(KTSG Online) - Theo báo cáo của 28 tỉnh, thành phố ven biển gửi tới Bộ Xây dựng, số hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở để phòng, tránh bão, lụt hiện vẫn còn rất lớn. Nếu theo chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021, thì giai đoạn 2021-2030 con số này là khoảng 30.000 hộ.
- Để tăng trưởng kinh tế đi cùng thích ứng biến đổi khí hậu
- Tác động của biến đổi khí hậu nhìn từ góc độ sức khỏe người dân
Đây là một trong những nội dung chính tại dự thảo Tờ trình về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, vừa được Bộ Xây dựng cập nhật lên hệ thông lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân. Trước nhu cầu cấp thiết nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian qua, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đã kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo phòng, tránh bão, lụt tại các tỉnh, thành phố ven biển.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ hộ nghèo vùng thường xuyên bị bão, lụt có chỗ ở an toàn, ổn định; từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Theo tính toán về suất đầu tư xây dựng năm 2020 (theo Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20-1-2021), nhà ở riêng lẻ 1 tầng, tường bao xây gạch, mái tôn có suất vốn đầu tư là 1,82 triệu đồng/m2 sàn; nhà ở riêng lẻ 1 tầng, căn hộ khép kín, kết cấu tường gạch chịu lực, mái bê tông cốt thép đổ tại chỗ là 4,78 triệu đồng/m2 sàn.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 97/QĐ-BXD ngày 9-3-2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia năm 2021, thì chỉ số giá xây dựng công trình xây dựng nhà ở đã tăng 6,61% so với năm 2020.
Như vậy, để xây dựng mới căn nhà 1 tầng diện tích 30m2 có tuổi thọ tối thiểu 20 năm tại thời điểm hiện nay thì chi phí vật liệu và nhân công từ 58,2-152,8 triệu đồng (mức trung bình trong khoảng từ 90-120 triệu đồng).
Theo Bộ Xây dựng, nếu ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 2/3 giá thành xây dựng căn nhà (như theo tính toán đối với việc hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg giai đoạn 2014-2021) thì mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng mới một căn nhà khoảng từ 60-80 triệu đồng.
Trên cơ sở đó, để tăng chất lượng xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình cũng như để đồng bộ với mức hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Xây dựng đề xuất nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lên 40 triệu đồng/hộ đối với các hộ gia đình có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội; 30 triệu đồng/hộ đối với các hộ gia đình khác.
Như vậy, nhu cầu vốn để thực hiện chính sách trong giai đoạn 2022-2025, cần khoảng 2.106 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 906 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; khoảng 1.200 tỉ đồng vốn cho vay ưu đãi làm nhà ở.
Ngoài nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tùy điều kiện cụ thể, các tỉnh, thành phố có thể bố trí thêm kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động thêm sự tham gia của cộng đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ cho các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền, vật liệu, nhân công... từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở. Đây cũng là các nguồn vốn bổ sung mang lại hiệu quả, giúp các hộ gia đình xây dựng nhà ở đáp ứng yêu cầu theo quy định
Thống kê cho thấy giai đoạn 2014-2021 có khoảng 19.032/23.797 hộ gia đình nghèo vùng bão, lụt có khó khăn về nhà ở đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung.Trong giai đoạn 2017-2021, có 5 tỉnh (Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tham gia dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu xanh viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).Theo dự án trên, có khoảng 4.000 hộ gia đình nghèo, khó khăn về nhà ở tại 5 tỉnh nêu trên được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo dự án này. Mỗi hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ theo dự án, ngoài nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 48/2014 sẽ được nhận thêm 1.700 đô la Mỹ/hộ để gia cường các tính năng chống bão cho nhà ở.Đến nay, dự án đã hỗ trợ được khoảng 3.922/4.000 hộ gia đình hoàn thành xây dựng nhà ở (đạt tỷ lệ 98%). Kết quả trên đã được tổ chức UNDP đánh giá cao.
Tổng hợp từ TTXVN