Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cạn ‘room’ tín dụng, ngân hàng nào sẽ sớm được nới?

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tính đến ngày 15-8-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỉ đồng, tăng 9,62%. Trước đó, tính đến ngày 30-6-2022, tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã lên tới 9,35%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể trong gần hai tháng qua.

Vietcombank sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính cả năm vào khoảng 18-19%.

Lợi nhuận sẽ giảm tốc?

Mặc dù vẫn có lợi nhuận tăng trưởng cao trong sáu tháng đầu năm nay nhưng mức lợi nhuận tuyệt đối của nhiều ngân hàng được dự báo sẽ chậm lại đáng kể trong hai quí cuối năm. Nguyên nhân là do hầu hết tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đều đến từ tín dụng trong khi room tín dụng của nhiều ngân hàng đang gần cạn, thậm chí đã cạn. Việc các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động trong 1-2 tháng trở lại đây trong khi room tín dụng đã ở trạng thái gần hết sẽ khiến cho thu nhập từ lãi của các ngân hàng bị thu hẹp trong hai quí cuối năm. Diễn biến tăng của lãi suất huy động phần nào được giải thích là do tín dụng tăng nhanh nhưng huy động tăng quá chậm. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 30-6 chỉ đạt 4,51% so với cuối năm 2021, chưa bằng một nửa tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Mức chênh lệch này khiến cuộc đua huy động vốn càng ngày càng nóng.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã cạn dần room tín dụng từ hai tháng trước do tăng “nóng” trong các tháng đầu năm. Những năm trước, vào khoảng tháng 6, NHNN sẽ nới room tín dụng. Thế nhưng, năm nay nhà điều hành vẫn chưa có động thái nào. Theo NHNN, do tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản khá lớn trong khi thời gian vay vốn bất động sản lại dài, từ đó có thể gây ra những rủi ro nhất định. Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ khiến NHNN khó có thể nới room rộng rãi cho tất cả ngân hàng nhằm giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% năm 2021 và 12,17% năm 2020.

Theo số liệu mới nhất từ NHNN thì tính đến ngày 15-8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỉ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng mà NHNN công bố đã lên tới 9,35%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể trong gần hai tháng qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dư địa tín dụng còn lại cho sáu tháng cuối năm nay là không nhiều, chỉ còn 4,65%, tương đương quy mô khoảng gần 500.000 tỉ đồng.

Room tín dụng sẽ có sự phân hóa mạnh

Về phía NHNN, nhà điều hành sẽ giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng dựa vào kết quả xếp hạng và chấm điểm theo quy định tại Thông tư 52 năm 2018 của NHNN. Có sáu tiêu chí chấm điểm ngân hàng, gồm tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. Ngoài ra, việc phân bổ tăng trưởng tín dụng của NHNN cho từng tổ chức tín dụng cũng sẽ dựa trên hai cơ sở. Thứ nhất, các ngân hàng xếp hạng cao sẽ được giao room tốt hơn. Thứ hai, theo chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, việc cấp hạn mức tín dụng cao hay thấp cũng sẽ dựa trên tiêu chí (mức độ) giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí (mức độ) tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém...

Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... được dự báo sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Báo cáo mới đây của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research - cho biết NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ không quá cao.

Còn theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nhiều ngân hàng đã chạm hạn mức tín dụng ban đầu ngay từ cuối quí 1 và đang chờ đợi NHNN cấp thêm. Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... được dự báo sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém như MB và Vietcombank cũng sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro (như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...) cao có thể bị hạn chế room tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng việc MB nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém như OceanBank sẽ giúp ngân hàng này được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành từ 1,5-2 lần trong 3-5 năm tới. ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này sẽ ở mức 20-25%/năm để cân đối giữa tốc độ tăng trưởng bảng cân đối và duy trì tỷ lệ an toàn vốn (hiện khoảng 10%) ở mức hợp lý. Trong năm 2022, MB được dự báo tăng trưởng tín dụng 22%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của hệ thống (14%). Bên cạnh việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém, MB cũng có hệ số CAR cao (11,2%), chất lượng tài sản tốt, hiệu quả kinh doanh cao, các hệ số thanh khoản cũng như bảng cân đối tài chính mạnh nên sẽ đáp ứng được khả năng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.

Cùng với MB, Vietcombank cũng đề xuất nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, đồng thời cũng là ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong hai năm đại dịch Covid-19. Do đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVCS) nhận định Vietcombank sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính cả năm vào khoảng 18-19%.

VPBank có thể cũng được nới room mạnh khi ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được tạm cấp từ đầu năm và có kế hoạch nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng ngân hàng mẹ VPBank sẽ có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm 2022, ước khoảng 23% nhờ có hệ số CAR cao (12,7%) và tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) thấp (70,8%) vào thời điểm cuối quí 2.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần sớm bãi bỏ công cụ hành chính “ROOM”, quá lạc hậu, mang tính xin cho, ban phát. Thanh khoản hiện đang cạn kiệt cũng vì lý do này. Với các công cụ quản lý hiện đại ngày nay, NHTW hoàn toàn có khả năng giám sát rủi ro toàn hệ thống và từng NHTM, bảo đảm tốt dòng chảy thanh khoản, an toàn hiệu quả tín dụng. Nhiều NHTM đã nâng cấp chuẩn BASEL theo thông lệ quốc tế, thì NHNN cũng phải tự nâng cấp lên, không nên bảo thủ với công cụ cũ rích nữa. Chỉ những NHTM chậm nâng cấp, nguy cơ rủi ro cao, thì mới quản lý ROOM. Nhưng cũng không nên kéo dài, thật sự chẳng giống ai !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới