Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sách là người

Quỳnh Đan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Buổi giới thiệu sách Ký ức theo dòng đời của ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, hôm Chủ nhật 10-7 chỉ dành riêng cho sinh viên, giảng viên và một vài khách mời thân hữu của ông. Phan Chánh Dưỡng là một giảng viên đặc biệt bởi lẽ trong suốt thời gian rất dài trong cuộc đời hơn 70 năm của ông cho đến nay, ông vẫn gắn bó với ngôi trường này.

Quyển sách với những câu chuyện kể trong đó không chỉ là cuộc đời của Phan Chánh Dưỡng mà cả một giai đoạn thời cuộc kéo dài mấy chục năm, gắn liền với dòng chảy kinh tế của Việt Nam.

Nhà báo Trần Trọng Thức trong một bài ngắn ở phần đầu quyển Ký ức theo dòng đời, viết rằng ngôn ngữ của Phan Chánh Dưỡng “mộc mạc và chân tình như bạn bè thường nghe anh kể chuyện đời trong những lúc trà dư tửu hậu”(1). Và khác với phần lớn các quyển hồi ký thường đăng ảnh nhân vật trên bìa một, bìa sách Ký ức theo dòng đời rất đơn giản, không có ảnh của tác giả mà chỉ là vài vệt màu có lẽ tượng trưng cho dòng đời của ông. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc đời của tác giả, ẩn chứa trong bức tranh ước lệ trên bìa, “hơn 300 trang viết lẫn lộn bao nhiêu buồn vui (…) “đó là nỗi éo le của thân phận và con người tôi [ông Dưỡng]””(2).

Dòng đời trôi theo dòng thời cuộc

Tuy không phải là nhà văn, Phan Chánh Dưỡng mở đầu quyển sách không kém phần văn học. Ông viết: “Dòng đời như dòng sông.“Thọ mệnh” của một con người như hạt nước hòa quyện vào dòng chảy mà đi xa (…) Hạt nước nào đã ngưng tụ lại thành thân tôi, không ai biết”(3).

Ký ức theo dòng đời cho người đọc thấy nỗi đau trong trái tim của đứa trẻ sáu tuổi khi phát hiện ra mình là con nuôi; buồn cho kiếp người trong thời chiến; vui với câu chuyện mình trở ông chủ tiệm tạp hóa mới 15 tuổi ở xóm Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; để rồi nổi trôi theo những biến cố sau đó khi tác giả kiếm sống ở Sài Gòn.

Những lần gặp gỡ trước năm 1975 của Phan Chánh Dưỡng với giáo sư sử học người Anh thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, cũng như ký giả người Mỹ và sinh viên phản chiến người Pháp có thể chỉ là một lát cắt trong cuộc đời của họ, nhưng với ông đó lại như những làn gió mát. Còn theo nhà báo Trần Trọng Thức, quyển sách vừa là “tự sự”, vừa là “thế sự” bởi những câu chuyện kể trong đó không chỉ là cuộc đời của Phan Chánh Dưỡng mà cả một giai đoạn thời cuộc kéo dài mấy chục năm, gắn liền với dòng chảy kinh tế của Việt Nam. Nói cách khác, chuyện ông kể như những thước phim tái hiện một phần bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị trải dài những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước. Cholimex và những con người ngày đó không chỉ là câu chuyện của riêng ông mà có thể xem là một phần lịch sử kinh tế trong giai đoạn đó. Khu Chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cụm dự án Hiệp Phước là các công trình có tầm vóc của TPHCM mà Phan Chánh Dưỡng nằm trong số những người có công khai mở, rồi đóng vai trò quan trọng khi triển khai.

Nhiều điều xảy ra trong dòng đời của Phan Chánh Dưỡng ở giai đoạn nói trên không những là bài học về các quyết định kinh tế sai lầm trong thời bao cấp, về thân phận con người, về thuật dụng nhân mà phần nhiều giá trị vẫn còn nguyên trong bối cảnh hiện nay và cả trong tương lai. Đáng chú ý không kém, tuy khó có thể xác định chính xác bằng định lượng những biến cố trong giai đoạn đó ảnh hưởng ra sao đến kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ, có thể khẳng định rằng chúng đã góp phần đáng kể vào dòng chảy chung đưa đến quyết định Việt Nam dứt khoát chấp nhận con đường kinh tế thị trường thay cho nền kinh tế bao cấp.

Một điều thú vị khác khi nói về Phan Chánh Dưỡng là trong buổi giới thiệu sách, tuy tự nhận mình “không phải nhà văn, nhà báo” nhưng ông lại rất sành việc áp dụng thủ tháp “chơi chữ” được nhiều nhà báo ưa chuộng. Khi trả lời vì sao Nhóm Thứ Sáu (có thể được xem là một trong những nhóm “thinktank” đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975) tồn tại được trong thời kỳ đầu đầy khó khăn và thử thách của giai đoạn đổi mới kinh tế, Phan Chánh Dưỡng đã trả lời như sau: “Chúng tôi lúc đó giống như thân phận của con nghêu, sống được là nhờ hai cái vỏ. Cái vỏ ở dưới là Võ Trần Chí, cái vỏ ở trên là Võ Văn Kiệt”(4).

Lấy sự học làm đầu

Phan Chánh Dưỡng mở đầu phần trình bày của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu vì cử tọa phần lớn là học viên của chương trình chính sách và quản lý công Fulbright. Tuy nhiên, nếu lắng nghe kỹ hơn, chúng ta có thể thấy những gì ông nói vượt quá lời nhắn nhủ dành cho học trò.

Dường như ông muốn nhấn mạnh với cả xã hội, nhất là những người trẻ tuổi, rằng việc học hỏi nghiêm túc giúp người ta thoát dốt, thoát nghèo để vươn lên mạnh mẽ.

Theo dõi dòng đời của Phan Chánh Dưỡng, độc giả sẽ thấy tự thân ông cũng là một ví dụ tự học không ngừng, mọi lúc, mọi nơi. Vì gia cảnh, ông phải nghỉ học khi vừa mới hết tiểu học, nhưng tại Sài Gòn ông không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để tự học. Ông học nhờ “xem cọp” sách ở nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn. Ông tự học để thi đỗ tú tài, đậu đại học, học ngoại ngữ. Rồi sau này, ông cũng không bỏ qua cơ hội học kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nhân người Hoa là bạn bè ông.

Có lẽ người khắc họa tính “ham học” của Phan Chánh Dưỡng rõ nhất trong quyển sách là Huỳnh Bửu Sơn, người bạn vừa quá cố của ông. Quan sát cách bạn mình học khi tiếp xúc với các thành viên trong Nhóm Thứ Sáu, ông Sơn viết: “Trong các buổi họp, anh [Dưỡng] luôn chăm chú theo dõi, ghi chép cẩn thận, đặt những câu hỏi thật thực tế, sát sườn…”(5).

Còn Phan Chánh Dưỡng tự viết về cách mình học từ các thành viên khác của Nhóm Thứ Sáu như sau: “Thú thật, lúc bấy giờ tôi chỉ là một cậu học trò ngồi nghe 24 ông thầy tranh luận về nội dung kinh tế “tầm vĩ mô” (…) thì ra chuyện mua bán khác với chuyện kinh tề và nhờ đó tôi được biết cái tôi chưa từng biết, cái tôi cần phải học”(6).

Năm 2004, lúc 56 tuổi, ông Phan Chánh Dưỡng tiếp tục học bằng cách nhận lời làm học giả nghiên cứu kinh tế tại Mỹ trong một năm. Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm về tinh thần học hỏi không ngừng của ông khi biết rằng hiện nay đã 74 tuổi, ông vẫn tiếp tục dạy tại chương trình thạc sĩ chính sách công Fulbright Việt Nam.

