Thứ Hai, 5/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Yêu cầu Hà Nội làm rõ trách nhiệm liên quan tới hơn 700 dự án chậm tiến độ

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội đã yêu cầu thành phố Hà Nội làm rõ nguyên nhân, lãng phí từ hơn 700 dự án chậm tiến độ, hàng trăm công trình, dự án chậm đưa đất vào sử dụng…

Tuyến xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội là một trong những dự án đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa khai thác hết công suất, hiệu quả thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Yêu cầu trên được các thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra tại buổi làm việc của đoàn này với thành phố Hà Nội vào ngày 22-8. Buổi làm việc này nằm trong chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, việc lập, phê duyệt, giao thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa cao, chưa xác định được các dự án thực sự cần thiết – có 906 dự án bị cắt giảm do chưa cần thiết, cấp bách. Thực tế cho thấy, nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa khai thác hết công suất, hiệu quả thấp, điển hình như: Bảo tàng Hà Nội, Rạp 2-9 thị xã Sơn Tây, tuyến xe buýt nhanh BRT.

Số dự án chậm tiến độ còn lớn (707 dự án), trong đó đáng chú ý hầu hết các dự án nhóm A, dự án PPP, dự án sử dụng vốn ODA đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh quyết định đầu tư nhiều lần. Điển hình như là Dự án tuyến đường sắt thí điểm Thành phố đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; dự án Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích tại Ba Vì.

Nói tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, có nhiều dự án kéo dài trong vòng 20 năm, thậm chí lâu hơn. Ông đề nghị phản ánh rõ các nguyên nhân theo nhóm, do khách quan, chủ quan, Đoàn giám sát rất quan tâm vướng do văn bản pháp luật, văn bản dưới luật.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo chậm được khắc phục. Thành phố Hà Nội vẫn còn 337 công trình, dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Nhiều dự án các khu đô thị diện tích đất để hoang, gây lãng phí.

Nói về nội dung trên, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 400 dự án treo, các dự án đã được giao đất, thuê đất nhưng chậm. Hơn 700 dự án đã giao đất chậm đưa vào sử dụng. Theo bà Mai, các dự án này ở vị trí đắc địa có nghĩa là nguồn lực bị thất thoát, lãng phí.

Các thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, các tồn tại, hạn chế nêu trên đều là nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư, gây bức xúc cho dư luận. Đề nghị thành phố Hà Nội làm rõ số thất thoát, lãng phí (cả về vốn, tài sản, đất đai) trong quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý quyết liệt các sai phạm, gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong từng cơ quan tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới