Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp xoa dịu căng thẳng tỷ giá?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Điều bất ngờ là sau giai đoạn căng thẳng trong hai tuần trước đó, tỷ giá lại có dấu hiệu hạ nhiệt vào đầu tuần này (29-8-2022) bất chấp đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục leo cao.

Đô la Mỹ thời gian qua tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với các ngoại tệ khác. Ảnh: LÊ VŨ

Đô la Mỹ lại lên cao nhất 20 năm

Trong tuần trước, giá bán đô la Mỹ tự do trong nước đã leo lên mức cao nhất ở 24.160 đồng/đô, trong bối cảnh giá đô la Mỹ giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường quốc tế đều đi lên trở lại.

Cụ thể, chỉ số USD Index trong tuần đã tăng 2,4%, lên mức 108,17 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn một tháng vừa qua, khi đô la Mỹ tăng mạnh so với tất cả ngoại tệ khác trong rổ chỉ số này. Cụ thể, đô la Mỹ tăng lần lượt 2,59%; 2,55%; 2,16%; 3,73%; 1,63% và 1,83% so với JPY, GBP, EUR, SEK, CAD và CHF.

Xu hướng tăng mạnh của đô la Mỹ diễn ra trước dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng mạnh lãi suất trong giai đoạn tới.

Nếu như cách đây hơn một tháng (28-7), theo công cụ Fedwatch của CME dùng để dự báo lãi suất của Fed, xác suất tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp của Fed vào tháng 9 tới lên đến 74%, trong khi xác suất tăng 0,75 điểm phần trăm là 26%, thì ba tuần sau đó (19-8), xác suất tăng 0,5 điểm phần trăm đã giảm xuống còn 53% trong khi xác suất tăng 0,75 điểm phần trăm đã tăng lên 47%.

Tuy nhiên, sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole kết thúc vào cuối tuần qua (26-8), dự báo theo Fedwatch tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, với xác suất tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã giảm xuống chỉ còn 39% còn xác suất tăng 0,75 điểm phần trăm vọt lên mức 61%.

Cập nhật đến đầu tuần này (29-8), xác suất tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm tiếp tục tăng lên mức 72,5%, trong khi xác suất tăng 0,5 điểm phần trăm đã giảm xuống chỉ còn 27,5%.

Theo tuyên bố của người đứng đầu Fed, cơ quan này sẽ dùng “các công cụ một cách quyết liệt” để kìm hãm lạm phát – vốn vẫn đang quanh quẩn gần mức đỉnh hơn 40 năm. Sau bốn đợt nâng lãi suất liên tiếp với tổng cộng 2,25 điểm phần trăm, ông Powell cho biết vẫn chưa phải là lúc để ngừng nâng lãi suất mặc dù lãi suất chuẩn có lẽ đã ở quanh phạm vi trung lập – tức không kích thích nhưng cũng không kìm hãm tăng trưởng.

Vì vậy, không có gì lạ khi chỉ số USD Index tiếp tục tăng vọt lên đến 109,48 điểm ngay sáng đầu tuần này, đỉnh cao kỷ lục mới nhất trong 20 năm qua. So với đầu năm nay, chỉ số này đã tăng hơn 14%, đánh dấu chuỗi tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên qua, khi Fed cũng đang chứng kiến động thái nâng lãi suất nhanh nhất và mạnh nhất kể từ thập niên 80 trở lại đây.

Nguồn cung ngoại tệ trong nước bất ngờ cải thiện

Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau giai đoạn căng thẳng trong hai tuần trước đó, tỷ giá trong nước lại có dấu hiệu hạ nhiệt vào đầu tuần này bất chấp đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục leo cao.

Diễn biến ngược chiều này có lẽ nhờ vào những thông tin tích cực từ hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được công bố, phản ánh nguồn cung ngoại tệ trong nước bất ngờ trở nên dồi dào hơn.

Đã đến lúc nhà điều hành nên xem xét chấp nhận để tiền đồng mất giá ở mức độ nhất định trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm hỗ trợ cho hoạt động thương mại nhiều hơn?

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê vào ngày 29-8, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu đến 2,42 tỉ đô la Mỹ, giúp con số xuất siêu trong tám tháng đầu năm tăng mạnh lên mức 3,96 tỉ đô la Mỹ, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỉ đô la Mỹ.

Thông tin này khá bất ngờ khi trước đó số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết trong nửa đầu tháng 8, cán cân thương mại thâm hụt hơn 100 triệu đô la Mỹ.

Ở hoạt động đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-8-2022 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 16,78 tỉ đô la Mỹ, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân, đóng góp chính vào nguồn cung ngoại tệ trong nước, lũy kế tám tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của (chu kỳ) tám tháng trong năm năm qua.

Nguồn cung ngoại tệ được cải thiện sẽ giúp nhà điều hành giảm bớt áp lực phải bán ngoại tệ ra can thiệp nhằm hỗ trợ nguồn cung cho thị trường.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam tới cuối tháng 5-2022 đã giảm khoảng 4,5 tỉ đô la Mỹ so với cuối năm 2021, xuống còn 102,89 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo số liệu ước tính của các tổ chức trong nước, lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra từ đầu năm đến nay lên tới 13 tỉ đô la Mỹ, tương đương hơn 11% so với mức dự trữ ngoại hối đỉnh điểm vào cuối tháng 1 năm nay, nhờ đó đã giúp cho tiền đồng vẫn giữ được giá trị ổn định so với đô la Mỹ.

Chấp nhận mất giá nhiều hơn?

So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tăng chưa đến 0,3%, trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tăng chưa đến 2,8% còn giá đô la Mỹ tự do tăng xấp xỉ 2%.

Diễn biến này khiến tiền đồng tiếp tục tăng giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại khác của Việt Nam, khi mà đô la Mỹ thời gian qua tiếp tục xu hướng tăng mạnh so với các ngoại tệ khác.

Cụ thể, tính theo tỷ giá chéo của tiền đồng với một số ngoại tệ từ trang web của NHNN, tiền đồng đã tăng giá 16% so với yen Nhật, tăng 12% so với euro và bảng Anh, tăng 9% so với đô la New Zealand, tăng 4% so với đô la Úc và franc Thụy Sỹ.

So với các nước tại châu Á, tiền đồng tăng 11% so với won Hàn Quốc, tăng 8% so với đô la Đài Loan, tăng 7% so với bath Thái Lan và nhân dân tệ Trung Quốc, tăng 6% so với ringgit Malaysia và rupee Ấn Độ, tăng 4% so với rupiah Indonesia và tăng 3% so với đô la Singapore.

Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, trong khi lại khuyến khích hoạt động nhập khẩu từ các đối tác thương mại trên. Thực tế dù tám tháng đầu năm nay chứng kiến xuất siêu tích cực so với con số nhập siêu cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên nếu nhìn vào thực trạng nền kinh tế phải giãn cách nhiều tháng trời trong quí 2 và quí 3 năm ngoái, còn năm nay các hoạt động kinh tế đã khôi phục mạnh mẽ trở lại, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tám tháng qua tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước có vẻ khá khiêm tốn.

Với việc thương mại quốc tế thời gian qua bị tác động nghiêm trọng từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, chính sách phong tỏa và cách ly để chống dịch Covid-19 tại các thành phố lớn, trung tâm sản xuất của Trung Quốc, Việt Nam lẽ ra phải hưởng lợi nhiều hơn trong hoạt động xuất khẩu của mình và kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trưởng cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, khi đồng bản tệ của các nước đều mất giá đáng kể so với tiền đồng, rõ ràng đã có những ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay.

Dù vậy, đứng về phía NHNN, trong bối cảnh áp lực lạm phát những tháng đầu năm nay thường trực, việc giữ ổn định tỷ giá là điều cần thiết để hạn chế nhập khẩu lạm phát, đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh.

Tuy nhiên, nếu lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt, với CPI tháng 8 vừa qua chỉ tăng 0,005% so với tháng trước; tăng 3,6% so với tháng 12-2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, có lẽ đã đến lúc nhà điều hành nên xem xét chấp nhận để tiền đồng mất giá ở mức độ nhất định trong thời gian còn lại của năm nay, nhằm hỗ trợ cho hoạt động thương mại nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới