Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử: Trách nhiệm pháp lý với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Nguyễn Lương Sỹ(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT) là nơi có số lượng người dùng khổng lồ và gần như không bị kiểm soát. Đây cũng là môi trường thường diễn ra các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nghiêm trọng nhất hiện nay. Liệu những trang mạng xã hội, sàn TMĐT có hoàn toàn vô can không?

Mạng xã hội, thương mại điện tử đang là những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ toàn cầu và một quốc gia trẻ như Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Với số lượng người dùng khổng lồ và gần như không bị kiểm soát, đây cũng chính là môi trường thường diễn ra các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng nhất. Thậm chí, trong một báo cáo công bố đầu năm 2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ còn phản ánh tình trạng hàng giả tràn lan trên một trang thương mại điện tử.

Vào năm 2020, kỳ lân tỉ đô của Việt Nam là VNG cũng gây chấn động khi khởi kiện nền tảng TikTok và yêu cầu bồi thường hơn 200 tỉ đồng vì cho rằng người dùng TikTok xâm phạm bản quyền âm nhạc của trang Zing MP3 (thuộc sở hữu của VNG).

Những sự việc kể trên đặt các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet tại Việt Nam trước một thách thức pháp lý không hề đơn giản.

Nhà cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet: Họ là ai?

Thế giới Internet được vận hành bởi mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Các tổ chức này không trực tiếp tạo ra thông tin số, mà chỉ cung cấp máy chủ, đường truyền, lưu trữ cùng các dịch vụ khác để người dùng cá nhân hoặc tổ chức khác sử dụng.

Cấp độ đơn giản nhất là nhà cung cấp kết nối Internet, hay có tên gọi phổ thông khác là “nhà mạng” như Viettel, VNPT, FPT… Ngược lại, cấp độ phức tạp nhất là các máy chủ như Oracle Cloud, Amazon Web Services, là nơi để đăng ký tên miền, lưu trữ đám mây, thiết lập trang web hay công cụ thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, vì không phải là nơi trực tiếp tạo ra nội dung số, hai dạng kể trên ít được người dùng biết đến.

Những nền tảng quen thuộc với người dùng hơn phải kể tới cổng thông tin điện tử, công cụ tìm kiếm (Google, Bing…), và đặc biệt là mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, TikTok…). Các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Tiki cũng được xếp vào nhóm mạng xã hội theo cách phân loại này. Mạng xã hội cho phép người dùng khởi tạo, chia sẻ nội dung với nhau khi truy cập Internet, thứ hiện nay là công cụ không thể thiếu với cuộc sống hiện đại.

Mạng xã hội, sàn TMĐT không hoàn toàn vô can

Với việc người dùng được tự do sáng tạo nội dung hay rao bán hàng hóa, tình trạng xâm phạm tài sản trí tuệ như quyền tác giả, nhãn hiệu là vấn đề rất phổ biến trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Trong kỷ nguyên mà thông tin và tốc độ truyền đạt thông tin đóng vai trò sống còn, sẽ là bất hợp lý nếu như buộc các nền tảng trung gian phải kiểm soát nội dung do người dùng tạo ra.

Từ đó, các quốc gia tiên tiến trên thế giới, tiên phong là Mỹ và các nước thuộc EU, đã thiết lập một cơ chế miễn trách nhiệm cho mạng xã hội, sàn thương mại điện tử khi có hành vi xâm phạm quyền SHTT của người dùng. Tuy nhiên, các nền tảng này không thể đương nhiên đứng ngoài cuộc, mà chỉ được miễn trách nhiệm khi đáp ứng được các điều kiện khắt khe.

Một trong những nghĩa vụ hàng đầu đó là nhà cung cấp dịch vụ phải có công cụ để người dùng báo cáo vi phạm, đồng thời nhanh chóng xác minh và gỡ bỏ toàn bộ các nội dung vi phạm đó. Vụ kiện đầu tiên đánh dấu tiêu chí quan trọng này là Napster - nền tảng chia sẻ nhạc lớn nhất thế giới đầu thập niên 2000. Họ bị kiện vì cho phép người dùng chia sẻ các file MP3 bài hát “lậu”.

Mặc dù thắng kiện nhưng Napster bị Tòa buộc phải xây dựng công cụ gỡ bỏ hiệu quả các bài hát vi phạm bản quyền. Đến năm 2002, vì không đáp ứng được yêu cầu trên, Napster đã phải đóng cửa dịch vụ (dù hiện nay hoạt động của Napster đã được khôi phục, họ vĩnh viễn không thể tìm thấy ánh hào quang xưa cũ).

Sự thất bại của Napster vừa là cơ hội, vừa là bài học lớn cho kẻ đến sau: YouTube. Nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới hiện nay thực thi vấn đề bản quyền cực kỳ nghiêm ngặt và hiệu quả. Bên cạnh tự động quét dữ liệu, họ còn cho phép chủ sở hữu quyền nhiều giải pháp khắc phục như: gỡ bỏ hoàn toàn, tắt đoạn tiếng/hình xâm phạm, hoặc chia sẻ lợi nhuận thu được.

Châu Âu cũng chứng kiến nhiều vụ kiện kinh điển liên quan đến trách nhiệm của mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Đó là vụ kiện giữa hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới L’Oreal với một trong những ông lớn thương mại điện tử là sàn eBay. L’Oreal kiện eBay vì đã để hành vi xâm phạm nhãn hiệu của họ diễn ra tràn lan trên sàn giao dịch này.

Tương tự như Napster, mặc dù không thua kiện, nhưng eBay cũng phải áp dụng hàng loạt biện pháp khắc phục như công khai danh tính, địa chỉ người bán, đảm bảo giải quyết hiệu quả khiếu nại từ các chủ sở hữu quyền.

Đổi mới kịp thời trong Luật SHTT sửa đổi, bổ sung

Các loại hình cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet, cũng như nghĩa vụ của họ đã được quy định trong Luật Công nghệ thông tin 2006, và văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, phải đến khi Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2022 được Quốc hội thông qua, Việt Nam mới chính thức ghi nhận một cơ chế miễn trách nhiệm tương đương với Mỹ và EU dành cho nhà cung cấp dịch vụ trên Internet đối với hành vi xâm phạm của người dùng.

Theo đó, điều 198b quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Nhưng đồng thời, các đơn vị này cũng phải có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ sở hữu để thực thi bảo vệ.

Như vậy, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam đã có khung pháp lý để được miễn trừ trách nhiệm khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả của người dùng. Với quy định này, nền tảng trung gian sẽ có nhiều không gian tự do để phát triển hơn, trên cơ sở đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Tuy vậy, cần lưu ý là quy định miễn trừ chỉ áp dụng đối với quyền tác giả, không bao gồm các quyền khác như đối với nhãn hiệu, tên thương mại… Điều này có nghĩa là các sàn thương mại điện tử vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới khi để hàng giả, hàng lậu được hoạt động mua bán trên hệ thống của mình.

Pháp luật SHTT Việt Nam đã kịp thời xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp với yêu cầu quốc tế, và đặc biệt là nhu cầu của thị trường Internet. Việc thực thi quy định mới trong thực tiễn sẽ đòi hỏi phải sớm có các văn bản hướng dẫn chi tiết, chỉ khi đó thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới yên tâm đầu tư và phát triển. Mặt khác, người dùng, nhất là chủ sở hữu quyền mới hiểu và sử dụng chính xác công cụ để đảm bảo quyền lợi của mình trên môi trường dễ tổn thương như mạng Internet.

(*) Thạc sĩ Luật. Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Huế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới