Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EOR21: Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21) đề xuất kịch bản phát triển để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, trong đó có khuyến nghị Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.

EOR21 được Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hợp tác biên soạn và được công bố vào ngày 6-2.

Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ tại lễ công bố ngày 2-6. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch cung cấp

Báo cáo đã nghiên cứu và đề xuất một số kịch bản phát triển để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050.

EOR21 đã đưa ra một thông điệp: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow.

Cụ thể, báo cáo đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hoá sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải cacbon và ô nhiễm không khí.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và dân số, nhu cầu năng lượng trong tương lai của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng. Điều này đòi hỏi hệ thống năng lượng của Việt Nam cần phát triển nhanh chóng và dẫn đến rất nhiều thách thức được đề cập trong EOR21.

Đó là chi phí hệ thống năng lượng/mức chi phí năng lượng phải chăng, sự cần thiết của việc nâng cao năng lực truyền tải điện, sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và ô nhiễm không khí.

Báo cáo nhận định, Việt Nam hoàn toàn khả thi để có được một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng 0, với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách; cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, EOR21 chỉ ra nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, một các trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

Quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện theo báo cáo sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm, có thể lên đến 167 tỉ đô la Mỹ vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050. Chi phí hệ thống điện sẽ dịch chuyển theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư.

Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả các kịch bản và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Do đó, việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là tối cần thiết.

Tòa đàm về triển vọng năng lượng Việt Nam.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu tư này, Việt Nam không phải phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu phát điện. Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam dự kiến tăng cao trong thập kỷ tới. Dự kiến đến 2050, tỷ trọng nhiên liệu nhập khẩu có thể lên đến 70% tổng cung năng lượng trong kịch bản cơ sở, tương đương với chi phí 53 tỉ đô la. Giảm nhập khẩu nhiên liệu hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 đồng nghĩa với việc hệ thống năng lượng sẽ giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá nhiên liệu.

Phân tích cho thấy, khi giá LNG tăng 20% sẽ dẫn đến giảm 50% nhu cầu LNG của ngành điện. Nhu cầu sử dụng LNG thậm chí còn thấp hơn mức này nếu giá LNG tăng cao hơn nữa.

Đáng chú ý, EOR21 khuyến nghị Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, EOR21 cũng cho rằng cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, báo cáo EOR21 cũng chỉ ra hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ sau năm 2030 pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Pin lưu trữ hiện nay vẫn có chi phí đắt đỏ và chưa cần thiết tại Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn do các nhà máy thủy điện và nhiệt điện đang vận hành có thể cung cấp dịch vụ cân bằng cho hệ thống điện.

Theo EOR21, trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải là thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc. Phân tích cho thấy chi phí truyền tải thực tế không quá tốn kém. Tăng cường công suất truyền tải trước sau cũng là việc cần phải làm, và do đây là công nghệ đã chín muồi nên cần được lựa chọn đầu tiên. Hệ thống pin lưu trữ năng lượng có thể chờ sau.

Cũng theo báo cáo này, điện hạt nhân chỉ hiệu quả về chi phí nếu việc triển khai điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời bị hạn chế đáng kể. Phân tích cho thấy rằng các công nghệ điện hạt nhân hiện tại không cạnh tranh về chi phí so với việc áp dụng kết hợp nguồn điện mặt trời, điện gió, công nghệ lưu trữ và truyền tải...

Trong báo cáo cũng cho rằng cần sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Điện khí hóa trực tiếp đóng vai trò chủ chốt với khoảng 80% nhu cầu vận tải hành khách và 50% nhu cầu vận tải hàng hóa cần được điện khí hóa vào năm 2050.

Việt Nam cần bắt đầu loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025, chuyển dần sang các phương thức vận tải công cộng, đồng thời chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt chạy điện.

Báo cáo, theo dự kiến, sẽ cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 của Việt Nam, Quy hoạch Tổng thể Năng lượng Quốc gia, Chiến lược Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ.

Đây là lần xuất bản thứ ba của báo cáo này tiếp theo hai ấn phẩm trước được xuất bản vào năm 2017 và 2019.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới