Thứ hai, 13/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng toàn cầu dần trở lại bình thường

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình trạng tắc nghẽn các chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn còn gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng đang dần trở về bình thường, không còn là mối đe dọa như cách đây 6 tháng, đặc biệt là ở Mỹ. Tình trạng chậm trễ giao hàng đã dịu lại và phần nào đó giúp giảm áp lực lạm phát.

Tàu container ở cảng nước sâu Dương Sơn tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg

Căng thẳng nguồn cung hạ nhiệt khi nhu cầu mua sắm giảm

Những cải thiện khiêm tốn trong chuỗi cung ứng được thể hiện qua các thước đo của các tổ chức dự báo kinh tế từ Bloomberg Economics đến Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York. Nhưng sự kết thúc chậm rãi của cuộc khủng hoảng nguồn cung do đại dịch Covid-19 gây ra có thể nhường chỗ cho một vấn đề tiềm ẩn khác: nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, làm đảo chiều tăng trưởng kinh tế và dẫn đến núi hàng tồn kho khổng lồ.

Nhóm nhà kinh tế học của Ngân hàng Citigroup do nhà kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets dẫn đầu, viết trong một báo cáo nghiên cứu trong tháng này: “Áp lực trong các lĩnh vực hàng hóa toàn cầu, vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, cuối cùng có thể giảm bớt. Tin xấu là điều này có vẻ đang xảy ra do nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng toàn cầu chậm lại, đặc biệt là hàng hóa mua sắm tùy ý và do đó cũng có thể báo hiệu nguy cơ suy thoái gia tăng”.

Chỉ số theo dõi căng thẳng chuỗi cung ứng ở Mỹ của Công ty tư vấn Oxford Economics đã giảm trong 3 tháng liên tiếp. Các nhà kinh tế nói chung nhất trí rằng nhu cầu mua sắm hàng hóa của các hộ gia đình Mỹ sẽ là yếu tố quan trọng cần quan sát trong những tháng tới, nhưng họ vẫn không chắc nhu cầu này sẽ duy trì mạnh mẽ hay giảm xuống.

Một chỉ số khác gợi ý rằng nhu cầu mua sắm sẽ trở lại bình thường khi người dân Mỹ đi ăn tiệm, xem hòa nhạc và đi du lịch nhiều hơn so với thời kỳ dịch bệnh. Để giúp xác định chi tiêu ở Mỹ đang chuyển hướng sang các dịch vụ, Công ty giao nhận hàng hóa Flexport, có trụ sở tại San Francisco, đã phát triển Chỉ số hậu Covid (Post-Covid Indicator) để giám sát cách người Mỹ phân chia tiền lương của họ cho các khoản chi tiêu.

Kết quả mới nhất cho thấy chi tiêu của người dân Mỹ đã thoát ra một chút khỏi hàng hóa. Công ty này nhận định: “Nhìn về phía trước, chỉ số này được dự báo sẽ giữ ở mức gần với mức hiện tại trong suốt quí 3 -2022. Điều đó có nghĩa là ưu tiên chung của người tiêu dùng đối với hàng hóa sẽ giảm nhưng vẫn cao hơn một chút so với mùa hè năm 2020 và mức trước đại dịch”.

Một chỉ báo khác cho thấy nguồn cung đang có biểu hiện chùng xuống sau hai năm thắt chặt là giá cước vận tải biển tiếp tục giảm từ mức cao kỷ lục. Điều này đang diễn ra trong mùa cao điểm của vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Mới chỉ cách đây vài tháng, một số nhà quan sát cảnh báo thị trường vận tải biển thiếu công suất dự phòng.

Giá cước vận chuyển container trên toàn cầu vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch nhưng đang trong xu hướng giảm để tìm kiếm điểm đáy mới trong bối cảnh khó dự báo chi tiêu hàng hóa của người tiêu dùng Mỹ.

Chưa vội lạc quan

Citigroup cảnh báo không nên vội lạc quan cho rằng vấn đề chuỗi cung ứng đã được giải quyết vì vẫn còn nhiều lý do để nghi ngờ liệu các tắc nghẽn trong dòng chảy thương mại toàn cầu sớm thông suốt hay không.

Các cuộc đình công của người lao động, tình trạng gián đoạn hoạt động ở các nhà máy liên quan đến dịch Covid-19 ở Trung Quốc, chiến tranh Nga-Ukraine và áp lực vận chuyển hàng hóa vào dịp lễ cuối năm có thể làm rối loạn mạng lưới hậu cần một lần nữa.

Phần lớn sự phục hồi của hoạt động kho vận phụ thuộc vào khả năng Trung Quốc kiểm soát các đợt bùng phát Covid-19, để duy trì hoạt động của các nhà máy và các cảng container. Trung Quốc dường như đã làm điều đó với số liệu công bố hôm 14-7 cho thấy tháng 6 là tháng xuất khẩu tốt thứ hai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong ít nhất ba thập niên.

Gần đây, nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics đã công bố dữ liệu theo dõi chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất ở nước này đã  phục hồi và thời gian giao hàng được rút ngắn lại sau khi Thượng Hải dỡ bỏ lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19.

Không phải mọi thứ đều ổn, đặc biệt là ở châu Âu, nơi đang chứng kiến ​​các vấn đề vận tải kéo dài dai dẳng do khu vực này nằm gần với cuộc giao tranh ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa có xuất xứ hoặc hướng đến Nga đang làm phức tạp thêm dòng chảy thương mại đến châu Âu, đặc biệt là từ châu Á.

Ngoài ra, các cuộc đình công của người lao động giống như cuộc đình công của công nhân ở các cảng biển lớn của Đức trong những ngày gần đây sẽ làm trì hoãn quá trình phục hồi của hoạt động vận tải biển.

Các số liệu từ Viện Kinh tế thế giới Kiel (Đức) cho thấy tình trạng tắc nghẽn đã nhen nhóm trở lại tại các cảng ở khu vực Bắc Âu và tăng cao hơn ở các cảng nằm dọc theo bờ Đông của Mỹ, từ Georgia đến New York, nơi các tàu đang xếp hàng chờ cập bến trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.

Một chỉ báo khác cho thấy căng thẳng nguồn cung có thể không giảm nhanh chóng. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, công bố hôm 15-7, cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng 6 đã tăng nhiều hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.

Hai nhà kinh tế Yelena Shulyatyeva và Andrew Husby của Bloomberg Economics cho biết điều này phản ánh rằng vẫn còn đủ động lực cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm dù người tiêu dùng tìm cách đối phó với lạm phát.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới