nhuận ngày càng mỏng”.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,3% trong tháng 4 so với một năm trước đó, tiếp tục xu hướng lạm phát cao trong những tháng gần đây.

Cuộc chiến Ukraine - Nga kéo dài đã đẩy giá năng lượng và ngũ cốc tăng nhanh, trong khi Fed (Quỹ Dự trữ Liên bang) dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Cả hai yếu tố này đều làm nguội lạnh thị trường chứng khoán.

Tại Nhật Bản, các cổ phiếu ngành logistics như hãng tàu biển Nippon Yusen và Mitsui O.S.K. cũng suy giảm mạnh. Các nhà đầu tư đoán rằng sức mua giảm trên thị trường Mỹ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải biển.

Các cổ phiếu liên quan ngành bán lẻ cũng giảm, bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Rakuten, Fast Retailing – hãng mẹ của nhãn thời trang Uniqlo và chuỗi bách hóa mua sắm Takashimaya.

Các công ty công nghệ nổi bật nhất của Trung Quốc - Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và Meituan – cũng dẫn đầu sự sụt giảm của chỉ số Hang Seng trong hôm nay.

Tại Đông Nam Á, chỉ số SET chuẩn của Thái Lan và chỉ số Straits Times của Singapore cũng giảm trong buổi sáng nhưng sau đó đã cắt giảm mức lỗ. Giá tiêu dùng cũng đang tăng ở các nền kinh tế châu Á, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trong tương lai.

Nhà phân tích Justin Tang của United First Partners cho biết xu hướng lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập của các nhà bán lẻ sẽ lan rộng ở châu Á "do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi sau các tác động liên quan đến Covid và sau đó lại thêm cú bồi của cuộc chiến Ukraine”.

Nguy cơ đình lạm hiển hiện

Sụt giảm trong doanh thu và lợi nhuận của Target, Walmart và các hãng bán lẻ Mỹ đã làm các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 giảm mạnh, tác động dây chuyền đến thị trường châu Á ngày 19-5. Ảnh: Reuters

Lạm phát đang tác động đến bàn ăn và mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người dân châu Á.

Lạm phát ở Thái Lan đang gia tăng do việc chấm dứt trợ cấp dầu diesel đã khiến chi phí hậu cần tăng lên, gây thêm áp lực lên chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên nền kinh tế. Giá bán lẻ từ mì gói đến các sản phẩm nội thất, vật liệu xây dựng đang gia tăng nhiều đợt từ cuối tháng 2 khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ. Chi phí hậu cần bắt đầu được nhà sản xuất đổ lên đầu người tiêu dùng sau khi chính sách giá trần dầu diesel ở mức 30 baht/lit vào cuối ngày 1-5 vừa qua.

Nguồn cung từ hãng dầu khí PTT của Thái Lan cho 53 cây xăng của hãng này tại Lào cũng bắt đầu nhỏ giọt từ đầu tuần. Theo Bangkok Post, hàng dài người xếp hàng với can và chai trong tay chờ mua xăng tại Lào là hình ảnh phổ biến, nhưng không phải lúc nào cũng có hàng.

Giá món bánh ngọt hay ly cà phê ở Đài Loan, kim chi ở Hàn Quốc hay sushi ở Nhật Bản cứ theo đà leo thang. Chính phủ Malaysia, Philippines và nhiều nước khác trong khu vực đang cố gắng giảm bớt tác động của giá xăng dầu gia tăng. Nhưng cùng lúc, các quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia vào cuối tháng 4 và hạn chế xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ trong tuần rồi cũng góp phần làm người dân thêm nháo nhào vì sợ hàng hóa khan hiếm và tăng giá.

Kenta Goto, giáo sư kinh tế tại Đại học Kansai ở Osaka, nói với Nikkei Asia: “Chi phí sinh hoạt tăng, đồng thời với việc đồng tiền châu Á suy yếu trong khi Mỹ tăng lãi suất, có thể là cái phanh hãm lại đà hồi phục của kinh tế khu vực. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm, sức mua của khu vực được xem là động lực tăng trưởng của tiêu dùng thế giới sẽ bị tổn thương”.

Khi giá cả leo thang, cùng lúc viễn cảnh về tình trạng đình lạm trên toàn cầu đang dần hiển hiện. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều cắt giảm dự báo tăng trưởng của châu Á. Hôm 19-5, ngân hàng Standard Chartered và hãng phân tích Bloomberg Economics đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc – động cơ tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Các nhà kinh tế của Standard Chartered nói rằng chính sách chống Covid khắc nghiệt của Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất và tiêu dùng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5. Họ cắt giảm dự báo tăng trưởng của đại lục từ mức 5% trước đó xuống còn 4,1% trong năm nay. Trong khi đó, Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng trong quí 2 của Trung Quốc thêm 0,3% còn 3,5%.

Dự báo của các nhà phân tích Bloomberg Economics thậm chí còn nghiêm trọng hơn: chỉ 2% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đây là 3,6%.

“Các chính sách kích thích kinh tế không tạo ra lực đẩy do những hạn chế của chính sách chống dịch. Nhưng ngay cả trong một kịch bản lạc quan đi lên, với lập trường cực đoan zero Covid hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 5% chưa kể là tham vọng 5,5% của chính phủ là có vẻ ngoài tầm với”, hai nhà kinh tế Chang Shu và Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận định. Họ cũng dự báo mức tăng trưởng âm -2,7% trong quí 2-2022, giảm mạnh so với mức tăng khiêm tốn 1,5% trước đó.

Tương tự, hôm 18-5 các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ 4,5% xuống 4% với lý do “chính phủ tăng gấp đôi mức độ kiểm soát dịch”. Các nhà kinh tế của ngân hàng Citi nói rằng tác động của chính sách phong tỏa đối với sức khỏe nền kinh tế có thể sẽ kéo dài sang tháng 6 tới hoặc hơn nữa.

Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) hôm 19-5 đã tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018 để chống lạm phát đang ở mức cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Malaysia. Lãi suất cơ bản đã được tăng thêm 25 điểm cơ bản, lên 2,25%. Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ trong kỳ họp tháng 6 sau khi các biên bản kỳ họp tháng 5 của RBI tiết lộ rằng “sẽ xem xét đến chính sách trong kỳ họp đột xuất sắp tới”. Các nhà kinh tế thuộc Nomura Holdings Inc., Barclays Plc và Deutsche Bank AG dự báo RBI sẽ tăng lãi suất lên tới 50 điểm cơ bản khi cuộc họp diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-6 tới. Citigroup nói biên bản cho thấy “cam kết sắt đá và rõ ràng” của RBI  nhằm đưa lạm phát trở lại gần biên độ mục tiêu 2-6%.Theo Bloomberg, từ đầu năm 2022 đến nay đã có trên 50 ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để chống chọi với lạm phát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới