Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau những con số nhà cung ứng, sản phẩm công nghệ của Apple tại Việt Nam

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà cung ứng của Apple bắt đầu dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu hồi tháng 3-2018. Số lượng nhà cung ứng của hãng công nghệ Mỹ và lượng sản phẩm công nghệ cao sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhưng đó chưa là điểm dừng khi một số nhà thầu của Apple và một số đối thủ của hãng đang hướng đến việc sản xuất chip tại Việt Nam.

Khách hàng đang ngắm nghía Apple Watch tại một cửa hàng Apple Store thuộc khu Broadway ở Los Angeles. Từ quí 3 này, một phần dây chuyền sản xuất Apple Watch từ Trung Quốc sẽ được chuyển sang Việt Nam, bên cạnh MacBook, iPad và AirPods. Ảnh: Reuters

Theo danh sách các nhà thầu Apple được hãng này công khai trong năm 2021, số lượng nhà thầu của Apple tại Việt Nam đã tăng nhanh từ con số 14 trong năm 2018 lên con số 22 trong năm tài chính 2020. Đến cuối tháng 5 vừa rồi, Apple có 31 nhà máy đối tác tại Việt Nam với khoảng 160.000 lao động.

Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Đài Loan đã giúp Apple tăng nhanh số lượng các vệ tinh bên ngoài Trung Quốc. Các nhà thầu chính của Apple gồm Foxconn, Pegatron, Luxshare và Goertek đã đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian qua, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc.

Các nhà máy đối tác của Apple phân bố rải rác từ Bắc vào Nam. Phần lớn tập trung tại cụm công nghiệp Bắc Ninh – Bắc Giang, số còn lại rải ra ở vùng phụ cận như Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nghệ An. Apple còn có nhà thầu tại Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.

Samsung, LG và các nhà thầu phụ của họ tại Bắc Ninh và Bắc Giang cùng với nhà máy của Intel tại TP.HCM cũng là nhà cung ứng linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp của Apple tại Việt Nam.

Hàm lượng công nghệ gia tăng

AirPods Pro ra mắt từ tháng 10-2019. Mãi đến tháng 5-2020, một số mẫu tai nghe AirPods Pro được lắp ráp tại Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường. “Phía Việt Nam thậm chí đã cấp giấy phép đặc biệt cho một nhà máy lắp ráp AirPods của Apple để công ty có thể đưa các kỹ sư nước ngoài sang hỗ trợ sản xuất suôn sẻ trong thời gian giãn cách xã hội”, Nikkei Asia đưa tin vào thời điểm tháng 3-2020 khi Việt Nam và cả thế giới đóng cửa biên giới để phòng dịch.

Trước thời điểm này, Việt Nam chỉ là nơi lắp ráp tai nghe AirPods và cáp Lightning, các mẫu AirPods Pro được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn ở các nhà máy Trung Quốc. Sau AirPods Pro, các phiên bản nâng cao như AirPods 2 và 3 đều được lắp ráp tại Việt Nam.

Apple từ lâu đã cân nhắc việc sản xuất một phần iPad bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, với hai điểm đến được yêu thích là Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, các đợt bùng phát Covid tại các tỉnh Việt Nam từ quí 2 năm ngoái đã làm trì hoãn việc thực hiện kế hoạch này.

BYD, một trong những nhà lắp ráp iPad hàng đầu của Trung Quốc, đã giúp Apple xây dựng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Từ tháng 1-2022, nhà thầu này đã bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ máy tính bản tại Việt Nam.

iPad sẽ trở thành dòng sản phẩm chính thứ hai của Apple được sản xuất tại Việt Nam, sau loạt tai nghe AirPods. Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với “nhà táo”. Apple đã xuất xưởng 58 triệu chiếc iPad trong năm ngoái, với phần lớn các nhà cung cấp thiết bị này tập trung ở Trung Quốc.

Các đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải và vùng phụ cận từ tháng 4 năm nay đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple, khiến “nhà táo” đẩy nhanh tốc độ chuyển dần công suất sản xuất iPad sang Việt Nam. Apple đã yêu cầu nhiều nhà cung cấp trữ sẵn linh kiện nhằm đề phòng tình trạng thiếu hụt và sụt giảm nguồn cung trong tương lai.

Apple cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng cường nguồn cung linh kiện như bảng mạch in, các bộ phận cơ khí và điện tử, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất tại Thượng Hải và vùng phụ cận, nơi các biện pháp “zero Covid” nghiêm ngặt đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt và đứt gãy chuỗi hậu cần.

Cụ thể, Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng dự trữ nguồn linh kiện để đảm bảo nguồn cung liên tục trong vài tháng. Các yêu cầu áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm của Apple - iPhone, iPad, AirPods và MacBook - các nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Ngoài ra, công ty đã yêu cầu các nhà cung cấp nhanh chóng di dời nhằm đảm bảo nguồn cung cấp một số loại chip, đặc biệt là những chip hiệu suất lớn dành cho iPhone đời mới ra ngày 7-9 tới. Các nhà phân tích việc ra mắt iPhone 14 có thể trễ đến ba tuần, xong “nhà táo” có thể chơi chiêu là ra mắt đúng hạn nhưng cung cấp hàng rất nhỏ giọt.

Trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Apple đang đàm phán với nhà thầu BYD của Trung Quốc và Foxconn của Đài Loan để gia tăng sản lượng iPad tại Việt Nam.

Từ tháng 8 này, Apple đang làm việc với Luxshare và Foxconn để sản xuất thử nghiệm đồng hồ Apple Watch và laptop MacBook tại Việt Nam. Hãng cũng đàm phán với hai nhà thầu về dây chuyền sản xuất loa thông minh HomePod tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các sản phẩm này được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

“Tai nghe, đồng hồ, loa thông minh và nhiều thứ khác… Apple đang có kế hoạch lớn cho Việt Nam, ngoại trừ sản xuất iPhone. Linh kiện của MacBook bao gồm nhiều module hơn so với trước đây, nên việc sản xuất laptop ngoài Trung Quốc dễ hơn. Dù vậy, làm thế nào để cạnh tranh về giá lại là một thách thức khác”, một nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Tuy vậy, việc sản xuất lớn có thể chậm do các gián đoạn liên quan đến Covid-19 và sản xuất máy tính đòi hỏi chuỗi cung ứng lớn hơn. Hiện tại, chuỗi cung ứng tập trung ở Trung Quốc và rất tốn kém. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành nói Nikkei Asia rắng, việc sản xuất và lắp ráp một thiết bị tinh vi như Apple Watch “sẽ là một thắng lợi lớn cho Việt Nam bởi đây là sản phẩm công nghệ bậc cao, đòi hỏi nhiều linh kiện trong một phom dáng nhỏ gọn”.

Góp phần hình thành công nghiệp chip tại Việt Nam

Sự chuyển dịch mạnh của các nhà thầu từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và chính sách chống Covid cứng rắn của Trung Quốc trong thời gian qua đã góp phần mở rộng cộng đồng nhà thầu cho Apple và các hãng đại công nghệ khác tại Việt Nam. Nhưng nếu chỉ nhìn thoáng qua mà không nhắc đến các sự kiện khác, tác động khác cũng khó nhìn hết các thay đổi trong chính sách của tập đoàn công nghệ Mỹ.

Việt Nam là một trong bốn thị trường có mức tăng trưởng hai con số đối với một số sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, bên cạnh các thị trường Brazil, Indonesia và Ấn Độ. Báo cáo tài chính quí kết thúc tháng 6-2022 cho thấy doanh thu của Apple đạt 83 tỉ đô la, tăng nhẹ 2% so với con số 81,4 tỉ đô la của quí cùng kỳ. Ngoài ra, Việt Nam cũng nổi lên trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của Apple nhờ nhiều yếu tố, trong đó việc gần với công xưởng lớn nhất và thị trường lớn nhất của Apple là Trung Quốc có ý nghĩa lớn.

Tháng 5-2022, đoàn lãnh đạo chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại trụ sở của Apple tại California. Cũng trong tháng này, Apple cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thái Hải Vân – cựu CEO của Grab – làm Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam. Gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia Unilever và hãng xe công nghệ Grab sẽ giúp bà Hải Vân lèo lái chi nhánh tại Việt Nam của Apple – theo lời một nhà phân tích tại TPHCM.

Không chỉ tham gia sản xuất và lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao của Apple, Luxshare và Goertek – hai trong số những nhà thầu lắp ráp quan trọng nhất của Apple – đang mạo hiểm tham gia công đoạn đóng gói chip cho hãng chế tạo iPhone. Theo Nikkei Asia, trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của tại Việt Nam, Luxshare cũng đang giúp các nhà thầu phụ tại Việt Nam hình thành năng lực lắp ráp chip.

Luxshare đang xây dựng hệ thống chip gói (SiP) cho tai nghe AirPod của Apple sau khi giành được lượng lớn đơn hàng từ các hãng đối thủ Đài Loan và Mỹ. Các nguồn tin này cũng nói với Nikkei Asia rằng nhà thầu Goertek cũng đang để mắt đến mảng kinh doanh lắp ráp chip. Nhưng do những thách thức về mặt công nghệ nên cho đến nay, các đơn hàng mà Goertek nhận được ít hơn nhiều so với Luxshare.

Trước các động thái của Apple và các nhà thầu của hãng, các hãng công nghệ đối thủ như Intel và Samsung đã không ngồi yên.

Nhà lãnh đạo cấp cao Patrick Gelsinger của tập đoàn Intel đến thăm Việt Nam chỉ 10 ngày sau khi đoàn chính phủ Việt Nam thăm Intel và các tập đoàn Mỹ, và sau đó cam kết mở rộng đầu tư cho nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Đầu tháng 8, Tổng giám đốc Samsung Electrics Roh Tae-moon cũng cam kết đầu tư 3,3 tỉ đô la cho sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam… Mà cả hai tập đoàn này đều là nhà thầu quan trọng của Apple tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới