(KTSG Online) - Trong tuần qua, hãng công nghệ Apple, nhà sản xuất iPhone, cho biết sẽ cho ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau (BNPL: buy now, pay later) ở Mỹ vào tháng 9 tới, cho phép người tiêu dùng sử dụng ví di động Apple Pay để mua hàng và thanh toán dần theo định kỳ.
- Apple muốn mở rộng sản xuất thiết bị ở Ấn Độ và Đông Nam Á
- Apple đã có 31 nhà máy đối tác sản xuất thiết bị gốc tại Việt Nam
- Apple biến iPhone thành thiết bị đầu cuối thanh toán không tiếp xúc

Dịch vụ mới có tên gọi Apple Pay Later sẽ được tích hợp cho các mẫu iPhone (từ iPhone 8 trở lên) sử dụng phiên bản hệ điều hành iOS 16 sắp sửa ra mắt. Với dịch vụ này, người tiêu dùng có thể mua hàng và chia ra 4 lần để thanh toán, bao gồm 1 lần thanh toán vào thời điểm giao dịch và các lần thanh toán còn lại sẽ được thực hiện sau mỗi hai tuần.
Người tiêu dùng sẽ không bị tính phí và lãi suất khi sử dụng dịch vụ Apple Pay Later. Apple sẽ đứng ra bảo lãnh cho khoản vay mua hàng trả góp này, có nghĩa là sẽ đền bù khoản lỗ nếu người vay không thanh toán. Apple Financing, công ty con của Apple, đã được cấp giấy phép cho vay ở hầu hết các bang tại Mỹ, sẽ là đơn vị triển khai dịch vụ Apple Pay Later.
Các tập đoàn công nghệ lớn từ lâu đã nhắm đến mảng cho vay để tìm cách thắt chặt mối quan hệ với khách hàng của họ. Tuy nhiên, hầu hết dựa vào các đối tác ngân hàng và công ty công nghệ tài chính để xử lý khâu thẩm định năng lực tài chính khách hàng và ứng phó với hàng loạt các quy định quản lý xung quanh các sản phẩm tài chính.
Theo các nguồn thạo tin, Apple sẽ đi theo hướng khác, bằng cách dựa vào dữ liệu và công nghệ của mình để phê duyệt khoản vay cho khách hàng. Giống như các ngân hàng, gã khổng lồ công nghệ này cũng sẽ dựa vào báo cáo tín dụng và điểm tín dụng FICO, do Công ty Fair Isaac Corporation xây dựng, để kiểm tra tình trạng tài chính của người đăng ký vay. Và Apple có kế hoạch sử dụng kho dữ liệu Apple ID khổng lồ của mình để xác minh danh tính thực của khách hàng và ngăn chặn gian lận.
Động thái nói trên đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với Apple vì cách đây vài năm, Apple đã không mấy mặn mà với việc trở thành bên cho vay. Lúc đó, mối lo ngại lớn đối với Apple và Giám đốc điều hành Tim Cook là rủi ro tiềm tàng về danh tiếng nếu thâm nhập vào lĩnh vực cho vay.
Khi cho ra mắt thẻ tín dụng Apple Card vài năm trước, Apple đã trông cậy vào Ngân hàng Goldman Sachs để thẩm định và phê duyệt người đăng ký vay, rồi giải ngân các khoản vay.
Hiện nay, Apple cảm thấy thoải mái hơn khi trở thành bên cho vay một phần vì số tiền cho vay chỉ ở mức nhỏ và thời gian thanh toán ngắn.
Dịch vụ Apple Pay Later chỉ giải ngân tối đa 1.000 đô la cho mỗi khoản vay và số tiền vay mà người tiêu dùng được giải ngân sẽ phụ thuộc vào báo cáo tín dụng và điểm số của họ.
Dựa trên bảng cân đối kế toán và vị thế thanh khoản mạnh mẽ, Apple thừa sức cấp vốn cho các khoản vay này. Tính đến ngày 22-3 năm nay, Apple đã sở hữu tiền mặt và các chứng khoán có thể giao dịch với tổng trị giá 192,73 tỉ đô la so với các khoản nợ có kỳ hạn là 112,98 tỉ đô la.
Người tiêu dùng có khả năng được phê duyệt khoản vay cao hơn nếu ID Apple của họ ở trạng thái tốt trong một thời gian dài và không có dấu hiệu gian lận.
Apple cho biết họ sẽ yêu cầu khách hàng liên kết thẻ tín dụng của họ với dịch vụ Apple Pay Later. Các khoản thanh toán sẽ tự động được khấu trừ từ tài khoản ngân hàng của họ hai tuần một lần.
Tuy nhiên, các đối tác của Apple gồm Goldman Sachs và Mastercard sẽ vẫn đóng một vai trò nhỏ trong dịch vụ Apple Pay Later vì nhà sản xuất iPhone chưa có giấy phép hoạt động như một ngân hàng thực thụ.
Apple đang kết nối với các bên bán hàng thông qua mạng lưới thanh toán của Mastercard. Ngân hàng Goldman Sachs sẽ đóng vai trò là nhà bảo trợ và sẽ phát hành một số thẻ gồm 16 chữ số mà bên bán sẽ nhận được khi người tiêu dùng thanh toán tiền vay từ dịch vụ Apple Pay Later.
Apple Pay Later chắc chắn giúp tăng lượng người dùng của Apple Pay, từ đó, thúc đẩy doanh thu mảng dịch vụ của hãng Quả táo khuyết đang hứa hẹn sẽ trở thành cổ máy kiếm tiền mới trong tương lai với các sản phẩm như Apple News, Apple Card, Apple Fitness, Apple TV, Apple Arcade.
David Morris, nhà phân tích tại Insider Intelligence, nhận định: "Với Apple Pay Later, Apple sẽ có một bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa tham vọng dịch vụ tài chính tiêu dùng của mình. Điều này sẽ gây áp lực hơn nữa cho các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực BNPL, vốn đang phải đối mặt với các quy định quản lý ngày càng gắt gao”.
Theo Wall Street Journal