Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu hàng hóa trên thế giới đang suy yếu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhu cầu hạ nhiệt đang đe dọa đẩy thị trường hàng hóa toàn cầu vào cơn suy yếu sau khi bùng nổ nhờ tác động của đại dịch Covid-19. Các cuộc khảo sát với giới doanh nghiệp ở châu Âu và châu Á cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Người tiêu dùng châu Âu đang chi tiêu thận trọng hơn. Ảnh: Reuters

Sản lượng các nhà máy giảm hoặc tăng chậm

Các nhà máy trên khắp thế giới cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm của họ đang suy yếu, một dấu hiệu cho thấy cơn bùng nổ hàng tiêu dùng mở đầu cho đà phục hồi kinh tế ở thời kỳ hậu Covid-19 có thể biến thành một cú sụp đổ khi giá cả và lãi suất tăng cao làm xói mòn sức chi tiêu của các hộ gia đình.

Các cuộc khảo sát với các nhà sản xuất được công bố hôm 1-7 đã ghi nhận một câu chuyện giống nhau cho dù ở Hàn Quốc hay Ý: sản lượng của họ đang giảm hoặc đang tăng với tốc độ chậm hơn do lượng đơn đặt hàng mới giảm và đặc biệt là từ những khách hàng nước ngoài.

Khi giá cả bắt đầu tăng nhanh chóng vào đầu năm ngoái, các ngân hàng trung ương nhận định hiện tượng này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn vì nguồn cung sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu cao hơn. Khi lạm phát tăng liên tục, họ không còn kiên nhẫn và bắt đầu tăng chi phí vay nợ để kìm hãm nhu cầu.

Giờ đây, dường như giá cả hàng hóa cao hơn cũng tự nó gây ra tác động tương tự, làm hạ nhiệt nhu cầu ngay cả ở những nơi như khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), nơi lãi suất vẫn chưa tăng.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng về thương mại tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Nhu cầu hiện đang suy yếu với các công ty báo cáo rằng khách hàng ngày càng thận trọng hơn trong việc chi tiêu do giá cả tăng và triển vọng kinh tế không chắc chắn”.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ở khu vực eurozone, do S&P Global theo dõi, cho thấy sản lượng nhà máy ở khu vực này giảm trong tháng 6 và đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 8 năm 2020. Sản lượng nhà máy ở eurozone dự kiến giảm mạnh hơn vì đơn hàng mới của họ trong tháng 6 giảm mạnh nhất kể từ tháng 5-2020.

Do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu lao động, nhiều nhà máy đã không thể đáp ứng kịp nhu cầu trong quá trình phục hồi nhanh chóng ở thời kỳ hậu Covid-19. Theo cuộc khảo sát của S&P Global, lượng đơn hàng tồn đọng ở các nhà máy thuộc khu vực eurozone cũng giảm lần đầu tiên sau gần hai năm.

Xuất khẩu từ khu vực châu Á chững lại

Hoạt động xuất khẩu chững lại ở một số nền kinh tế châu Á vốn hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ về nhu cầu đối với máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác trong thời kỳ dịch bệnh khi người lao động ở Mỹ và châu Âu biến nhà của họ thành văn phòng.

Các số liệu chính thức được công bố hôm 1-7 cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại rõ rệt trong tháng 6, trong khi đó, dữ liệu từ Việt Nam cũng cho thấy xuất khẩu hàng hóa công nghệ giảm trong tháng 6 và đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Hoạt động sản xuất ở Đài Loan cũng giảm trong tháng trước với đơn đặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hai năm.

Tại Trung Quốc, các nhà máy cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm trong tháng 6. Hồi tháng 5, hãng chip SMIC của Trung Quốc cảnh báo nhu cầu về hàng điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng sẽ lao dốc.

Hôm 30-6, Công ty Ryohin Keikaku của Nhật Bản, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ Muji, cắt giảm dự báo lợi nhuận cả trong năm nay do phải chiết khấu lớn để giải phóng hàng tồn kho.

Một dấu hiệu khác chỉ ra nhu cầu đang suy yếu là chi phí vận tải biển đã giảm đáng kể. Theo chỉ số Freightos Baltic, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến bờ Tây của Mỹ giảm 15% chỉ trong vòng một tuần và đang thấp hơn 14% so với một năm trước đó.

Sức chi tiêu bị xói mòn

Sự hạ nhiệt của nhu cầu đối với hàng hóa không có khả năng làm giảm lạm phát nhanh chóng vì chiến sự ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng mạnh.

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu cho biết chỉ số giá tiêu dùng ở khu vực đồng eurozone trong tháng 6 tăng hơn 8,6% so với một năm trước đó và đây là tốc độ lạm phát hàng năm cao nhất được ghi nhận ở khu vực này.

Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí năng lượng ở các hộ gia đình tăng đến 41,9% và giá thực phẩm tăng 8,9%. Trong khi đó, giá hàng hóa sản xuất tăng 4,3%.

Trước triển vọng kinh tế xấu đi rõ rệt kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, người tiêu dùng châu Âu đang thận trọng hơn về việc mua sắm hàng hóa tương đối đắt tiền và được mua thường xuyên, chẳng hạn như thiết bị gia dụng cỡ lớn.

Trả lời cuộc khảo sát hồi tháng 6 của Ủy ban châu Âu, người tiêu dùng cho biết họ sẽ giảm mua sắm lớn trong 12 tháng tới.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng UBS dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng trong khu vực eurozone sẽ giảm nhẹ trong quí 3 và đi ngang trong ba tháng cuối năm, trước khi tăng lên vào đầu năm 2023 khi lạm phát hạ nhiệt. Họ nhận định nền kinh tế eurozone sẽ tránh được suy thoái.

Mặc dù tiền lương ở các nước phương Tây tăng với tốc độ nhanh hơn so với những thập niên gần đây, nhưng không theo kịp lạm phát và sức chi tiêu của các hộ gia đình đang bị xói mòn. Một số nhà kinh tế khác lo ngại sự suy yếu của tiêu dùng hộ gia đình có thể kéo dài dai dẳng và đủ mạnh để đẩy các nền kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương vào suy thoái.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới