Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Y tế cơ sở tại TPHCM bộc lộ những khoảng trống trong đại dịch Covid-19

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đại dịch Covid-19 bùng phát đã bộc lộ những khoảng trống của tuyến y tế cơ sở trên địa bàn thành phố. Để lấp "lỗ hổng" trong hệ thống y tế, các đơn vị cần có sự thay đổi về chính sách, tập trung đầu tư về nhân lực, vật lực; đặc biệt thu hút các bác sĩ trẻ về tuyến y tế cơ sở để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban thường vụ Thành ủy về thực hiện kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị diễn ra tại TPHCM vào ngày 4-6. Ảnh: Minh Thảo

Nhân viên y tế cơ sở thiếu trầm trọng

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong 11 tháng năm 2021 có 968 nhân viên y tế nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã; trong ba tháng đầu năm 2022 có 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Làn sóng nghỉ việc của nhân viên y tế liên tục diễn ra khiến nhiều bệnh viện, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực.

Trước thực trạng này, tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị vào ngày 4-6, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết dịch Covid-19 bùng phát càng bộc lộ những khoảng trống tại tuyến y tế cơ sở.

Theo đó, số lượng nhân viên y tế tại các trạm y tế trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm dần, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu ngày càng tăng. “Số trạm không thay đổi nhưng số nhân viên y tế của mỗi trạm lại có xu hướng giảm do nhân viên nghỉ việc. Chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã đối với thành phố có trên 10 triệu dân thì khó có thể đảm trách chức năng quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn (1,7/10.000 dân)”, ông Thượng nói.

Trước đó, hồi cuối năm 2021, TPHCM đã báo động vì tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân chỉ đạt mức 2,31 và đây là con số thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 7,42 của cả nước.

Vì vậy, để củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ông Thượng cho biết TPHCM đã đưa các bác sĩ trẻ tốt nghiệp từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM về tăng cường cho tuyến y tế cơ sở.

Đây là chương trình đầu tiên của TPHCM với mục đích thực hiện chủ trương đưa bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành tại các bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế nhằm tạo điều kiện cho các bác sĩ mới tốt nghiệp có cơ hội tiếp cận và thực hành chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân với nhiều mô hình khác nhau.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, với số lượng nhân viên y tế phường, xã còn hạn chế thì khó có thể đáp ứng, quản lý tốt sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố. Ảnh: Minh Thảo

Trước lo ngại của người dân về năng lực chăm sóc sức khỏe của đội ngũ bác sĩ mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm thực hành, ông Thượng chỉ ra những hoạt động từ thực tiễn của cuộc chiến chống dịch Covid-19 chứng minh lực lượng nhân viên y tế trẻ hoàn toàn có thể đóng góp hiệu quả cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở.

Cụ thể như mô hình trạm y tế lưu động và chăm sóc F0 tại nhà do các bác sĩ mới tốt nghiệp và sinh viên quân y đảm trách; hoặc mô hình huy động nguồn lực xã hội, tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh do Taxi Mai Linh, Thành đoàn và sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đảm trách.

Ngoài ra còn có mô hình thử nghiệm của Sở Y tế TPHCM trong ứng dụng tư vấn từ xa “teleconsultation” kết nối bác sĩ trẻ của trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của các  bệnh viện tuyến cuối của thành phố để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn, không để bác sĩ ở trạm y tế lẻ loi một mình trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tạo điều kiện cho bác sĩ trẻ cọ xát thực tế

Về định hướng phát triển y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng “cần phải nâng cao năng lực trạm y tế để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng, không đi theo hướng chuyển đổi trạm y tế trở thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ”.

Việc củng cố y tế cơ sở, phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị khác nhau, cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, để tạo động lực cho bác sĩ trẻ an tâm đến trạm y tế thực hành, họ sẽ được phân bố thời gian thực hành hợp lý, xen kẽ thực hành tại bệnh viện và tại trạm y tế.

Theo đó, “các bác sĩ có thể lựa chọn khung thời gian thực hành giữa bệnh viện và trạm y tế như một tuần thực hành tại bệnh viện xen kẽ một ngày thực hành tại trạm y tế; một tuần thực hành tại bệnh viện xen kẽ một tuần thực hành tại trung tâm y tế (đối với các quận, huyện ngoại thành); đồng thời cần lập kế hoạch triển khai chế độ hỗ trợ kinh phí cho các bác sĩ trẻ tham gia chương trình”, ông Thượng nói.

Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ trẻ tại y tế cơ sở cũng cần được tạo môi trường thuận lợi để cọ xát thực tế, cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin và phản ánh đến lãnh đạo Sở Y tế thành phố về những khó khăn gặp phải.

Đánh giá bước đầu hiệu quả của chương trình thí điểm đưa bác sĩ trẻ về y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết các bác sĩ thực hành vừa được tiếp cận hoạt động khám, chữa bệnh chuyên khoa tại các bệnh viện, vừa tiếp cận các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế.

Ngoài ra, người dân tại địa phương dễ dàng được tiếp cận với bác sĩ của trạm y tế so với trước đây, đồng thời các bác sĩ thực hành bước đầu đã hội nhập và chia sẻ gánh nặng công việc của các trạm y tế do thiếu người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới