(KTSG Online) – Khoảng 500 tấn gạo mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang thị trường châu Âu. Đây được xem là cột mốc quan trọng của chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
- Cường quốc xuất khẩu gạo nhưng thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu
- Doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất
Thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khoảng 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” vừa được công ty giao trong tháng 6 vừa qua sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7 này.
Trong đó, lô hàng có chủng loại gạo thơm là chủ yếu, bao gồm gạo thơm Lộc Trời 28- loại gạo đã được chứng nhận đạt giải nhất tại Hội nghị thương mại gạo đại lục lần thứ 5 được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2018.
Toàn bộ lô hàng được đảm bảo về chất lượng, đóng gói trong bao bì riêng và đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Đặc biệt, gạo “Cơm ViệtNam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bán trong hệ thống siêu thị lớn tại châu Âu là Carrefour.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, số lượng xuất khẩu lần này không quá lớn nhưng là bước khởi đầu trong hành trình đưa gạo thương hiệu của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới.
Vào tháng 9-2020, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực, Lộc Trời cũng là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn xuất khẩu đơn hàng đầu tiên. Đến nay, công ty đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường EU.
Được biết, công ty hiện vận hành hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết trên khắp các địa phương Đồng bằng sông Cửu long, với công suất sấy gần 26.000 tấn/ngày, xay xát gạo hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa khô.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hà Lan 3.651 tấn gạo với trị giá 2,55 triệu đô la Mỹ, tăng 5,3% về lượng 14,3% về giá trị so với cùng kỳ; sang Pháp đạt 1.577 tấn với trị giá 1,1 triệu đô la Mỹ, tăng 12,7% về lượng và 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.