(KTSG) - Trong bài viết Lao động vượt biên (KTSG ngày 21-7-2022), tác giả Nguyễn Khắc Giang nêu một thực trạng nhức nhối ở nông thôn: hơn 51.000 người, cả thanh niên chưa vợ lẫn có gia đình, đi xuất khẩu lao động trong sáu tháng đầu năm nay. Ở bài viết này, người viết muốn đề cập một thực trạng khác có liên quan, đó là câu chuyện của những người trở về sau ba hay năm năm lao động ở nước ngoài.
Có vốn, nhưng không biết làm gì
Tuần trước, tôi vừa đưa một người bạn ra Hà Nội làm thủ tục xuất ngoại đi lao động ở Đài Loan. Bạn tôi chỉ với trình độ học vấn hết lớp 9, từng lăn lộn ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai rồi trở về quê Hà Tĩnh sống được gần hai năm thì… “hết chịu nổi”! Bạn tâm sự cần một chuyến đi để đổi đời, vì nhìn xung quanh, đa số những thanh niên từng đi xuất khẩu lao động đều có “nhà cao cửa rộng”.
Tôi hiểu nỗi niềm trăn trở của bạn, nhưng điều làm tôi lo lắng là liệu sau ba năm xuất ngoại trở về, với số vốn trong tay, bạn có tiếp tục theo “vết xe đổ” của những thanh niên trong làng: mở quán nhậu, dồn tiền xây căn nhà to hoặc đổ vào một kênh đầu tư nào đó nhưng hoàn toàn không có kiến thức về nó để rồi phải trắng tay?
Có thể thấy rõ những đồng tiền được chắt chiu từ những ngày lao động ở nước ngoài giờ đang đi vào ngõ cụt. Đó là một thực trạng thật đáng buồn.
Quê tôi bây giờ đã quen với khái niệm “nhà đi Nhật”, “nhà đi Đài”, để chỉ những gia đình có con cái đi xuất khẩu lao động (ở Nhật Bản, Đài Loan…).
Điểm chung của những nhà này là nhà cửa của họ đều được xây từ số tiền tích góp từ những năm người thân lao động ở nước ngoài. Những gia đình ít tiền hơn thì dồn vào việc mở quán nhậu, quán cà phê, hoặc thời gian gần đây khi cơn sốt đất ập đến là gom tiền mua đất.
Quê tôi, từ một vùng quê miền núi trầm lắng, nay đi đâu cũng gặp quán nhậu, quán cà phê nhưng chỉ lác đác vài khách ngồi. Rồi những mảnh đất, khi đi qua cơn sốt thì nằm đó, chẳng biết đến khi nào mới bán được. Cũng có những thanh niên chọn cách sống an toàn hơn: gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi hàng tháng, nhưng sống cảnh “nhàn cư” buồn tẻ, uống rượu uống bia, triền miên lướt mạng xã hội.
Có thể thấy rõ những đồng tiền được chắt chiu từ những ngày lao động ở nước ngoài giờ đang đi vào ngõ cụt. Đó là một thực trạng thật đáng buồn. Họ, những thanh niên đã tạo được chút vốn ngỡ mong đổi đời nhưng cuộc đời sau đó, ngoài căn nhà to ra thì không có gì đổi khác, nếu không muốn nói là còn dễ vướng vào nhiều hệ lụy khi có tiền trong tay.
Những đồng tiền vô định
Cũng trong bài viết Lao động vượt biên, tác giả đã nói rất đúng thực trạng “đi nước ngoài không phải vì không thể sống nổi ở quê nhà, mà vì nó là ước vọng thoát nghèo và đổi đời”.
Như câu chuyện của người bạn tôi. Bạn hoàn toàn “sống khỏe” ở quê nhà nhưng mất kiên nhẫn khi có một cuộc sống quá bình lặng. Như bao thanh niên khác, bạn mong cầu “đi để đổi đời” nhưng có thể bạn chưa hiểu thấu đáo đổi đời đâu chỉ là trở nên có tiền bạc, mà quan trọng hơn là biết tiêu tiền như thế nào, biết thiết lập cuộc sống ra sao với vốn liếng có được để hướng tới một đời sống vững vàng và hạnh phúc hơn. Chứ khi có một số tiền lớn mà vẫn không biết làm gì, thậm chí càng nguy hiểm!
Rõ ràng, còn cả một khoảng trống to lớn cho nhu cầu khởi nghiệp của đông đảo người đi xuất khẩu lao động trở về. Dường như chưa có (hoặc nhiều người chưa được thấy) một đề án hướng nghiệp nào được triển khai trên thực tế cho đối tượng này.
Tôi thật sự không rõ chiến lược đưa lao động đi xuất khẩu có bao gồm những tính toán xa hơn việc đưa người đi xuất khẩu lao động ngắn hạn hay không? Tỷ như nguồn lực (đã có kinh nghiệm và có cả vốn liếng) này sau khi về nước sẽ được tạo cơ hội khởi nghiệp, hoặc được tổ chức sử dụng và phát huy như thế nào trong sự nghiệp phát triển của quốc gia, chí ít cũng là ở những phạm vi nhỏ hơn, như cho các vùng nông thôn chẳng hạn.
Thật lãng phí nếu không định hướng phát huy nguồn lực này. Quan trọng hơn là những người chủ sở hữu đồng vốn có được từ lao động ở nước ngoài trở về vẫn chưa thực sự “đổi đời” trong sự chơi vơi trước tương lai bất định.
Tục ngữ có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Nếu soi chiếu câu chuyện xuất khẩu lao động vào câu tục ngữ này, có thể thấy đa số thanh niên đi nước ngoài làm việc chỉ là bán sức lao động. Nhiều người vẫn chưa xác định nghề nghiệp hoặc có thể có một nghề nhưng cũng “chưa chín tới”. Bởi trong cuộc sống sau khi về nước, họ vẫn loay hoay làm… “chín nghề”, cho dù trong tay đã có được số vốn đáng mơ ước đối với nhiều người.
Và cùng với đó, để cuộc sống thực sự sang trang mới (đổi đời đúng nghĩa), có lẽ không chỉ là có tiền hay có việc làm, những thanh niên sau khi lao động ở nước ngoài trở về cần một miền quê thực sự đáng sống, nhất là trong đời sống tinh thần.
Vâng, rất đúng ạ “đi nước ngoài không phải vì không thể sống nổi ở quê nhà, mà vì nó là ước vọng thoát nghèo và đổi đời”. Ở quê sống được, nhưng nhìn xung quanh ai cũng mua xe, xây nhà thì cũng rầu. Đành đi thôi, mà đi về lại càng rầu!!!