(KTSG Online) - Việc Bộ Xây dựng thúc đẩy các địa phương công khai thông tin bất động sản được xem là giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện điều này một cách đồng bộ và đạt được hiệu quả trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện mà quan trọng nhất vẫn là hệ thống thông tin dữ liệu số về bất động sản.
- Bộ Xây dựng sẽ công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản hàng quí
- Tin xấu đã chiết khấu đáng kể vào giá?
- Nhiều tín hiệu cho dự báo tăng thu ngân sách từ bất động sản
Minh bạch để ngăn nhiễu loạn thị trường
Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Nghị định số 44 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương kiểm tra việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (máy chủ, máy trạm), bảo đảm sự vận hành của hệ thống cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ cũng đề nghị các địa phương giao Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà ở và thị trường bất động sản địa phương cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu; tổ chức vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.
Các cơ quan nêu trên cần phối hợp với các đơn vị thu thập, tiếp nhận các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản địa phương do cơ quan, tổ chức, cá nhân chia sẻ, cung cấp. Đồng thời với việc tiếp nhận là chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản về việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin, dữ liệu được quy định tại nghị định trên.
Đối với các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị phối hợp trong việc kết nối, chia sẻ thông tin từ các cơ sở dữ liệu có liên quan do bộ ngành quản lý. Đồng thời các cơ quan đảm bảo việc duy trì, kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Trong báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa đầy đủ, hoàn chỉnh. Do việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến thị trường bất động sản chưa được thường xuyên, liên tục và đầy đủ, nên theo Bộ Xây dựng, dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản; hàng quí có báo cáo Thủ tướng về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Cần một hệ thống dữ liệu cập nhật thực tế
Liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin bất động sản hiệu quả, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải xây dựng được kho dữ liệu lưu trữ các thông tin mua bán. Từ năm 2018 đến nay, mặc dù Việt Nam liên tục thăng hạng về chỉ số minh bạch bất động sản nhưng Bộ Xây dựng thừa nhận hiện tượng “nhà đất 2 giá” vẫn còn khá phổ biến.
Ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu bất động sản cho thấy, trong giao dịch đất nền, có nơi tăng giá gấp 2 - 3 lần chỉ trong một năm. Tuy nhiên, giá giao dịch được kê khai tại các cơ quan quản lý nhà nước thường thấp hơn mức giá thực tế nhằm trốn thuế.
Vì vậy, theo các chuyên gia, cần đăng ký đất đai và thực hiện số hóa toàn bộ thông tin đất đai và bất động sản để hình thành hệ thống thông tin số về lĩnh vực này. Từ đó, thống nhất, đồng bộ dữ liệu, phục vụ cho quản lý biến động và thông tin sở hữu bất động sản.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp giữa các phòng công chứng khi công chứng các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế. Nghiêm cấm và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trao tay không qua đăng ký giao dịch.
Thực tế còn cho thấy Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, bất động sản. Năm 2009, Bộ Xây dựng đã đưa vào tính thử các chỉ số liên qua đến giá và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do nhiều lý do và nguyên nhân, đến nay, các chỉ số của Bộ Xây dựng vẫn chưa được chính thức công bố. Tương tự như vậy, Tổng cục Thống kê cũng đã có dự án về điều tra, tính toán chỉ số giá thị trường bất động sản từ năm 2018. Tuy vậy, đến nay, chỉ số giá bất động sản chính thức của Tổng cục Thống kê cũng vẫn chưa hiện thực.
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho biết giải pháp kỹ thuật để số hóa hệ thống dữ liệu giao dịch không phải quá khó, vấn đề là việc cập nhật dữ liệu đúng với diễn biến thực tế hay không mới quan trọng. Việc cập nhật được thông tin đầu vào chuẩn mới giúp hoàn thiện được bộ chỉ số cho thị trường bất động sản.
“Ngay cả việc cập nhật lịch sử giao dịch, quy hoạch của bất động sản cũng cần được thực hiện đúng và thường xuyên theo thời gian thực thì mới có được dữ liệu chuẩn. Điều này hỗ trợ tối ưu việc liên thông giữa các cơ quan như đóng thuế, nộp tiền sử dụng đất, kiểm tra quy hoạch, giá đất từng khu vực…”, ông Chánh nói.
Để thị trường bất động sản có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, nhiều chuyên gia cho rằng cần đưa vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nội dung tính toán các chỉ số giá đất, giá nhà, giá bất động sản. Bên cạnh đó là các chỉ số thị trường đất đai, thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.
Tất cả được công khai theo hướng cập nhật tự động theo thời gian trên quy mô cả nước, thông tin bất động sản phải kết nối với dữ liệu cá nhân (căn cước công dân, hộ chiếu...). Hơn hết là tất cả thông tin phải được công khai, minh bạch và dự báo được…
Dưới góc độ thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhấn mạnh việc công khai thông tin dự án là cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch.
"Việc công bố danh sách cũng cần cập nhật liên tục, theo thời gian thực để tạo luồng thông tin kịp thời. Đặc biệt cần công khai điều kiện bảo lãnh ngân hàng, điều mà rất nhiều chủ đầu tư đang né tránh, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài ra, phải có quy định xử lý nghiêm chủ đầu tư né tránh công khai thông tin dự án", ông Châu cho hay.