Phần phụ chưa hẳn đã phụ

Người viết bài này cho rằng Ký ức theo dòng đời có phần phụ lục không kém phần đặc biệt. Năm đề tài trong đó thoạt đầu tưởng chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, nếu dừng lại lâu hơn một chút, chúng ta có thể thấy rằng phụ lục này chẳng phụ chút nào mà, ngược lại, trong một chừng mực nào đó, chính là những gì Phan Chánh Dưỡng trăn trở vì chưa làm được và muốn gửi gắm lại cho các thế hệ sau.

Ngoài phụ lục đầu tiên bàn về ngôn ngữ trong đó ông đề xuất ý tưởng xem chữ Hán như cổ ngữ - học sinh lớp sáu chỉ cần học 1-2 tiết/tuần sẽ là cơ hội giúp đọc lại sách cổ, văn học cổ Việt Nam - các phụ lục khác đều là những đề tài liên quan thiết thân đến cả xã hội, bao gồm giáo dục đưa con người hướng thiện, tầm quan trọng của sông Sài Gòn, nghèo và thoát nghèo, và những yêu cầu cơ bản của con người.

Ở đây xin bàn thêm một chút về phụ lục thứ ba “Sông Sài Gòn”. Phan Chánh Dưỡng - một người Việt gốc Hoa - trải qua tuổi thơ của mình bên dòng sông Ông Đốc ở Mũi Cà Mau, vùng cực Nam của tổ quốc. Cuộc đời run rủi thế nào, khi lớn lên số phận của ông lại gắn liền với một dòng sông khác: sông Sài Gòn. Sở dĩ nói như vậy là vì cho đến tận tuổi này, ông vẫn theo đuổi ý tưởng mình đã ấp ủ từ lâu. Đó là tầm nhìn mở rộng vùng TPHCM dưới quan điểm kinh tế vùng, trong đó TPHCM sẽ tiến ra biển Đông theo dòng chảy của sông Sài Gòn. Dù biết rằng con đường ra biển còn nhiều chông gai, ông vẫn gửi gắm hy vọng của mình vào đó.

Khép lại quyển Ký ức theo dòng đời, độc giả có thể nhận ra rằng những gì Phan Chánh Dưỡng đã làm trong cuộc đời cho đến nay có lẽ là không nhỏ, nhưng nhìn lại những trăn trở của ông trong cả tập sách, xem ra điều ông làm được vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì ông muốn làm. Có lẽ quyển sách cũng vậy. Cuộc đời ông chắc còn nhiều chuyện đáng để kể mà khuôn khổ mấy trăm trang giấy không nói hết được. Và chắc độc giả cũng thấy rằng với Phan Chánh Dưỡng và quyển Ký ức theo dòng thời gian, sách cũng là người!

--------------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6)“Ký ức theo dòng đời”, Phan Chánh Dưỡng, Nhà xuất bản Đà Nẵng và PhanBook, 2022 dẫn ở các trang tương ứng là tr. 5, 6, 9, 233, 332 và 262.

1 BÌNH LUẬN

  1. Sách là người. Điều này chắc chắn rồi. Vì sách luôn gắn với người viết ra nó, cũng như phản ánh quan điểm của cá nhân người viết sách. Tuy nhiên, luôn tồn tại một vấn đề lớn hơn. Sách cũng chính là đời, là thế sự, là thời cuộc. Đó có thể là tiếng nói của lương tâm nhằm đánh thức nhân loại, hoặc tiếng thở dài của dư luận trước những bộn bề của cuộc sống. Văn chương ở ta lâu nay có vẻ như rất trầm lắng, bởi không có những “tác phẩm lớn” để đời, như đánh giá và nhận xét của nhiều nhà phê bình. Tác phẩm lớn, trước hết không phải là tác phẩm dày cộp, mà phải là tác phẩm có tư tưởng lớn, không chỉ phản ánh xu thế cục diện mà còn là “chim báo bão” những câu chuyện trước mắt và tương lai của xã hội. Cuốn sách của nhà văn/ nhà kinh doanh Phan Chánh Dưỡng có lẽ là một trong những trường hợp này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới